Thứ ba, 23/04/2024 19:17 (GMT+7)

Chủ đầu tư khu công nghiệp: Thống nhất tầm nhìn, mục tiêu vượt qua đại dịch

MTĐT -  Thứ hai, 20/09/2021 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của địch dịch Covid - 19 tại các Khu công nghiệp, đòi hỏi Chủ đầu tư cần giữ vai trò chủ đạo trong công tác phòng chống dịch.

Công ty cổ phần Shinec là chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) với quy mô 263 ha. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Shinec cho biết, từ khi đại dịch xảy ra, Công ty đã xác định rõ 4 yếu tố ảnh hưởng đến khách thuê là trở ngại tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền và khó khăn trong quản trị lao động, từ đó tập trung vào các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này. Đến nay, cả khu công nghiệp vẫn đảm bảo được “hành lang xanh” khi không có người nhiễm bệnh.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Shinec cho biết thế khó của chủ đầu tư là khu công nghiệp có nhiều khách thuê, lực lượng lao động đông đảo, mỗi khách thuê lại có văn hóa riêng, nên điều đầu tiên là phải thống nhất được tầm nhìn, mục tiêu, từ đó mới có được các kế hoạch hành động hiệu quả và với vai trò của chủ đầu tư, Shinec đã chia sẻ tài chính cùng các khách thuê, tư vấn đưa ra các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận hành, tái cấu trúc khối lượng tiêu thụ nguyên liệu, thúc đẩy tiêu thụ nội khối: Đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp…

tm-img-alt
Các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng cần chủ động lập kịch bản ứng phó với các sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của khách thuê, đồng thời đưa ra các giải pháp kết nối, hỗ trợ cho khách thuê. Ảnh minh họa

“Nhờ có chung tầm nhìn, chung ý chí, nên hoạt động của khu công nghiệp nói chung, các khách thuê nói riêng đều được duy trì ổn định. Năm 2019, khu công nghiệp đã đóng 825 tỷ đồng tiền thuế, năm 2020 tăng lên 935 tỷ đồng và mục tiêu năm 2021 sẽ không dưới 1.000 tỷ đồng thuế được nộp”, ông Điệp nhấn mạnh.

Trao đổi với bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Kizuna - doanh nghiệp chuyên về nhà xưởng xây sẵn tại Long An chia sẻ, hiện nay, chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp còn duy trì hoạt động sản xuất tại các khu nhà xưởng dịch vụ của Kizuna.

“Các doanh nghiệp sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong giai đoạn này do thiếu hụt lực lượng lao động, các loại chi phí như chi phí vận chuyển, logictis, nhân công… tăng cao, bên cạnh phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch lây lan”, bà Hiếu nói và thông tin thêm, để chia sẻ khó khăn với khách thuê, Kizuna đã giảm 15% chi phí thuê xưởng trong quý III/2021, không điều chỉnh giá thuê theo chỉ số tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2022…

Trước đây, Kizuna tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI mới, nhưng nay chủ yếu hướng đến các khách thuê hiện hữu, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất có sẵn nhà máy có nhu cầu thay đổi địa điểm, thay đổi quy mô sản xuất phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí và thuận lợi trong khâu vận chuyển, đi lại trong khu vực TP.HCM.

Cùng chung ý kiến, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho hay, giãn cách kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, mà còn tác động tới các công ty hạ tầng khu công nghiệp như Long Hậu.

Khu công nghiệp Long Hậu hiện có 160 doanh nghiệp đang hoạt động, ngành nghề chủ yếu là cơ khí, hàng tiêu dùng, kho lạnh, thủy - hải sản và các doanh nghiệp phụ trợ, trong đó có 121 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với 5.270 lao động để vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” hoạt động chỉ với 30-50% công suất thiết kế của nhà máy.

“Để phối hợp với địa phương và doanh nghiệp trong phương án tổ chức vừa chống dịch vừa sản xuất, phòng chăm sóc khách hàng của Long Hậu phải làm việc xuyên suốt và liên tục với các bên liên quan. Việc này nhằm đảm bảo các quy định phòng chống dịch của địa phương được các doanh nghiệp thực hiện triệt để”, ông Hiếu nói.

Theo ý kiến của ông Vũ Công Trụ, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư cho rằng, việc duy trì được lực lượng lao động khỏe mạnh, đảm bảo nguồn cung các yếu tố đầu vào và dịch vụ tiện ích để hỗ trợ khách thuê ổn định sản xuất - kinh doanh là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, ông Trụ gợi ý rằng, bên cạnh đề xuất chính quyền cho phép các doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất như ‘3 tại chỗ’ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), ‘1 cung đường, 2 địa điểm’ (1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung) hay ‘4 xanh’ (nhân lực xanh - cung đường xanh - vùng sản xuất xanh - nơi ở xanh), các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng cần chủ động lập kịch bản ứng phó với các sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của khách thuê, đồng thời đưa ra các giải pháp kết nối, hỗ trợ cho khách thuê.

Các chủ đầu tư cần bổ sung quy chế phối hợp trong khu công nghiệp theo hướng chặt chẽ, khoa học và thực tiễn hơn, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc gắn với kỷ luật (thưởng thành tích cống hiến, phạt vi phạm) nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, lao động, sản xuất được thuận lợi và liên tục; tăng cường công tác hỗ trợ bổ sung lao động (lao động phổ thông, lao động kỹ thuật) cho khách thuê tại các vùng xanh như tìm kiếm lao động, bố trí phương tiện di chuyển, làm việc sâu và thiết thực hơn với các cơ sở đào tạo - cung ứng lao động…

Cần có cơ chế cắt giảm, giãn hoãn, cho phép chậm trả các loại phí thu thường xuyên như phí quản lý, phí bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, phí sử dụng nước, phí xử lý nước thải, phí cung cấp năng lượng; cam kết đảm bảo dịch bệnh hoặc các sự kiện bất khả kháng được kiểm soát tốt hoặc chỉ phát sinh ở mức tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, vận hành của khách thuê./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư khu công nghiệp: Thống nhất tầm nhìn, mục tiêu vượt qua đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới