Thứ sáu, 29/03/2024 19:17 (GMT+7)

Có 10 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng đang trì hoãn

Khánh Dung -  Thứ sáu, 24/03/2023 07:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị cấp huyện; Hòa Bình giảm 1/11 đơn vị; TP Hồ Chí Minh giảm 2/24; Quảng Ngãi giảm 1/14; tỉnh Quảng Ninh giảm 1/14… Có 10 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng đang trì hoãn.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Thông tin Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã đưa ra "bức tranh" khá tổng thể về tình hình sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian vừa qua.

Những tỉnh, thành có nhiều huyện được sáp nhập, sắp xếp lại

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 19 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt đủ 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019 - 2021 thuộc diện phải sắp xếp. Trong quá trình thực hiện phát sinh 4 huyện diện khuyến khích và 8 huyện có liên quan đến sắp xếp. Như vậy, tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 31 đơn vị.

Đến nay đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Cao Bằng, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh (Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức sáp nhập thành TP Thủ Đức).

Việc điều chỉnh địa giới hành chính 6 đơn vị cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính, gồm: Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Sau khi sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện nêu trên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị).

Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị; tỉnh Hòa Bình giảm 1/11 đơn vị; TP Hồ Chí Minh giảm 2/24 đơn vị; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1/14 đơn vị; tỉnh Quảng Ninh giảm 1/14 đơn vị; các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu có điều chỉnh địa giới để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo Bộ Nội vụ, đến nay chưa thực hiện sắp xếp, sáp nhập huyện đối với 10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp do các địa phương đề nghị vì có một hoặc một số lý do: Huyện có vị trí biệt lập với huyện khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với huyện liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc chưa nhận được sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn.

Trong đó có 3 huyện đảo nằm biệt lập là Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và một huyện nằm biệt lập ở cù lao là Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang.

"Bức tranh" sáp nhập xã trên cả nước

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, cả nước có 626 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không đạt đủ 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019 - 2021 thuộc diện phải sắp xếp; trong quá trình thực hiện phát sinh 117 xã thuộc diện khuyến khích và 398 xã liền kề có liên quan đến sắp xếp. Như vậy, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.141 đơn vị.

Đến nay đã thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó có 541 xã thuộc diện phải sắp xếp, 117 xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 398 xã liền kề có liên quan đến sắp xếp.

Trong số 1.056 xã sắp xếp, có 4 trường hợp nhập 4 xã thành một xã mới; 85 trường hợp nhập 3 xã thành một xã mới; 338 trường hợp nhập 2 xã thành một xã mới; điều chỉnh địa giới hành chính 95 xã có làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã; điều chỉnh địa giới hành chính 11 xã nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã và giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

"Chưa thực hiện sắp xếp 85 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp do các địa phương đề nghị vì các lý do tương tự như đối với đơn vị hành chính cấp huyện nêu trên", Bộ Nội vụ cho hay.

Sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng xã trong cả nước từ 11.160 giảm xuống còn 10.599 xã (giảm 561 đơn vị). Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị cấp xã; Cao Bằng giảm 38/199; Phú Thọ giảm 52/277; Hà Tĩnh giảm 46/262; Thanh Hóa giảm 76/635; Lạng Sơn giảm 26/226; Quảng Trị giảm 16/141; Hải Dương giảm 29/264 xã.

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp, sáp nhập vào đơn vị hành chính phường, thị trấn là 170. Trong đó, nhập nguyên trạng xã vào phường, thị trấn là 134 đơn vị; điều chỉnh địa giới xã vào phường, thị trấn là 36 đơn vị.

Còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Bộ Nội vụ thống kê, đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có số lượng các đơn vị hành chính cần sắp xếp nhiều; các tỉnh, thành phố còn lại (15/45 tỉnh, thành phố) ở khu vực phía Nam đều có số lượng đơn vị cần sắp xếp không lớn.

Điều này cho thấy các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211 của Quốc hội tương đối phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư khu vực phía Nam, trong khi việc đáp ứng các tiêu chuẩn về dân số và đặc biệt là diện tích tự nhiên ở khu vực phía Bắc vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với tiêu chuẩn quy định.

"Công tác xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính ở một số địa phương chưa thật sự toàn diện, chặt chẽ, thấu đáo. Một số nơi chưa nhận được ý kiến đồng thuận cao của cử tri; phần lớn chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương khảo sát thực tế trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Bộ Nội vụ nêu hạn chế.

Bên cạnh đó còn có hàng loạt hạn chế trong quá trình sắp xếp liên quan đến phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; việc chuyển đổi công năng sử dụng một số trụ sở làm việc dư thừa sau sắp xếp có vị trí không thuận lợi, ở xa trung tâm, hạn chế về tiềm năng phát triển; việc bảo đảm kết nối, liên thông các công trình hạ tầng giao thông giữa địa bàn; đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối liên thôn, liên xã, xây dựng, cải tạo các trụ sở, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức,...

So với việc nhập 2 đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên đơn vị hành chính mới sẽ làm tăng gấp 2 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các xã, huyện chịu sự tác động, có thể gây lãng phí.

"Điều này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp xã, huyện giai đoạn sau", Bộ Nội vụ cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Có 10 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng đang trì hoãn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới