Thứ tư, 24/04/2024 22:11 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội dự cuộc làm việc về giám sát công tác quy hoạch Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 09/03/2022 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 9-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với thành phố Hà Nội.

Dự cuộc làm việc có Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát; Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; các thành viên Đoàn giám sát. Về phía Hà Nội có Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, các sở, ngành của thành phố…

tm-img-alt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tư liệu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao thành phố Hà Nội với 2 lần gửi báo cáo đúng hạn, nội dung tương đối đầy đủ và bám sát kế hoạch, đề cương theo yêu cầu. Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.

Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai và đang chờ phê duyệt…

Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch. Đến ngày 7-3 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc Trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất.

Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang trong quá trình xây dựng dự thảo…

“Đặc biệt, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trả lời các vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu ra; đồng thời chỉ rõ nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và nêu kiến nghị về nhiều vấn đề cụ thể.

Theo các đại biểu dự cuộc làm việc, những đánh giá thẳng thắn, nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân từ những vấn đề liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện mà Hà Nội nêu ra sẽ là cơ sở thực tiễn rất sinh động, sát thực để xác định các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung cụ thể.

Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.

Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của Hà Nội với nội dung chi tiết, là một trong những báo cáo tốt mà Đoàn giám sát nhận được. Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc ghi nhận, tiếp thu tất cả khó khăn, vướng mắc, kiến nghị mà Hà Nội nêu; đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo và kiến nghị cụ thể hơn, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tế của Thủ đô trong công tác chuẩn bị quy hoạch và triển khai đồng bộ.

Về việc thúc đẩy theo các mốc thời gian, do thời gian còn rất ít nên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan hữu quan phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định…

Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến của địa phương. Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ tập hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, đúng tình hình và nêu những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện Luật Quy hoạch.

PV

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Quốc hội dự cuộc làm việc về giám sát công tác quy hoạch Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.