Thứ sáu, 19/04/2024 23:06 (GMT+7)

Chuyên gia lý giải về trận động đất lịch sử tại Thanh Hoá

MTĐT -  Thứ hai, 19/03/2018 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến trận động đất lịch sử 3,0 độ Richter vừa xảy ra ở Thường Xuân (Thanh Hóa), PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với đại diện viện Vật lý địa cầu (VLĐC) về trận động đất đặc biệt này.

Như đã thông tin trước đó, vào lúc 3h08 ngày 13/3, một trận động đất có cường độ 3,0 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.766 vĩ độ Bắc, 105.339 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10km, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nhiều người dân sinh sống ở khu vực thị trấn Thường Xuân và các xã lân cận rất hoang mang khi nhận thấy hai lần rung chấn từ lòng đất, mỗi lần cách nhau chừng 5 phút.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) ở thị trấn Thường Xuân - khu vực xảy ra vụ động đất rạng sáng 13/3.

"Trận động đất ở mức độ nhẹ, đồ đạc trong nhà không bị xáo trộn nhưng khiến người dân hoang mang, bất an", ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Xuân cho biết.

Để thông tin kịp thời, tránh sự lo lắng cho người dân, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Lê Minh - Trưởng phòng Quan sát động đất, trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, viện Vật lý Địa cầu (VLĐC).

Theo đại diện viện VLĐC, tỉnh Thanh Hóa có đới đứt gãy sông Mã đi qua. Đây là đới đứt gãy được đánh giá hoạt động có quy mô thuộc loại lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam và có khả năng phát sinh động đất cực đại có độ lớn 7,1 độ Richter. Trong lịch sử, đứt gãy sông Mã đã từng ghi nhận trận động đất năm 1948 có độ lớn 5,7 độ Richter ở khu vực Quan Sơn, Thanh Hóa.

Các kết quả quan trắc động đất và nghiên cứu gần đây cho thấy, khu vực huyện Thường Xuân và vùng lân cận đã xảy ra hàng chục trận động đất. Tuy nhiên, hầu hết là những trận động đất nhỏ, cường độ thấp hơn 3 nên người dân không cảm thấy được. Đã từng nhiều lần xảy ra động đất do nằm trên đới đứt gãy sông Mã. Cường độ rung chấn thường chỉ dao động khoảng 3,0 độ Richter. Thông thường, trận động đất có độ lớn 3,0 có thể gây ra chấn động cấp III – IV (theo thang MSK-64). Rung động ở cấp này thì nhiều người cảm nhận thấy, gây ra sự rung chuyển nhẹ của đồ đạc nhưng không ảnh hưởng gì đến con người cũng như hư hại nhà cửa.

"Mức độ ảnh hưởng của trận động đất phụ thuộc vào các yếu tố chính: Độ lớn trận động đất (mức năng lượng); khoảng cách từ nơi cảm nhận đến tâm chấn; độ sâu trận động đất (càng ở sâu thì càng ít ảnh hưởng), cơ chế phát sinh trận động đất; hướng lan truyền sóng và hiệu ứng nền (nền yếu sẽ bị khuếch đại giá trị biên độ dao động).

Vị trí nơi xảy ra vụ động đất tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Lịch sử đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam có nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt ở vùng Tây Bắc là nơi tập trung nhiều đứt gãy lớn hoạt động như đứt gãy Sơn La, Lai Châu – Điện Biên,… Trong quá khứ đã từng có nhiều trận động đất mạnh xảy ra gây thiệt hại nhà cửa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân như: Năm 1935 ở Tây Bắc có độ lớn 6,8 độ Richter; năm 1983 ở Tuần Giáo có độ lớn 6,8 độ Richter và năm 2001 ở Điện Biên có độ lớn 5,3 độ Richter...", TS. Nguyễn Lê Minh cho biết.

"Hiện nay trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về dự báo động đất ngắn hạn, dài hạn và cảnh báo sớm cho các trận động đất mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tập trung vào dự báo dài hạn bằng việc tiến hành các nghiên cứu địa chất kiến tạo, nghiên cứu điạ động lực, cấu trúc sâu trái đất và quan sát động đất để từ đó xây dựng tập bản đồ phân vùng động đất. Tập bản đồ này cho phép xác định được các vùng phát sinh động đất mạnh, độ lớn cực đại của trận động đất và giá trị gia tốc cực đại, cấp chấn động cực đại ứng với các chu kỳ lặp lại khác nhau", TS. Nguyễn Lê Minh thông tin thêm.

Cũng theo TS. Nguyễn Lê Minh, thông thường, trước khi xảy ra một trận động đất mạnh sẽ có hoạt động gọi là tiền chấn và sau khi nó xảy ra sẽ có một số những trận động đất nhỏ hơn (dư chấn). Trong trường hợp động đất có độ lớn 3,0 độ Richter như ngày 13/3 ở Thường Xuân thì chưa được coi là trận động đất mạnh. Có thể do hoạt động của các đứt gãy kiến tạo khu vực này nên xảy ra những trận động đất nhỏ hơn và cần có thêm những hoạt động quan trắc và nghiên cứu để đánh giá.

Để giúp người dân bớt hoang mang khi xảy ra động đất, đại diện viện VLĐC cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, đặc biệt là những nơi có nguy cơ xảy ra động đất mạnh, các tổ chức cần phối hợp để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân có kiến thức chung và cách phản ứng, phòng tránh khi động đất hay thảm họa thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, viện VLĐC cũng có lời khuyên tới người dân, khi xảy ra động đất mạnh thì ngay lập tức bạn cần phải tìm nơi trú ẩn như chui xuống gầm bàn, ghế hoặc chạy ra ngoài… để đảm bảo an toàn.

Hiện nay, trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, viện VLĐC vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất và hoạt động động đất ở khu vực này. Như vậy, sẽ có thêm thông tin cho người dân khi có những kết quả mới.

 Theo Người đưa tin

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia lý giải về trận động đất lịch sử tại Thanh Hoá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...