Thứ sáu, 19/04/2024 20:22 (GMT+7)

Có thể tẩy sạch hoàn toàn chất độc xung quanh nhà máy Rạng Đông?

MTĐT -  Thứ hai, 09/09/2019 15:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: "Với lực lượng hiện có, Binh chủng Hoá học có thể tẩy sạch hoàn toàn chất độc quanh nhà kho Rạng Đông".

Trao đổi với Vnexpress, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: "Với lực lượng hiện có, Binh chủng Hoá học có thể tẩy sạch hoàn toàn chất độc quanh khu vực cháy của nhà kho Rạng Đông".

Cũng theo ông Tiến, quân đội đã thực hiện tiêu tẩy nhiều vụ ô nhiễm do hoá chất, mới nhất là vụ ô nhiễm hơn 30 tấn hoá chất trên biển, dù bị loang nhanh nhưng đã được xử lý rất thành công.

Viện Hoá học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hoá học) đã hoàn thành công việc lấy mẫu, xét nghiệm và lên phương án tiêu độc. Ngày 8/9, Viện đã báo cáo kết quả lên Tư lệnh Binh chủng để chiều nay báo cáo lên Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Đánh giá về sự tham gia của Bộ Tư lệnh Hoá học, GS.TSKH Lưu Văn Bôi (nguyên Chủ nhiệm Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc này là cần thiết.

"Thuỷ ngân cũng là một dạng chất thải nguy hại, rất độc đối với con người, đòi hỏi đơn vị xử lý phải có trình độ, kỹ thuật cao và có trang thiết bị hiện đại. Kết quả quan trắc, đánh giá của Bộ Tư lệnh Hoá học sẽ khách quan, chính xác và họ sẽ có hướng xử lý tối ưu cho những vụ việc thế này", GS. Lưu Văn Bôi nhìn nhận.

Cán bộ Viện Hoá học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hoá học) lấy mẫu vật chất quanh nhà kho Rạng Đông. Ảnh: VNE.

Theo vị chuyên gia, các thí nghiệm, phân tích thuỷ ngân vô cơ trong môi trường không phải đơn vị nào cũng có thể triển khai được và mức độ chính xác cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng tôi khi thí nghiệm với thuỷ ngân cũng phải rất thận trọng, luôn thực hiện trong hộp kín chứ không phải trong phòng thí nghiệm thông thường. Ngoài ra, kỹ thuật phân tích thuỷ ngân vô cơ cũng rất phức tạp, tốn kém, vài ngày mới ra được kết quả. Lúc này, tôi nghĩ Bộ Tư lệnh Hoá học có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện được việc này", GS. Lưu Văn Bôi cho hay.

Ông Bôi cho rằng các kết quả kiểm tra nhanh, quan trắc nhanh mà Sở TNMT Hà Nội hay Bộ TNMT công bố mới chỉ mang tính tương đối, muốn biết được chính xác môi trường có an toàn thì cần phân tích rất nhiều và quan trắc liên tục.

"Vài chục kg thuỷ ngân thì không phải là chuyện đơn giản nữa, lượng thuỷ ngân này đã thành bụi, phát tán vào không khí, đất, nước rồi nước ngầm. Vì vậy, người ta phải quan trắc, đánh giá liên tục, chứ đánh giá 5 hay 10 mẫu rồi bảo an toàn thì không khách quan về mặt khoa học", GS. Bôi phân tích.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) lại đưa ra cái nhìn lạc quan hơn, độ sôi của thủy ngân chỉ là 390 độ C, nhưng nhiệt độ đám cháy thời điểm đó khoảng 1.300 độ C. Chính vì vậy, lượng thủy ngân sẽ cháy và bốc hơi, phát tán ra môi trường hết.

"Khi cháy, lượng thủy ngân cháy rồi bốc hơi, phân tán theo gió đi khắp nơi. Sau đó, chúng tích tụ lại và rơi xuống ngấm vào đất, nước rải rác ở phạm vi rộng. Bây giờ, cơ quan chức năng cần làm bản đồ phân bố xem mật độ thủy ngân rơi xuống như thế nào" - PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết.

PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết thêm, ông đã nghiên cứu về thủy ngân 50 năm (từ năm 1963 đến 2013). Chính vì vậy, ông hiểu rất rõ về thủy ngân và cho biết, trong quá trình công tác ông đã từng gặp những sự cố 3-4kg thủy ngân lỏng rơi ra trong phòng thí nghiệm.

"Nếu trong phòng thí nghiệm mà để thủy ngân lỏng rơi ra thì sẽ phải xử lý bằng cách phun bột lưu huỳnh, vì thủy ngân với lưu huỳnh phản ứng với nhau rất nhanh thành thủy ngân sulfua (HgS) màu đen. HgS tuyệt đối không tan trong nước, do đó, nó rơi xuống thì quét gom lại là được" - PGS.TS Trần Chương Huyến nói.

Từ phân tích trên, PGS.TS Trần Chương Huyến cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy này. Lượng thủy ngân này phát ra môi trường (khoảng 30kg - pv) từ vụ cháy ở Công ty Rạng Đông so với thủy ngân ở các bãi đào đãi vàng thì "chưa ăn thua gì".

"Chúng tôi lên bãi vàng ở Bắc Kạn, nhìn thủy ngân ngược ánh sáng còn thấy màu tím. Một lần những người đào đãi vàng khuấy được khoảng 5kg thủy ngân ở trong cát, sau đó họ lấy cái bã còn lại cho vào chảo gang đun cho thủy ngân bay hơi hết đi để lấy cái cặn lại để xử lý hóa học để họ lấy vàng" - PGS.TS Trần Chương Huyến phân tích.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 5/9, Bộ Tư lệnh Hóa học đã cử lực lượng chuyên trách xuống hiện trường lấy mẫu về phân tích nồng độ ô nhiễm hóa chất do cháy nhà kho của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông).

Cụ thể, các cán bộ Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm.

Dựa trên kết quả phân tích, Bộ tư lệnh Hóa học sẽ xây dựng phương án thu gom xử lý các vật tư, hoá chất, tiêu độc ở khu vực bị cháy của Công ty Rạng Đông để thông qua các cơ quan chức năng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Có thể tẩy sạch hoàn toàn chất độc xung quanh nhà máy Rạng Đông?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...