Thứ ba, 23/04/2024 16:20 (GMT+7)

Chuyện ở Đình Vồng giờ mới kể

MTĐT -  Thứ ba, 28/06/2022 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói đến Tân Yên, mọi người thường nhớ đến các địa danh: Hồng Kiều - Cầu Vồng, Vân Cầu và Lễ hội Đình Vồng bởi nó quá nổi tiếng và đi vào thơ ca từ xa xưa “Trai Cầu Vồng Yên Thế”.

Trong những năm tháng chiến tranh chống giặc Pháp, rồi Đế quốc Mỹ vì còn nhiều việc cần hơn nên lễ hội này tạm phải gác lại. Năm 1998, huyện Tân Yên chủ trương khôi phục lại lễ hội Đình Vồng. Những năm đầu tái hội quy mô còn nhỏ, chủ yếu là Tổng Vân Cầu xưa nhưng rồi dư âm của vùng đất này đã thu hút khách thập phương.

Lễ hội Đình Vồng trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Lượng người đến hội ngày một đông, cao điểm là hội năm 2000, trong khi khuôn viên, không gian lễ hội rất hạn chế, hội quá đông, phần tế, lễ, các trò chơi dân gian được tái hiện. Khi màn tế ngựa diễn ra hay, đặc sắc, người xô đẩy, chen lấn tưởng như vỡ hội. Đoàn đại biểu từ Thủ đô Hà Nội về do bà Hà Thị Quế, nguyên ủy viên Trung ương Đảng dẫn đầu ngồi hàng ghế đầu cũng bị chen lấn xô đẩy.

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Xác định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ 15 (1999 - 2004) tôi được cấp ủy phân công chỉ đạo xã Song Vân. Năm 2003, huyện đồng ý cho xã Song Vân, xây lại Đình Vồng bằng nguồn vốn xã hội hóa là chính. Lúc đầu xác định khai thác vườn Bạch Đàn tại trường cấp I để làm đình.

Đầu năm 2003, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thấy tôi hăng say nhiệt huyết công việc, có hiểu biết chút ít về văn hóa tâm linh, đình chùa, đền miếu, tôi lại đang là cấp ủy – Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách xã Song Vân nên phân công tôi trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đình Vồng.

Khi đó cũng có ý kiến: “Sao là lãnh đạo huyện mà lại đi xây đình chùa”? Nhưng đại đa số đều rất ủng hộ. Mấy năm sau thành xu thế. Khi được giao nhiệm vụ chỉ đạo xây đình Vồng, vào một ngày đầu xuân 2003, tôi trực tiếp đưa 7 ông bà cụ cao niên, lãnh đạo xã Song Vân ngồi trên chiếc xe U oát của huyện đến thăm đình Khả Lễ, đình Đồng Nguyên – Bắc Ninh sau đó về thống nhất xây Đình Vồng. Ngày 12/3/2003, khởi công. Khi đào móng Đình nền móng Đình cũ lộ ra, được các cụ bản tự đồng tình.

Móng được đặt lại đúng hướng theo nền đình cũ, riêng 2 gian hậu cung xây to, rộng hơn. Kiến trúc giữ nét cổ, sử dụng vật liệu mới. Xã Đồng Nguyên (quê hương kết nghĩa 1971) đã cử đội thợ có tay nghề cao do cụ Trần Quốc Sửu 70 tuổi trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đình. Khi khánh thành xã Đồng Nguyên công đức án thờ, hoành phi, câu đối…

tm-img-alt
Ban Chỉ đạo xây dựng Đình Vồng huyện Tân Yên

Nhớ lại, năm 1947 giặc Pháp chiếm đóng Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) chúng xây dựng đồn bốt khắp nơi, dồn dân, chia cắt làng xã lập vùng Tề (vùng tạm chiến). 4 xã gồm Thượng Lan, Minh Đức (Việt Yên), Ngọc Thiện, Ngọc Lý (Tân Yên) thuộc vùng tề Mỏ Thổ. Còn xã Hồng Kiều gồm xã Song Vân, Ngọc Vân, Việt Ngọc bây giờ là vùng tự do.

Năm 1950 cha tôi là ông Nguyễn Văn Súy làm Lý trưởng vùng Tề Mổ Thổ do không giao đủ lính, phu đồn nên quan tây tại Đồn Mỏ Thổ quở trách, gọi lên đồn 3 ngày. Khi về ông thấy chẳng lành liền đưa gia đình ra vùng tự do thuộc xã Hồng Kiều ở tại thôn Đồng Cạn, xã Ngọc Vân cách Đình Vồng chưa đầy 1 cây số, qua ngòi Vồng là tới đình Vồng. Bảy tuổi tôi được đi học – lớp học là ngôi đình 3 gian 2 trái, bàn ghế là những mảnh gỗ, thanh tre ghép lại, các bạn phải ngồi trên viên gạch chỉ.

Thầy Vinh người thầy mảnh dẻ, da đen, trầm tĩnh, nhưng rất gần gũi trò. Sau này quay lại Song Vân tìm hiểu mới biết chính ngôi đình khi bắt đầu đi học là chốn tâm linh – nơi thờ người có công với dân với nước, thờ Cao Sơn Quý Minh và 18 vị quân công họ Dương là người địa phương thời nhà Mạc. 

Đây cũng là nơi hội tụ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Ngôi đình này được khởi tạo từ đầu thế kỷ 18 và đã nhiều lần trùng tu tôn tạo. Lớn lên tôi đi học tại Trường Đại học Nông nghiệp II Việt Yên sau đó tham gia đoàn chủ đạo sản xuất nông nghiệp thuộc Bộ nông nghiệp do ông Mai Thúc Lân làm trưởng đoàn. Rồi tôi được phân công về xã Song Vân cùng anh Nguyễn Văn Kết, chị Nguyễn Thị Hà. Chúng tôi ở tại trại chăn nuôi Trung Tiến HTX Đồng Tiến.

Hàng ngày chúng tôi ra đồng hướng dẫn xã viên kỹ thuật gieo cấy lúa xuân, làm bèo hoa dâu, trồng lạc xuân theo kỹ thuật Trung Quốc.

Chúng tôi chăm xuống đội, năng lội ra đồng nên xã viên thường gọi chúng tôi với cái tên trừu mến “Anh cán bộ bèo dâu, chị thúc mầm”. Lắm khi tôi vẫn tự nhủ: Song Vân – Miền đất này gắn bó và như là có duyên. Lần đó trở về với Song Vân, thăm Đình Vồng nơi tôi bắt đầu học. Tôi chạnh lòng thấy ngôi đình 3 gian, 2 trái mái sụt lún, tường bong loang lổ, cửa gỗ siêu vẹo, ít hương khói, vắng tanh. Cây thị cổ đầu đình vàng lá, bỏ cành, ruột khô mục rỗng 2 ba đứa trẻ ngồi lọt thỏm, cách Đình vài chục mét là cây thông già to cao nhất vùng vẫn sững vươn cao, gốc 2 người ôm không xuể.

Trước những năm 2000, Song Vân luôn là xã yếu kém, Đảng bộ chưa năm nào đạt “trong sạch vững mạnh”. Nhiều người nói vui là “Xã Song Vân là xã Xong lần”.

tm-img-alt
Bia cây Thị Đình Vồng

Theo dõi việc làm lại ngôi đình Vồng, tôi cũng thường miên man với những hoài niệm về vùng đất có ngôi đình cổ gắn bó với tuổi thơ của mình. Và sau 9 tháng thi công, Đình Vồng hoàn thành, lễ khánh thành đúng dịp lễ hội 2004, lại phát động trồng cây khu vực Đình chùa Vồng.

Những năm tiếp theo sửa lại chùa, xây gác chuông, xây nhà mẫu, sân vườn, sới võ vật. Đình Vồng thành quần thể đẹp, sầm uất, trầm mặc, linh thiêng.

Năm 2012 Đình được Thủ tướng Chính phủ quyết định: Đình chùa Vồng là di tích quốc gia đặc biệt – một điểm của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm 2014, Cây thị cổ được công nhận là cây di sản quốc gia. Về thăm đình nhiều lần thấy cây Thị xanh tốt tôi làm mấy câu thơ:

Linh thiêng Thị cổ vững bên Ngôi

Bảo vật làng quê mãi đẹp tươi

Cành lá xum xuê nơi cổ tự

Hương thơm quả ngọt hiến dâng đời!

Ngày 15/10/2019, bài thơ được khắc trên đá hoa cương được các cụ dựng trước án thờ cây Thị.

Như là kỳ duyên, từ khi ngôi đình được tôn tạo khu vực tâm linh Đình chùa Vồng trở nên sầm uất, mọi phong trào khởi sắc. 5 năm liên tục (2000 - 2005) Đảng bộ Song Vân được công nhận là Đảng bộ vững mạnh.

Nhân dịp tết cổ truyền cũng là lúc chia tay với cán bộ và nhân dân xã Song Vân, tôi tặng 4 câu thơ:

“Năm năm phụ trách xã Song Vân

Xóa xong hai chữ xã “Xong lần”

Điện đường, trường, trạm, nhà văn hóa

Đua nhau nở rộ tựa chồi xuân”

Cũng từ đây xã Song Vân là xã có phong trào khá luôn là tốp đầu của huyện. Như một lẽ tự nhiên, hàng năm vào đầu xuân khi mở hội Song Vân lại mời tôi về dự chia vui cùng mọi người. Với tôi đây là niềm vui, tự hào vì mình đã không phụ lại mối duyên tình khi xưa – khi tôi vừa bước vào tuổi đầu đời học chữ.

Nguyễn Văn Phả

Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên

Bài viết Nhân dịp 65 năm ngày thành lập huyện Tân Yên (6/11/1957 – 6/11/2022)

Bạn đang đọc bài viết Chuyện ở Đình Vồng giờ mới kể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Cảm ơn...
Cảm ơn mày bản thân yêu thương ạ ///Bao tháng năm đã cố gắng rất nhiều //Luôn gồng mình hoàn thiện biết bao điều///Dẫu đôi lúc muốn buông xuôi bỏ mặc

Tin mới