Thứ sáu, 29/03/2024 22:59 (GMT+7)

Cổ phiếu bất động sản: Liệu có phải tích luỹ chờ đến năm 2022?

MTĐT -  Thứ sáu, 17/09/2021 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thị trường đã phản ánh một phần những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng COVID-19 thứ tư và sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022.

Những thông tin bất lợi do ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 luôn dồn dập vào lĩnh vực bất động sản, dự báo về một tương lai gần không mấy sáng sủa cho lợi nhuận những tháng cuối năm.

Một báo cáo mới được công bố bởi Batdongsan.com cho thấy, thị trường trong tháng 8 đã bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và việc giãn cách kéo dài khi số lượng các bài đăng về bất động sản trên toàn trang giảm 58% trong khi mức độ quan tâm cũng sụt giảm 27% so với tháng 7. So với cùng kì tháng 8/2020, lượng tin đăng về bất động sản trong tháng 8/2021 sụt giảm tới 75%. Tương tự, mức độ quan tâm bất động sản cũng giảm 39%.

Ở từng loại hình, mức độ quan tâm trong tháng 8 ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất ở loại hình chung cư, giảm 32% so với tháng trước và đất giảm 29% so với tháng trước. Trong khi đó, nhu cầu bán bất động sản cũng khá khan hiếm khi số lượng tin đăng giảm mạnh, đặc biệt ở loại hình nhà riêng giảm 68% so với tháng trước và đất giảm 53% so với tháng trước.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Mức độ quan tâm bất động sản giảm mạnh nhất tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng của Covid-19 như TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Tại 2 đầu tàu kinh tế Tp.HCM và Hà Nội chứng kiến mức sụt giảm lần lượt là -17% và -36% so với tháng trước.

Kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng do các đợt dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài tại các địa phương, đặc biệt là tại Tp.HCM - thị trường bất động sản lớn nhất nước và Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, bán hàng theo hình thức online, qua các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo, nền tảng bán hàng riêng.

Dù vậy thì hiệu quả kênh bán hàng online vẫn kém hơn nhiều kênh truyền thống bởi người dân, khách hàng vẫn luôn có thói quen mua nhà, đất bỏ ra một lượng vốn lớn nên cần phải khảo sát trực tiếp trước khi quyết định xuống tiền đầu tư. Theo thống kê từ Chứng khoán Rồng Việt, tỷ lệ giao dịch thành công trung bình thông qua phương thức bán hàng online chỉ khoảng 20%, vẫn thấp hơn kênh truyền thống với tỷ lệ 40-50%.

Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2021, ban lãnh đạo VIC cho biết, năm 2020 do khó khăn dịch bệnh Covid-19, doanh thu cho thuê bất động sản thương mại giảm từ 6.792 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 6.662 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ khách sạn du lịch giảm 43% so dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến khách từ thị trường nước ngoài. Năm 2021, Vingroup thông qua kế hoạch lợi nhuận giảm nhẹ xuống mức 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nửa đầu năm, VIC mới đạt được 1.469 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 32% kế hoạch cả năm, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

VDSC cho rằng, sự phục hồi rõ ràng hơn của thị trường sẽ diễn ra vào quý 1/2022 nếu tiến độ tiêm chủng đúng như kế hoạch của Chính phủ và tỉ lệ tử vong, số ca nhiễm được khống chế. Từ đó, các sự kiện mở bán có thể được diễn ra và mang lại sự hào hứng cho thị trường.

Đánh giá triển vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm của nhóm doanh nghiệp bất động sản, Chứng khoán Agriseco cho rằng, kết quả quý 3 có thể kém khả quan do yếu tố dịch bệnh, giãn cách xã hội sẽ gây ảnh hưởng chung tới tiến độ triển khải dự án và bán hàng của toàn ngành, trong đó tác động mạnh nhất nhất tới các doanh nghiệp môi giới bất động sản.

Theo nhận định của giới chuyên môn, thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiến độ tiêm chủng và thời gian mở lại các sự kiện bán hàng trực tiếp. Việc đẩy nhanh quá trình bao phủ vắc xin, đặc biệt là mũi 2 sẽ giúp các chủ đầu tư bất động sản tổ chức trở lại các sự kiện bán hàng trực tiếp và hâm nóng thị trường sau quá trình giãn cách kéo dài./.

Mai Châu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu bất động sản: Liệu có phải tích luỹ chờ đến năm 2022?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới