Thứ sáu, 29/03/2024 16:22 (GMT+7)

Chống dịch Covid-19 đề phòng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế

MTĐT -  Thứ hai, 22/06/2020 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tôi lại nghĩ về tỉnh Bắc Giang ta có con sông Thương nước trong xanh, ở xa biển hàng năm không có ngập mặn, mà hiện nay để ô nhiễm, vậy đề nghị chính quyền tỉnh có biện pháp cải tạo lại nguồn nước.

Tôi năm nay 90 tuổi, đã được chứng kiến rất nhiều biến đổi trong cuộc đời từ các loại dịch như năm 1944-1945, dịch đậu mùa, sởi, thương hàn, sốt rét, dịch tả… một con người sống giao thời của hai thế kỷ, từ khi tôi bé và lớn lên được đi học từ 8 tuổi đã nghe thấy chiến tranh thế giới Đức – Nga đánh nhau, phát xít Đức tấn công Nga, chiếm cả châu Âu, sau đó Nga chiến thắng Đức rồi mới thống nhất cả châu Âu. Lúc bấy giờ nước Việt Nam ta ở vào thời điểm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, lịch sử nước Nam ta bị giặc ngoại xâm nhà Hán sang xâm chiếm suốt bao đời vua, như Đinh – Lê – Lý - Trần rồi đến Quang Trung - Nguyễn Huệ, đến đời vua Gia Long, Bảo Đại, cầu cứu nước pháp sang giúp đỡ, vua Gia Long bán cho Pháp từ miền Nam là thuộc địa của Pháp còn từ Bến Hải trở ra thuộc về bảo hộ do Pháp cai trị cùng với các nước Lào, Campuchia gọi là 3 nước Đông Dương do Pháp cai trị, cùng tiêu một loại tiền gọi là đồng tiền Franc của nước Pháp, lấy nước Nam làm trung tâm văn hóa của 3 nước Đông Dương nên xây dựng một trường gọi là trường Đại học Đông Dương Học Xá (là Bách Khoa bây giờ).

Nói về dịch bệnh, chính bản thân gia đình tôi đã mắc phải bệnh dịch đậu mùa năm 1944, mất đi 2 đứa em, 1 đứa cháu, còn 1 đứa cháu gái khỏi bệnh bây giờ bị mặt rỗ, lúc bấy giờ nhà tôi cũng chữa bằng thầy đông y, tây y chưa phát triển điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Tiếp đó hai anh em tôi mắc bệnh thương hàn, bệnh này sốt nóng cao, đang nằm trên giường đứng dậy ra ngoài sân 2 anh em tôi khỏi bệnh đến năm giặc Pháp lên càn quét đốt phá bắn giết đồng bào, mấy anh em tôi lại chết hụt ở cánh đồng đầu làng. Thời bấy giờ không có thông tin nên người dân không biết cách phòng bệnh, tôi đi học thầy giáo có dặn rằng ở lớp là ai bị bệnh thì ở đâu cứ ở đó không được chạy nơi này sang nơi khác không được gửi thư cho người quen ở xa, nó lây qua thư, nhưng không nói gì đến đeo khẩu trang và cách ly như bây giờ, ngay như nhà tôi bị bệnh mà vẫn ở chung với người mắc bệnh, tôi đi học có biết nhưng còn nhỏ nên cũng không biết nhắc nhở gia đình cách ly. Thầy giáo giảng rằng bệnh dịch tả lây lan chết nửa thành phố, bệnh này Pháp gọi là Cholera, bệnh lao phổi cũng lây qua đường hô hấp, có vi trùng cốc, vi trùng này có vỏ bọc như cốc pha lê nước sôi 90 độ không chết, sách giáo khoa vẽ 2 người ngồi nói chuyện với nhau người kia hít vào 2 lá phổi lấm chấm đen, ngoài ra còn như các bệnh phong hủi, hễ ai mắc bệnh phong là cho đi Bệnh viện Phong Nghệ An (Quỳnh Lập) để cách ly, sau này nhà nước ta chữa được giải tán Bệnh viện Phong Nghệ An. Người Pháp bấy giờ cũng giỏi nhưng nhiều bệnh không chữa được.

Lúc bấy giờ dân số nước ta có 2,5 triệu đồng bào mà chết đói năm 1945 cộng với chết dịch tả. Năm 1944 là năm giặc Pháp bắn ông Hoàng Văn Thụ, dân ta rất khổ, tôi được chứng kiến dân nghèo cũng khổ, người giàu cũng khổ, đêm đến thì có trộm cướp, miền Bắc thóc gạo không đủ ăn vì không cấy được, vùng xuôi đồng trắng nước trong như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Thóc gạo chỉ có mấy tỉnh miền Trung du nên đời sống đồng bào rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mãi tới khi miền Bắc cải tạo được Bắc Hưng Hải thì dân ta mới tạm đủ ăn do mấy tỉnh vùng xuôi cấy được. Đến năm 1945 Đảng Cộng Sản ra đời.

Chiến tranh bao giờ cũng có, dịch bệnh cũng vậy, từ bé đến giờ tôi được chứng kiến đúng là dịch chết nửa thành phố, mà nay toàn cầu thì coi như nửa thế giới, nên ta rất cảnh giác về dịch covid quay trở lại và biến đổi khí hậu, trước đây tôi còn nhỏ mưa đá đầu năm bao giờ cũng có nhưng đá nhỏ như hạt ngô, chúng tôi còn nhặt ăn cho mát, chứ không có đá to như bây giờ, làm đổ nhà, đổ cửa, chết người, cái này cũng là do biến đổi khí hậu, tôi nghe thông tin đại chúng, những nơi hạn hán lớn, nước ngập mặn, thiếu nước ngọt, không đủ ăn.

Chiều hoàng hôn trên sông Thương (Ảnh: Internet)

Tôi lại nghĩ về tỉnh Bắc Giang ta có con sông Thương nước trong xanh, ở xa biển hàng năm không có ngập mặn, mà hiện nay để ô nhiễm, vậy đề nghị chính quyền tỉnh có biện pháp cải tạo lại nguồn nước sạch của sông.

Ngày xưa dân hai bên bờ vẫn gánh nước về ăn và có những bến sông sạch sẽ tắm mát, bây giờ cải tạo lại giữ lấy nguồn nước này do thiên nhiên ưu đãi, nước chảy từ Lạng Sơn, trong lòng núi đá, không bao giờ cạn kiệt. Tôi đã đi đường rừng từ Bắc Giang tới Lạng Sơn chứng kiến nước chảy ngầm qua núi đá ra trong xanh sạch sẽ.

Nếu chính quyền quan tâm thì vận động dân hai bên bờ sông giữ gìn vệ sinh không đổ phế thải, không vứt xác động vật, không phóng uế xuống sông, các dân chài phải có thùng vệ sinh đem lên bờ đổ vào nơi quy định, để dùng làm phân bón trồng cây có lợi cho cộng đồng, hàng ngày các lứa tuổi thanh thiếu niên, trung niên, nam, nữ ra sông tắm mát bơi lội, như trong người có miếng võ, không sợ đuối nước mà lại là vận động viên thể thao.

Như Hồ Tây – Hà Nội xưa cũng có một thời kỳ để ô nhiễm do dân xung quanh họ đổ phế thải, sau thành phố phải làm một cuộc vận động người dân quanh hồ giữ gìn vệ sinh sạch đẹp, nên hàng ngày thanh niên nam nữ làng Xuân La, Xuân Đỉnh đi làm về lội xuống hồ tắm mát và mò trai, trai hồ ăn rất ngon, mà nay lại là nơi thắng cảnh khách đến thăm Hồ Tây – Hà Nội.

Một điểm quan trọng nữa là Sông Thương là nơi du lịch năm xưa của các bà con hai bên bờ cứ đến tháng 7 ngày rằm là đi lễ hội đền Trần - Phả Lại bằng thuyền trẩy hội trên sông, nếu ta khai thác được mấy lễ hội nhỏ, ngắn ngày thì lại hấp dẫn được khách du lịch đông người về dự, vùng thượng du, lễ hội đầu năm đền Dành, Yên Thế, Đình Vồng…, tôi đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang khai thác lễ hội năm xưa của Đào Quán – Tân Quang – Lạng Giang. Ngày xưa tôi còn bé được bố tôi cho đi dự có các trò chơi hay nhất là Đu Tiên, có cái vòng tròn to các cô Tiên ngồi ghế hát và quay, người vẫn tư thế ngồi ghế bình thường tôi đề nghị khai thác trò chơi đó, bấy giờ không có điện thì quay thế nào? Sao lên cao thế mà vẫn giữ được tư thế ngồi không bị ngã?  Múa rối nước – lễ hội Dương Sơn tôi đề nghị khai thác động tác đánh tổ tôm, điếm, người đi đánh bài có câu ca dao như thế nào khi mang quân bài đến điểm đặt bài. Bấy giờ tôi còn bé nhưng thấy rất hay mà nhân dân bỏ mất không duy trì. Đó cũng là giãn cách của lễ hội đông người như lễ hội Quảng Ninh. Nếu ta mở vào mùa vải thiều thì Bắc Giang ta lại có cơ hội mở rộng thị trường, đó cũng là một sáng kiến kinh doanh một công đôi việc, cộng với thêm các dịch vụ, bà con nhân dân trong vùng có thu nhập, ngày nghỉ ngắn ngày của CBCN đi nghỉ vui chơi gần đỡ được tiền và thời gian, ăn uống sinh hoạt rẻ tiền vùng thượng du Bắc Giang, khách xa gần ai ai mà chẳng muốn đến xem.

Bắc Giang năm xưa cung cấp lương thực cho 2 tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn, 2 tỉnh này là rừng núi, không trồng được rau ăn, như rau muống, bắp cải, xu hào, ngoài ra chỉ có qua xu xu, cà, măng rừng, rau ngót rừng, còn chủ yếu là từ Bắc Giang đưa lên, làm hậu cần cho việc cung cấp rau, thực phẩm cũng như Thanh Hóa làm hậu cần cho tỉnh Hòa Bình và mấy tỉnh miền trong.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Giang đóng vai trò rất quan trọng là tuyến đầu bảo vệ cơ quan Trung ương đóng ở Thái Nguyên bảo vệ chiến khu Việt Bắc giữ mặt trận phía Nam đánh vào cơ quan trung ương.

Tôi nghe rất nhiều về thông tin quảng cáo cá ngừ Sapa nên nghĩ sông Thương rất nhiều, cá ngon, chẳng kém gì cá Sông Đà, sông Thương còn có đặc sản là ba ba rất ngon và nổi tiếng, ngày tôi còn bé ở nhà với bố năm nào vào tháng 3 cụ cũng căn 2 – 3 lần ba ba sông Thương, do ông bố tôi hợp đồng với các dân chài đánh bắt thủy sản. Vậy tôi đề nghị ngành thủy sản Bắc Giang nên phát triển nuôi ba ba sông Thương, ta cũng nên quản lý bảo vệ thủy sản, không cho đánh bom, mìn, chỉ cho đánh bắt bằng chài lưới thủ công như năm xưa và thả câu của các bà con dân chài (năm xưa tôi ở đơn vị chủ lực đơn vị có cải thiện bữa ăn cho anh em bộ đôi đánh một quả mìn xuống vùng Cống Mọc bộ đội vớt 21 gánh cá, còn dân vớt không kể. Việt này ta phải quản lý chặt, không cho đánh mìn, không cho kích điện). Không cho hút cát, không cho thuyền cát đồ gần các bến sông, để bà con hai bên bờ có bến sông tắm mát và giữ gìn bến sông sạch sẽ, để thể hiện câu ca dao: cây đa, bên nước, sân đình năm xưa phong cảnh làng quê. Dịch tả năm 1945 ở vùng xuôi chạy lên làng tôi chết rất nhiều, chết ở đầu đình, cuối xóm, mỗi một ngày sáng ra dân làng lại phải đi chôn, người đi chôn bị buộc dây vào cổ kéo đi như kéo con vật. Năm chết đói do Nhật phá lúa non trồng đay, tôi bé chẳng hiểu là cây đay để làm gì, chỉ nghe thấy bảo làm thuốc súng nhưng không biết có phải không.

Lục Ngạn mùa vải chín

Đến năm sau được mùa xã tôi có một ông giàu nhất xã thuê các người vùng xuôi lên làm thuê, thì người khỏe nhất gánh được 1 gánh đất phù sa ở sông lên đổ vào ruộng, còn người ốm thì làm sao mà gánh được miễn là cứ khỏi bệnh là được trả công, đó cũng là từ thiện như ngày nay. Còn người Nhật thì phát chẩn cho quần áo vì làng tôi có một cái đồn của ông chủ người Pháp nên Nhật lên chiếm kho thóc đóng quân ở đó, sau đó dân ốm yếu lên làm thuê được ăn no quá cũng chết. Ông nhà giàu nhất xã sau xây cho xã một cái trường tiểu học, con ông làm hiệu trưởng. Không có phong trào làm từ thiện như bây giờ.

Bấy giờ ai có thì cứ tùy tâm. Thời bấy giờ tôi còn nhỏ được bố mẹ cho ăn theo học, bấy giờ cũng chỉ hiểu là cố học hành thi cử lấy tấm bằng sau này lớn lên làm thầy giáo dạy học trường Hương Sư (Hương Sư – chữ hán giáo viên trường làng chứ có nghĩ gì đến có cuộc cách mạng đâu).

Sau đó đến năm được đi thi lấy bằng, thi ở trường cạnh đồn quan Tri Phủ - Nhã Nam, đồn có lính khố xanh đứng gác. Tôi thi 2 bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, nếu thí sinh nào biết cả tiếng Hán là thi 3 bằng, mà tôi còn bé nhưng cũng có biết suy nghĩ khả năng nhà mình cũng chỉ theo được đến thầy giáo dạy Hương Sư (dạy trường làng) chứ không theo được đến đỗ tú tài vì bấy giờ ai có bằng tú tài thì được bổ đi làm quan Tri Phủ, quan Tri Phủ có cả bằng luật, chủ tịch huyện bây giờ không có bằng luật.

Khi tôi đi theo Cách mạng là người của huyện Yên Thế Bắc Giang. Bấy giờ chỉ có 21 xã, từ Việt Hương, Hiệp Thành, cho đến Hòa Bình, Việt lập là địa bàn hoạt động của chúng tôi, ngày đó tôi suýt chết ở thôn Cao Xá đóng quân bị lộ. Địch ở Việt Trì Mỏ Thổ cách hơn 20km đường kính nhìn thấy, may mà tôi còn sống đến ngày nay. Máy bay địch thả bom xung quanh làng rồi vào giữa làng tôi đóng quân, trận đó đồng đội tôi hy sinh và bị thương là do hành quân sáng sớm về Cao Xá dân đón bộ đội về ăn tết. Ngày mùng 1 tết và lúc 12 giờ bị đánh bom, sau này về Hà Nội tôi thuộc lực lượng vũ trang trung đoàn thủ đô tham dự các trận B52 cùng với quân chủ lực bảo vệ bầu trời thủ đô, cho nên cuộc đời lứa tuổi tôi chứng kiến và trải qua song gió rất nhiều, nay có dịch covid tôi nói lên những ý nghĩ của mình với quê hương Bắc Giang, Yên Thế năm xưa, của một người con đất cháu cụ Đề năm xưa.

Mong các bạn đọc hãy thứ lỗi cho tôi viết nên những điều không có trong thực tế, mà lúc nào tôi cũng chỉ có ý nghĩ mong quê hương mình phấn đấu bằng các tỉnh bạn, đây là một điều rất vinh dự, đến đây tôi xin cảm ơn các cơ quan báo chí và bạn đọc.

Nguyễn Văn Hiệp

Hội viên Hội đồng hương Tân Yên tại Hà Nội

Tel:  024.37832380 – Di động: 0389355922

Bạn đang đọc bài viết Chống dịch Covid-19 đề phòng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.