Thứ sáu, 19/04/2024 08:11 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ

Tuấn Anh -  Thứ tư, 13/07/2022 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 13-7, tại thành phố Việt Trì, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc kỳ họp thứ tư. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng tham dự có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh…

tm-img-alt
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Tư liệu

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực; an ninh, quốc phòng được ổn định và giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự đổi mới, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Hội đồng nhân dân tỉnh đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của tỉnh Phú Thọ.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX và các chương trình hành động đã được phê duyệt để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Các chính sách được ban hành cần chú trọng các nhóm giải pháp ngoài phát huy lợi thế so sánh mang tính đặc thù riêng của một tỉnh Trung du miền núi còn phải hướng tới tính liên kết vùng. Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương đất Tổ Hùng Vương.

Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách để sớm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia; sớm ban hành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm xác định tầm nhìn, không gian phát triển kinh tế-xã hội rộng lớn không chỉ có ý nghĩa trong tỉnh, trong vùng, mà còn đóng góp cho cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải có tính chủ động, được chuẩn bị bài bản, từ sớm, từ xa, có tính khả thi cao, sát thực tiễn, mang tính dẫn dắt và tính dự báo chính xác. Mục tiêu chính sách phải được lượng hóa, các giải pháp và công cụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải rất cụ thể, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Tỉnh Phú Thọ cần tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021.

Hội đồng nhân dân các cấp cần chủ động, tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, ngày càng công khai, minh bạch, gần dân hơn, tăng cường tính pháp quyền, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Tiếp tục rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân sao cho hoạt động của Hội đồng nhân dân phải thể hiện rõ phương châm “ý Đảng hợp với lòng dân” và là nơi kiểm chứng việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phát huy vai trò của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân cho cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân nhằm tạo sự chủ động “từ sớm, từ xa”, giải quyết tốt các vấn đề cần thiết, cấp bách và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống.

Hội đồng nhân dân tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hội đồng nhân dân các cấp cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; huy động sự tham gia đông đảo, có hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các hoạt động của HĐND tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trước cử tri và nhân dân. Phối hợp, tham gia có hiệu quả vào chương trình giám sát của Quốc hội; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng luật, các dự án luật trình Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031, quan tâm quy hoạch cả đại biểu Quốc hội cho tỉnh, cho các cơ quan của Quốc hội.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.