Thứ sáu, 19/04/2024 13:47 (GMT+7)

Chuyện cảm động về những "bóng hồng" bên gác chắn tàu lửa ở Đà Thành

Duy Quốc -  Thứ sáu, 03/03/2023 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghề gác chắn đường tàu tưởng chừng như đơn giản, nhàn nhạ nhưng ẩn chứa sau đó là biết bao vất vả, hiểm nguy và trách nhiệm nặng nề. Đặc biệt đối với người phụ nữ công việc này lại thêm phần cực nhọc, vất vả hơn gấp bội.

Có dịp tôi ghé qua trạm gác chắn Km 785+323, thuộc Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng với mô hình chắn “Phụ nữ tự quản” trên tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Đang ăn dở bát cơm trưa thì điện thoại reo, sau khi nghe điện thoại tất cả nhân viên gác chắn tại đây lại vội vã đội mũ, cầm còi nhanh chóng người kéo chắn tàu, người điều tiết, đảm bảo an toàn cho người đi đường và phương tiện lưu thông.

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu (33 tuổi) nhân viên gác chắn tâm sự với chúng tôi: “Tôi từng làm nhiều việc khác nhau, nhưng rồi lại chọn công việc này và đã gắn bó gần 8 năm nay, công việc tuy nhẹ nhàng hơn những công việc khác nhưng nó vất vả lắm, thời gian dành cho gia đình, con cái không có, nhiều lúc thấy mình có trách nhiệm với mọi người nhưng với gia đình thì không. Vì Gác chắn chia làm 2 ca, mỗi ca 12 tiếng từ 6 giờ đến 18 giờ tối và 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, làm xong về chỉ chơi với con một lúc rồi nghỉ ngơi để dành sức mai lại tiếp tục công việc.

Mỗi ngày có gần 30 chuyến tàu qua lại nên mật độ công việc rất cao, đây là tuyến đường nhiều phương tiện lưu thông nên trách nhiệm của mình cũng rất lớn. Như anh thấy đó, nhiều lúc đang ăn cũng phải bỏ đũa, nhiều trường hợp cố tình vượt chắn, bất chấp tín hiệu để qua đường. Là một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi, nhiều lúc cũng sợ những người đàn ông say sỉn, nghiện ngập, chích hút…".

tm-img-alt
Tại gác chắn Nguyễn Sinh Sắc các nhân viên luôn nở nụ cười khi hoàn thành nhiệm vụ.

Có một lần trong lúc trực ca đêm, khi đó tầm 11 giờ tối có chuyến tàu, tôi nhanh chóng đóng hàng rào chắn thì một người đàn ông trung niên say xỉn phi xe thẳng vào đường ray. Tôi yêu cầu lùi lại để đảm bảo an toàn vì rào chắn bên này đã đóng, nhưng lại bị anh ta đe dọa, chửi mắng. Nhờ sự can ngăn của người đi đường anh ta mới chịu dắt xe lui, nhiều lúc muốn từ bỏ công việc này lắm nhưng không hiểu vì sao lại càng yêu thích nó hơn”, chị Hiếu kể.

tm-img-alt
Chị Trần Thị Ngọc Hiếu đứng báo hiệu chờ tàu đi qua.

Tuy bị chửi, đe dọa rồi lăng mạ giữa nơi đông người nhưng vì công việc, vì trách nhiệm nên họ chưa có ý định bỏ nghề. Để trở thành một công nhân gác chắn, tất cả nhân viên phải làm quen với việc trực 10 ca đêm mỗi tháng, khi lên ban thì tuyệt đối không được ngủ hoặc rời trạm gác. Công việc của chúng tôi là nghe điện thoại trực ban, ghi chép giờ tàu đến, kéo rào chắn đảm bảo an toàn cho mọi người cũng như đoàn tàu.

Khổ nhất vẫn là trực ca đêm, đây là đoạn đường phương tiện qua lại rất đông, nếu lơ là một chút cũng có thể xảy ra rủi ro. Trực đêm nhiều lúc buồn ngủ ríu cả mắt nhưng phải cố gắng tỉnh táo, tập trung hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Công việc này là vậy, dù không có những ngày nghĩ lễ như những công việc khác, phải thức xuyên đêm để điều tiết dù mưa hay nắng, nhưng chúng tôi vẫn chọn vì trách nhiệm, vì yêu nghề”, chị Ngân tâm sự.

tm-img-alt
Gác chắn bị hỏng chị Ngân phải ngăn dây điều tiết đảm bảo an toàn cho người lưu thông.
tm-img-alt
Mật độ giao thông trên tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc rất cao, thường xuyên có nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông.

Đã có nhiều người phụ nữ đi trước dành cả thanh xuân của mình để gác chắn. Còn các chị đã gắn bó nhiều năm với ngành đường sắt, với những con tàu ngược xuôi, sự nguy hiểm và những lần bật khóc khi bị người tham gia giao thông thiếu ý thức chửi mắng, hành hung…

Cách đây 2 tuần, tại gác chắn tàu Xuân Hà, Km 789+524 trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), chị Đặng Thị Nguyệt đã bị một nhóm côn đồ hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Chị Nguyệt kể, khoảng 20h ngày 19/2, chị và chị Võ Thị Thùy Trinh (trú quận Thanh Khê) đang làm nhiệm vụ đóng gác chắn, thì một nhóm thanh niên điều khiển xe đi tới đòi mở barie để đi qua. Thời điểm này tàu gần đến, để đảm bảo đúng an toàn chị Trinh không đồng ý.

Vì tàu gần tới nên chị Trinh không cho qua. Đứng bên này đường tàu tôi thấy nhóm thanh niên đánh chị T. vào đầu và mặt. Khi tàu vừa qua, chị T. mở gác chắn để người dân đi thì nhóm này cản lại không cho mở ra.

tm-img-alt
Các nhân viên luôn túc trực để đảm bảo không có sai sót nào xảy ra.

Tôi thấy vậy chạy qua cản lại để chị Trinh mở barie, thì nhóm này quay lại đánh cả hai chúng tôi. Một người dân gần đó thấy tới can cũng bị nhóm này kéo xuống đường. Lúc này, chồng tôi ra đưa cơm thấy vậy chạy vào can ngăn, cũng bị nhóm thanh niên trên đánh tới tấp…”, chị Nguyệt nhớ lại.

Biết bao người vì tình yêu, trách nhiệm đối với nghề mà lỡ hẹn với những chuyến về thăm quê, thăm ông bà, chưa một lần được đón cái tết trọn vẹn cùng gia đình, vậy mà có những người lại vô ý thức làm ra những hành động đáng xấu hổ như vậy. Cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại reo lên, lại có chuyến tàu đến. Mỗi người lại tất bật với công việc của mình, lúc tàu đi qua an toàn là lúc trên gương mặt họ lại nở nụ cười đầy mãn nguyện.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện cảm động về những "bóng hồng" bên gác chắn tàu lửa ở Đà Thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?