Thứ sáu, 19/04/2024 10:06 (GMT+7)

Chưa khai thác hải sản tầng đáy gần bờ 20 hải lý ở 4 tỉnh miền Trung

MTĐT -  Thứ sáu, 19/05/2017 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở tầng đáy vẫn có thể có tồn lưu ô nhiễm từ sự cố Formosa chưa hòa tan hết. Chưa khai thác hải sản tầng đáy gần bờ 20 hải lý ở 4 tỉnh miền Trung là để bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sau cuộc họp lần thứ 7 diễn ra cuối tháng 4 của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra vào năm 2016.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp UBND 4 tỉnh nêu trên tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn lợi hải sản tầng đáy đã cơ bản phục hồi. UBND 4 tỉnh trên được yêu cầu tiếp tục triển khai theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh bắc miền Trung; trong đó tuyên truyền, khuyến cáo, giám sát ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy để khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm, làm yên lòng người tiêu dùng.
Phó thủ tướng giao các bộ Y tế, TN-MT, KH-CN, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN theo dõi môi trường nước biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác ở biển miền Trung và công khai thông tin. Bộ TN-MT giám sát chặt chẽ Formosa hoàn thành tiến độ khắc phục sự cố và tuân thủ pháp luật.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Bộ TN-MT khẳng định kể từ ngày công bố hiện trạng môi trường biển miền Trung an toàn hồi cuối tháng 8.2016, qua quan trắc liên tục cho thấy chất lượng nước biển luôn đảm bảo. Đến nay, các số liệu, kết quả ghi nhận đều cho thấy chất lượng nước biển đã trở lại bình thường, an toàn. Tuy nhiên, ở tầng đáy vẫn có thể có tồn lưu ô nhiễm từ sự cố của Formosa chưa hòa tan hết. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung cũng để bảo tồn sinh vật đang dần phục hồi, bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Hiện Bộ Y tế cũng khuyến cáo vẫn có loài hải sản ở tầng đáy có thể còn tồn dư chất ô nhiễm vượt quy chuẩn, chưa an toàn, chưa nên khai thác.
“Việc yêu cầu, vận động bà con 4 tỉnh miền Trung không đánh bắt hải sản ở tầng đáy không liên quan đến vấn đề môi trường nước biển mà liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm là hải sản. Bộ TN-MT khẳng định, môi trường biển miền Trung vẫn luôn được theo dõi giám sát chặt chẽ và hiện nay là an toàn”, lãnh đạo Bộ TN-MT nói.
Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết hiện chưa cho phép khai thác hải sản ở tầng đáy và lực lượng kiểm ngư đã tuyên truyền cho ngư dân về việc này. Điều này nhằm giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản khai thác được ở 4 tỉnh miền Trung là loại xa bờ đảm bảo an toàn thực phẩm. Quyết định này cũng nhằm giúp cho quá trình phục hồi hệ sinh thái đáy biển được diễn ra nhanh hơn. Dù Bộ TN-MT công bố nước biển đã sạch nhưng hệ sinh thái dưới đáy biển như các vỉa, rạn san hô là môi trường sống của nhiều loại hải sản bị phá hủy trước đây vẫn chưa thể phục hồi trở lại như trước.
Theo Báo Thanh niên
Bạn đang đọc bài viết Chưa khai thác hải sản tầng đáy gần bờ 20 hải lý ở 4 tỉnh miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?