Thứ sáu, 19/04/2024 19:15 (GMT+7)

Có thể giải cứu những “con sông thối” của Hà Nội?

MTĐT -  Thứ tư, 07/04/2021 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty JVE cho rằng nhiều năm qua, sông Tô Lịch luôn bị coi là “dòng sông chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp nào xử lý hữu hiệu.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và công luận dành nhiều công sức quan tâm đến việc Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (Công ty JVE) đã gửi đến Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Công ty JVE cho rằng nhiều năm qua, sông Tô Lịch luôn bị coi là “dòng sông chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp nào xử lý hữu hiệu.

Thực ra đã từ lâu, không chỉ người dân Hà Nội mà ngay cả nhiều cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, rồi khách du lịch trong nước và nước ngoài đều quan tâm đến vấn đề này nhưng dường như lại lâm vào hoàn cảnh bất lực và “đành lòng vậy...” chấp nhận hiện trạng cho đến bây giờ. Tình cờ, tôi được biết có một đề tài khoa học liên quan đã “bị” xếp ở đáy ngăn kéo vài năm nay. Xem xong, tôi bị chinh phục hoàn toàn vì kết quả nghiên cứu của nó, đó là việc có thể biến những con sông “thối khủng khiếp” của Hà Nội hiện nay thành những con sông sạch sẽ và yên bình. Nhưng điều thuyết phục hơn là chi phí thấp hơn và tính khả thi cao hơn nhiều so với việc làm sạch con kênh Thị Nghè - Nhiêu Lộc ở TP.HCM.

Đồng thời cùng với đó, đọc lại lịch sử trị thủy của cha ông để lại và thấy được nhiều bài học và tấm gương quý giá về lòng quyết tâm và sự quả cảm trong việc chinh phục những con sông tưởng như vô cảm kia khiến chúng phải khuất phục để phục vụ đời sống của con người.

TRÁCH NHIỆM KHÔNG THỂ THOÁI THÁC!

Cho dù Hà Nội có ghi nhận những thành tựu lớn lao đến đâu trong nhiều chục năm qua thì những con sông “thối khủng khiếp” đã và đang là một vết nhơ, một nỗi đau của người dân Thủ đô. Nhiều người đang nỗ lực chống chọi thành công với thực phẩm bẩn thì lại đang bất lực với sự ô nhiễm môi trường của những con sông này gây ra.

Nếu chỉ ngắm trên bản đồ thì với 9 con sông xanh ngắt uốn lượn phủ khắp thành phố, không mấy ai nghĩ rằng trong đó, đa phần là những con sông đã chết. Từ sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, rồi đến sông Nhuệ, sông Đáy… tựa như những cống thoát nước thải khổng lồ, hôi thối nồng nặc. Đã nhiều năm, hàng triệu trái tim yêu dấu Hà Nội nhìn cảnh đó mà bất lực và xót xa.

Các chuyên gia cho hay, sự ô nhiễm trầm trọng của những con sông này còn ảnh hưởng không nhỏ tới mạch nước ngầm của Hà Nội. Trong khi đó, hiện có đến 80 - 85% nguồn nước cấp cho sinh hoạt là nước ngầm, chỉ một phần nhỏ là nước mặt từ Nhà máy nước lấy nước từ sông Đà.

Theo các nhà khoa học, Hà Nội cần phải có giải pháp kịp thời can thiệp đối với các dòng sông nội đô đang bị áp lực mạnh từ hoạt động của con người. Nếu những con sông này được làm sạch, được lưu thông thường xuyên sẽ góp phần rất lớn vào việc cải thiện nguồn nước ngầm đang bị bức hại.

Hà Nội cũng đã dốc nhiều công sức và tiền bạc, kể cả có sự giúp sức của bạn bè quốc tế, với mong muốn khắc phục tình trạng này. Chẳng hạn, năm 2009, Sở TN&MT Hà Nội đã trình kế hoạch triển khai đề án những giải pháp cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường với tổng mức đầu tư khoảng 1.329 tỷ đồng. Trong đó có kế hoạch dự kiến lấy nước sông Hồng qua trạm Liên Mạc để đưa về giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch.

Cách đây ít năm, khi đoàn công tác của Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đến thăm và làm việc tại TP Amsterdam (Vương quốc Hà Lan), ngài Eberhard Van der Laan - Thị trưởng TP Amsterdam - đã hứa sẽ hợp tác và hỗ trợ TP Hà Nội khẩn trương tiến hành cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch.

Rồi Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn (IRARD) đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho thực hiện thí điểm việc dùng hóa chất làm sạch nước sông Tô Lịch. Theo đó sau khi phun loại dung dịch này, mùi hôi sẽ giảm ngay, còn làm nước trong lại phải mất 1 - 2 ngày và màu nước trong đó duy trì được một tháng. Sau đó sẽ xây đập chắn giữ nước ở vị trí trước khi đổ ra sông nhằm tạo dòng chảy...

Cho dù vậy, tình hình ô nhiễm của các con sông vẫn ngày càng nặng nề, đặc biệt là những con sông ở nội đô, bởi chúng hoàn toàn làm chức năng của hệ thống dẫn nước thải. Có một câu chuyện kể ra đây mà thấy nẫu lòng, khi người Hà Nội nhìn thấy khoảnh khắc “hệ thống dẫn nước thải khổng lồ” trở lại nguyên hình là con sông thanh bình trong ký ức. Đó là sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11/2008, người dân ở Hà Nội đã được chứng kiến nước sông Tô Lịch “trong vắt” như xưa. Khi đó, sông Tô Lịch bị nước mưa làm loãng, dâng cao hàng mét, cuồn cuộn chảy và có cả cá bơi(!). Trận lụt đó đã làm sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại chỉ trong vòng vài tuần lễ.

Nhưng may thay, trời cũng không chặn hết cửa để có thể cứu những con sông này. Hà Nội còn có những con sông lớn khác chưa bị ô nhiễm như sông Hồng, sông Đà. Từ đấy, có một ý tưởng táo bạo và hấp dẫn của các nhà khoa học đã vực dậy niềm hy vọng làm sống lại những con sông “thối khủng khiếp” trong nội đô. Câu chuyện có lẽ bắt đầu là sự ngạo ngược của con sông Đà. Từ Lai Châu đang yên lành chảy theo hướng đông - nam qua Sơn La rồi xuống Hòa Bình, thế mà bỗng “phắt một cái”, chảy ngược lên phía bắc, qua Phú Thọ, qua chân núi Ba Vì của Hà Nội để tạo ra một Ngã ba sông đầy thơ mộng rồi đổ vào sông Hồng tại Việt Trì.

Ý tưởng táo bạo và hấp dẫn này là dẫn nguồn nước sông Đà trước khi đổ vào sông Hồng tại Việt Trì “đi tắt” qua một con kênh nhân tạo để thau rửa những con sông nội thành trước khi đổ ra sông Hồng phía hạ lưu.
 
BÀI HỌC TỪ CHA ÔNG HÌNH THÀNH CON SÔNG ĐÀO LỊCH SỬ

Chẳng cần nhìn ra thế giới để tìm minh chứng cho những quyết định mang tính lịch sử về những con sông đào, như kênh Kinh Hàng của Trung Quốc dài 1.794 km, kênh Suez của Ai Cập dài 193 km..., mà theo sử sách của Việt Nam, chỉ trong 30 năm đầu thời nhà Nguyễn (1814-1844), các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị đã cho đào tới 8 con kênh lớn tựa như những con sông nhỏ để phục vụ cuộc sống người dân.

Vào năm Gia Long thứ 13 (1814), sông Lợi Nông (hay còn gọi là sông An Cựu) được đào bắt đầu từ phía đông-nam của xã Phú Xuân (thời bấy giờ), nối với sông Hương dài khoảng 45 dặm (gần 20 km) quanh co theo các làng mạc rồi đổ vào đầm Hà Trung. 

Bốn năm sau, vua Gia Long lại tiếp tục ra chỉ dụ cho đào sông Thoại Hà (hay còn gọi là sông Tam Khê). Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại được giao chỉ huy khoảng 1.500 người đào sông, có cả người Việt lẫn người Khơme. Sông Thoại Hà, nay thường gọi là kênh Long Xuyên - Rạch Giá, với chiều dài độ 72 dặm (gần 32 km), rộng khoảng 40m.

Chỉ sau đó một năm (1819), sông Vĩnh Tế được đào với chiều dài đến 91 km, chiều rộng trung bình ước khoảng 40 m, công việc diễn ra trên 5 năm, kéo dài đến năm 1824. Sông Vĩnh Tế được đào chảy thông từ địa phận tỉnh Châu Đốc đến Hà Tiên. Tiến độ thi công trong việc đào sông được chia thành 2 đợt: đợt 1 huy động đến trên 10.500 dân binh; đợt 2 cũng với lượng dân binh gần như vậy và đều dưới sự chỉ huy, giám sát của viên trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại. Nhưng vào năm 1823, vua Minh Mạng lại giao cho thủ trấn thành Gia Định bấy giờ là Lê Văn Duyệt điều khiển và đốc thúc hơn 39.000 dân binh sở tại cùng 16.000 người Khơme tiếp tục đào các đoạn còn lại. Cuối cùng vào năm 1824, khi công việc đào sông đã tạm ổn, thì việc chỉ huy lại được giao cho trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại như trước. Đặc biệt, như để ghi nhớ công lao của viên quan có công đầu trong việc đào sông này, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Vĩnh Tế để đặt tên cho dòng sông.

Năm 1824, sau khi kết thúc việc đào sông Vĩnh Tế, vua Minh Mạng lại ra chỉ dụ cho đào sông Vĩnh Điện. Dưới sự điều khiển của viên cai bạ Lê Đại Cương, 3.000 dân binh cật lực đào trong 2 tháng thì hoàn tất một đoạn sông khoảng 16 dặm (độ 7 km), thông từ xã Câu Nhi đến xã Cẩm Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Nhưng chỉ năm sau (1825), xét thấy quy mô của dòng sông chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn của địa phương này, vua Minh Mạng lại dụ rằng: “Sông Vĩnh Điện Quảng Nam không phải không có chỗ nông cạn. Vậy cho doanh ấy đích thân đi khám xét cẩn thận, đoạn nào cát ứ lại, nước sâu không quá 3 thước, thì đều liệu theo thời giá thuê dân phu trong hạt gộp sức vét thêm cho nước sâu tới mức từ 3 thước trở lên”. Bấy giờ, quan thống chế Trương Văn Minh chỉ huy, giám sát 8.000 dân binh đào lại sông Vĩnh Điện. Đợt đào tạo được tiến hành trong 4 tháng cho việc nắn thẳng lại dòng chảy, mở rộng dòng sông ra độ 24 m.

Năm tiếp theo (1836), vua Minh Mạng lại cho đào sông Phổ Lợi ở Thuận Hóa. Con sông này thông từ sông cũ là La Ỷ đến hạ lưu sông Diêm Trường với chiều dài khoảng 25 dặm (độ 11 km), phần đào thêm khoảng 4,6 dặm (độ 2 km) có khả năng chia nước của sông Hương vào mùa lũ, mặt khác phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nhất là về mặt cấp nước tưới tiêu vào mùa kiệt. 

Nhưng sau đó một năm, xét thấy việc đào sông Phổ Lợi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vua Minh Mạng lại tiếp tục chỉ dụ: “Năm trước khai đào sông Phổ Lợi để cho có lợi muôn đời không cùng. Lần ấy dân vì mưa lụt, chưa được thành công. Đã chuẩn y cho sang xuân tiếp tục làm. Nay thời tiết tạnh nắng, chính là lúc có thể thi công được. Vậy giao cho kinh doãn liệu thuê dân hạt 3.000 người, cứ chiếu chỗ nào năm ngoái hiện chưa làm xong và một đoạn hướng mới làm tiếp. Lấy ngày tháng giêng năm nay khởi công, theo đúng quy thức mà khai đào, sao cho trong tháng 2 phải nhất loạt hoàn thành”.
Sau này, trong một chuyến tuần du về Thuận An vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua đã làm một bài thơ với tựa đề Quá Phổ Lợi hà cảm tác và khắc vào bia đá dựng ở bên bờ. Ngoài phần mở đầu viết theo lối văn xuôi mang tính chất giới thiệu, bài thơ chính dài 26 câu theo thể ngũ ngôn. Bài thơ như một bài ký ghi lại quá trình đào sông cũng như miêu tả lại bức tranh của con sông vào thời điểm ấy đồng thời cũng bày tỏ thái độ ủng hộ của nhà vua đối với công cuộc đào sông Phổ Lợi. Mở đầu bài thơ, nhà vua viết:
Phiên âm:

Ngưỡng duy phòng hải niệm 

Cánh thả vị nông trù

Tuỳ thế kỳ giang quýnh 

Hưng công phát nô tu 

Dịch thơ:

Phòng biển nhớ công xưa 

Giúp nhà nông canh tác 

Tùy thế đất thế sông

Kho công chi tiền bạc

So với hai triều vua trước, đến triều Thiệu Trị chỉ có một con sông được xem là tương đối lớn trong hệ thống sông đào Việt Nam dưới thời Nguyễn, đó là sông Tân Châu.

Con sông này thông từ cửa sông Chu Giang ngang qua sông Tiền Giang rồi chảy qua đồn Tân Châu với chiều dài tổng cộng gần 40 dặm (khoảng 17 km). Trong đó, phần đào thêm ước khoảng 16 dặm (khoảng 8 km). Qua quá trình đào sông, triều đình đã chi trên 63.000 quan tiền, trên 21.000 phương gạo. Sông được đào rộng ngang trên bề mặt khoảng 6 trượng (khoảng 24 m), chiều rộng dưới đáy chỉ có một nửa, sâu 9 thước (khoảng 3,6 m)...

Kể lại những việc sử sách ghi lại để bạn đọc thấy rằng, cha ông đã từng chăm sóc cuộc sống của dân chúng qua những con sông đào như thế nào.
Nay, nhiều con sông ở Hà Nội đang bị bức tử, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm và cạn kiệt, cuộc sống người dân Thủ đô ngày càng bức bối về “những con sông thối khủng khiếp”..., liệu Hà Nội đã đến thời điểm cần hình thành con sông đào lịch sử?

Xin lưu ý, con kênh dẫn nước tự chảy từ sông Đà về thau rửa thường xuyên những sông ô nhiễm nặng của Thủ đô, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch..., mà các nhà khoa học của chúng ta đề xuất chỉ chưa đầy 40 km.

Theo Nguyễn Hoàng Linh/Tạp chí Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Có thể giải cứu những “con sông thối” của Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...