Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện hỏa tốc số 11/CĐ-UBND về việc việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Công điện gửi Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
Công điện nêu rõ, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, bão số 3 có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tại lớn, diễn biến phức tạp. Hồi 04 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh khoảng 620km về phía Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ chiều ngày 07/9 có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; từ ngày 07 đến ngày 09/9 có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; Điện chỉ đạo ngày 05/9/2024 của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố căn cứ lĩnh vực công tác (theo Quyết định số 36/QĐ-BCH ngày 18/5/2023 của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội), nội dung công việc, đơn vị và địa bàn phụ trách (theo Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc phân công công tác của Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố và các Ủy viên UBND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026), chủ động xuống các đơn vị, địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tại.
2. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tại để kịp thời tham mưu, chỉ đạo điều hành và thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai...
Căn cứ chức năng quản lý nhà nước được giao, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3, đặc biệt là Điện chỉ đạo ngày 05/9/2024 của Thường trực Thành ủy; các chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/02/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
Theo nhiệm vụ, địa bàn phụ trách, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về UBND Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố theo quy định.
3. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai, sự cố theo quy định. Rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; tăng cường triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, công trình trọng điểm, các khu dân cư có nguy cơ mất an toàn do thiên tai, sự cố; hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt khi xảy ra thiên tai, sự cố.
4. Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo: Tăng cường công tác ứng trực, đảm bảo đủ quân số, sẵn sàng triển khai kịp thời công tác phòng, chống úng ngập nội thành, phối hợp vận hành, xử lý tiêu thoát nước chống úng ngập ngoại thành; phòng, chống, khắc phục cây đổ trên các tuyến đường đô thị; đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch. Rà soát, kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn khu nhà tập thể, nhà chung cư cũ, xuống cấp, các khu nhà không đảm bảo an toàn, các công trình đang xây dựng các tầng hầm chung cư dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai, ngập lụt.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước đô thị tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu khu vực nội thành, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo thông thoáng; triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ; phối hợp chặt chẽ với các Công ty Thủy lợi trong việc vận hành hiệu quả, đảm bảo tiêu thoát nước, chống úng khu vực nội thành và ngoài thành.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.
Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị và các đơn vị duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo chiếu sáng công cộng, không để sự cố dẫn đến mất tín hiệu đèn giao thông và các sự cố mất an toàn về điện; Các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố sẵn sàng triển khai phương án, chuẩn bị phương tiện đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho Nhân dân vùng bị ngập lụt, thiên tai.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với Công an Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, cầu trên các tuyến giao thông; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị hỗ trợ giải tỏa ách tắc giao thông tại các điểm úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
6. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo: Kiểm tra, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tại liên quan đến môi trường, tài nguyên nước; Phối hợp với Sở Y tế kiểm soát chặt chẽ nguồn nước sinh hoạt để đảm bảo không bị ô nhiễm do tác động của bão và mưa lũ, đặc biệt là trong các khu vực bị ngập lụt.
Kiểm tra các bãi rác, khu xử lý chất thải, đảm bảo các khu vực này có biện pháp gia cố, tránh bị bão gây ra tình trạng tràn, phát tán rác thải, chất thải nguy hại ra môi trường; tổ chức thực hiện xử lý môi trường, nguồn nước tại các địa bàn chịu ảnh hưởng mưa, bão, lũ, ngập lụt.
7. Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tại, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ, mưa, úng ngập, sự cố thiên tại, đảm bảo đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả ổn định thị trường. Rà soát, kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
8. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo: Chuẩn bị vật tư y tế, đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp do thiên tai đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức các đội vệ sinh môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh sau bão, đặc biệt là tại các khu vực ngập úng, ảnh hưởng mưa, bão, lũ, thiên tai.
9. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bản Thành phố trong những ngày đầu năm học mới khi xảy ra thiên tai; căn cứ diễn biến mưa, bão, lũ trên địa bàn, chủ động chỉ đạo cho học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
10. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo rà soát, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai; chủ động phối hợp, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn và tình hình thời tiết, thiên tai, thường xuyên thông tin, cảnh báo trên các nền tảng mạng xã hội đảm bảo kịp thời, chính xác đến từng người dân.
11. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo rà soát, đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập, cảnh báo Nhân dân phòng, chống điện giật.
12. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh giáp ranh để vận hành, điều tiết hệ thống công trình tiêu thoát nước phòng, chống úng ngập hiệu quả trên địa bàn Thành phố; Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án xử lý sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi;
Các Công ty Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; chủ động tiêu nước đệm, vận hành các công trình tiêu trên địa bàn đảm bảo phù hợp với từng vùng tiêu;
Các cơ quan tổng hợp thông tin, nội dung, tài liệu, tham mưu Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tại trên địa bàn Thành phố gửi Thường trực Thành ủy trước 16 giờ hàng ngày;
Các cơ quan tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tỉnh hình, tổng hợp toàn diện tỉnh hình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn Thành phố; chủ động chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Công điện này và công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tại thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền./.