Thứ sáu, 29/03/2024 16:05 (GMT+7)

Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì dịch Covid-19?

MTĐT -  Thứ năm, 09/04/2020 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh chưa thể đi học trở lại, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT phải tính đến phương án xấu nhất là bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

Kịch bản nào cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020?

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dời lại hai lần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án thi THPT quốc gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Tiền phong, hiện có 2 kịch bản đang được Bộ cân nhắc: Nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài, thì sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT, không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Còn nếu dịch kết thúc như dự kiến thì Bộ vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Hiện phương án thi THPT quốc gia 2020 đang được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Như vậy, sau hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, thì đây là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đưa ra kịch bản xét tốt nghiệp THPT. Tại lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần thứ hai, Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 25/7 và kỳ thi THPT quốc gia tổ chức vào ngày 8-11/8.

Ngoài việc xây dựng phương án thi THPT quốc gia 2020 để trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh ĐH và nhóm trường CĐ, trung cấp đào tạo giáo viên năm 2020 để phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như phương án thi THPT quốc gia tương ứng.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dời lại hai lần.

Sửa đổi Luật giáo dục để bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Chia sẻ với báo Lao động, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết, với tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án giảm tải chương trình và công bố đề thi tham khảo với 70% kiến thức cơ bản. Khi chương trình giảm tải thì đương nhiên đề thi sẽ nhẹ nhàng hơn mọi năm, nhưng có thể dẫn đến việc phổ điểm cao hơn.

"Điều này đòi hỏi các trường đại học khi tuyển sinh phải thận trọng hơn để có thể chọn được những người xứng đáng nhất. Như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để đánh giá năng lực học sinh" - PGS Trần Văn Tớp nói.

PGS Trần Văn Tớp cũng đặt giả thiết, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài hết tháng 5 thì liệu có nên tổ chức kì thi THPT quốc gia nữa không?

Ông đề xuất Bộ GD&ĐT nên trao quyền cho các địa phương thực hiện xét tốt nghiệp THPT và địa phương chịu trách nhiệm với kết quả mình công bố.

Khi đó, các trường đại học sẽ phải nâng cao tính tự chủ, chủ động có phương án tuyển sinh phù hợp. COVID-19 gây ảnh hưởng, nhưng cũng là động lực thúc đẩy chuyển sang phương thức đào tạo mới, thúc ép chúng ta phải dạy học trực tuyến và công nhận hình thức đào tạo này. Và cũng có thể thúc ép các trường đại học tăng tính chủ động trong việc tuyển sinh.

Trong khi đó, trao đổi với báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, với thực tế tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần phải tính đến cả phương án xấu nhất là chưa thể đi học được cho đến tận tháng 7, việc thi cử sẽ ra sao. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần phải xem xét việc kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật giáo dục để có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm nay.

Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cho thấy Luật giáo dục đã có khiếm khuyết là không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài như thế này nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội.

Khi thảo luận Luật giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị Bộ Giáo dục - đào tạo nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường và đưa vào luật việc tự học ở nhà (homeschooling) nhưng không thành. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ đậu lên đến trên 90%.

Còn theo quy định của Luật giáo dục đại học, việc tổ chức xét tuyển đại học là việc của các trường đại học. Các trường đủ năng lực để xét tuyển dùng học bạ và kiểm tra thêm trên cơ sở dùng công nghệ khi tuyển sinh.

Hơn nữa Luật giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT quyết định.

Có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

Cơ hội để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh

Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đã thực hiện theo đúng “kịch bản” về phương án thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh.

Về phía những người giám sát thực hiện pháp luật, theo báo Thanh niên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng luật Giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT quyết định.

Cũng theo ông Thắng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội riêng năm nay có thể không thi; có thể xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả cả quá trình học của HS. Bộ GD&ĐT cũng phải tính đến phương án này. Về cơ bản, nếu làm đồng đều thì tính liên tục đồng nhất trong hệ thống vẫn được đảm bảo. Ông Thắng cũng nhắc lại quan điểm đây là cơ hội để các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh bằng một hình thức tuyển sinh riêng mà không “dựa” vào kỳ thi THPT quốc gia.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì dịch Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.