Thứ năm, 28/03/2024 23:23 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về 2 đề án quy hoạch 2 bờ sông Hồng?

MTĐT -  Thứ hai, 24/06/2019 17:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, vướng mắc lớn nhất của đè án là vấn đề về trị thủy, phân lũ của lưu vực sông Hồng và đặc biệt là vấn đề xác định lại danh giới hai bên bờ sông Hồng.

Mới đây tại buổi tiếp xúc với cửa tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9. HĐND khóa XV, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về đề án quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa và nguồn lực của TP để xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, cần phê duyệt quy hoạch phân lũ trước.

"TP sẽ hoàn thiện đề án này để trình HĐND TP xem xét trong 2019, trong đó, có xem xét việc đời sống người dân ở ngoài bãi của TP bởi hiện có gần 1 triệu dân sinh sống ngoài đê" - Ông Chung cho biết và thông tin, TP sẽ quy hoạch 2 bờ sông theo hướng đê kết hợp với đường đảm bảo an toàn ở mức báo động 3 trong 500 năm; Đê và đường sẽ tạo ra đường rộng, thông thoáng; giao thông đường thủy phục vụ du lịch và tạo ra quỹ đất để người dân cải tạo không gian sống và là nguồn lực để đầu tư.

Được biết, năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, với tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỷ đồng. TP Hà Nội cũng đã lập Ban quản lý dự án, nhưng không biết vì lý do gì, dự án không triển khai được. Năm 2006, Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng.

Năm 2007, dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo tính toán, dự án thành phố bên sông Hồng với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Dự án 7 tỷ USD được đưa ra kế hoạch triển khai từ năm 2008 đến 2020, nhưng thêm một lần nữa, siêu dự án trên vẫn "im hơi lặng tiếng".

Năm 2015, siêu dự án trên đã được tái khởi động khi thành phố Hà Nội phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Theo đó, quy mô nghiên cứu dự án khoảng 3.000 ha (từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên). Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Nghiên cứu quy hoạch phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 lập quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Giai đoạn 2, quy hoạch 2 bên sông Hồng đoạn còn lại trên địa bàn thành phố. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch, bàn giao cho 3 nhà đầu tư (Sungroup, Vingroup, Geleximco) để cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu.

Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa và nguồn lực của TP để xây dựng quy hoạch. Ảnh: Internet.

Vướng mắc lớn nhất là trị thủy

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng đã được Hà Nội nhiều lần được nghiên cứu, đánh giá.

Từ năm 1998, trong quy hoạch chung của Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã lần đầu được đặt ra.

Tuy nhiên, thời điểm đó còn vướng mắc bởi quy định hành lang thoát lũ chưa được phê duyệt nên chưa thể thực hiện.

Sau đó, có rất nhiều các tổ chức nghiên cứu xã hội, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu khoa học, thủy lợi, xây dựng đã đưa ra nhiều phương án quy hoạch khác nhau, trong số đó, có đề xuất xây dựng 100 ngôi nhà hai bên bờ sông Hồng của Hội Thủy lợi Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở đề xuất.

Theo ông Nghiêm, vướng mắc lớn nhất là vấn đề về trị thủy, phân lũ của lưu vực sông Hồng và đặc biệt là vấn đề xác định lại danh giới hai bên bờ sông Hồng. Nếu trước kia sông Hồng chảy qua Hà Nội có khoảng 50km nhưng sau thời điểm mở rộng địa giới toàn bộ ranh giới Hà Nội tiếp xúc với sông Hồng lên tới gần 100km, hoặc có những đoạn một bên là Hà Nội còn một bên là Vĩnh Phú, những vấn đề này chưa được xác định rõ ràng.

Mới đây, Thủ tướng đã Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho quy hoạch hai bên sông Hồng trở thành trục cảnh quan chính của Hà Nội.

Đảm bảo yếu tố môi trường

Từng trao đổi với báo Đầu tư, Thạc sĩ, chuyên gia cầu đường Hoàng Minh Sơn - Tổng công ty cổ phần Vinaconex cho rằng, việc phát triển đô thị ven sông, cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Sở dĩ dòng sông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai chúng ta cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.

“Trên thực tế, hơn 20 năm qua chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm và người dân cũng đã ở dọc 2 bên sông ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, khi triển khai chúng ta cần có các giải pháp ứng phó với việc này, đồng thời đảm bảo sự hài hòa của dòng chảy cho khu vực hạ lưu, điều hòa lưu lượng dòng nước không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân 2 bên bờ sông cũng như việc sản xuất nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Sơn, việc trị thủy đồng thời cần đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển đô thị nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của con sông và khu vực xung quanh hai bên bờ sông, việc nắn chỉnh 2 bên bờ sông (nếu có) cần được nghiên cứu trên cơ sở khoa học để không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông, các di tích lịch sử đền, chùa miếu mạo… trên 2 bờ sông và tốt về mặt phong thủy. Nếu chúng ta làm được các nội dung trên, khu đô thị dọc 2 ven sông có thể trở thành “đô thị đáng sống” nhất, nhì ở Việt Nam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về 2 đề án quy hoạch 2 bờ sông Hồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.