Thứ sáu, 29/03/2024 14:12 (GMT+7)

Chùa Bổ Đà được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Bắc Giang

Diệp Anh -  Thứ năm, 30/01/2020 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chùa Bổ Đà là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt.

Sáng ngày 29/1 (tức mùng 5 tháng Giêng), tại chùa Bổ Đà, UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ khai mạc triển lãm, trưng bày Mộc bản chùa Bổ Đà và công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận điểm du lịch chùa Bổ Đà.

Tham dự có ông Tống Ngọc Bắc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, huyện Việt Yên và đông đảo tăng ni phật tử, du khách thập phương.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, Chùa Bổ Đà là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt.

Chùa Bổ Đà, từ hàng trăm năm nay, đã được ca ngợi là 1 trong 3 ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của vùng đất Bắc Giang - Kinh Bắc qua câu ca dao "Thứ nhất là chùa Đức La/Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng" (chùa Đức La - Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, chùa Kim Tràng).

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam

Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó tạo nên bức tường bao quanh để giữ gìn giấc ngủ ngàn thu cho các nhà tu hành

Toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà (còn có tên gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ) được xây dựng từ thời nhà Lý và trùng tu, mở mang vào thời Lê Trung Hưng và các giai đoạn sau này.

Tương truyền, xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quan Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn gốc thông già trên đỉnh núi thì bật ra 32 đồng tiền vàng, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quan Âm Bồ Tát. Người tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước được linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật. Người dân trong vùng tìm về cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quan Âm hay chùa ông Bổ.

Chùa gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, Ao Miếu và khu vườn tháp. Trong đó, khu vườn tháp có hơn 100 ngôi tháp Phật - nơi tàng lưu xá lị của 1.214 tăng ni thuộc thiền phái Lâm Tế, được xác nhận là vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

Đặc biệt là kho Mộc bản chùa Bổ Đà và những thư tịch khác do các vị thiền sư phái Lâm Tế tổ chức san khắc ở thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và nhiều đời cao tăng sau này. Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy, Uy nghi quốc âm… Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa…

Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Âm Bồ Tát, các vị La Hán…

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1992, chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2016, chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Bổ Đà hiện đang lưu giữ gần 2 nghìn ván Mộc bản. Năm 2018, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Các ngôi tháp được xây 3-4 tầng bằng đá và gạch chỉ, được bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản.

Trải qua gần 3 thế kỷ, mộc bản với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Mỗi bản in trong kho mộc bản còn xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ đẹp.

Lễ khai mạc triển lãm, trưng bày “Mộc bản chùa Bổ Đà” là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2020 và chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm xây dựng Tùng Lâm Bổ Đà (1720- 2020) và 200 năm thành lập huyện Việt Yên (1820-2020).

Lễ khai mạc trưng bày triển lãm Bảo vật Quốc gia Mộc bản chùa Bổ Đà.

Nhân dịp này, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định công nhận điểm du lịch chùa Bổ Đà cho đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên, chùa Bổ Đà.

Bạn đang đọc bài viết Chùa Bổ Đà được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.