Thứ bảy, 20/04/2024 05:51 (GMT+7)

Cõi hoang dại của thành phố

MTĐT -  Thứ bảy, 25/12/2021 19:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hồ Tây thời “tiền chiến” thực tế nằm ở vùng rìa những phố phường quen thuộc.

Cho đến tận năm 1995, phần bắc của hồ Tây ở Hà Nội vẫn nằm trong địa giới ngoại thành thuộc huyện Từ Liêm, còn trước thập niên 1960, các bản đồ nội thành chỉ thể hiện hồ Tây ở một phần tiếp giáp nhỏ ở góc đông nam, nơi có đường Cổ Ngư (Thanh Niên) và đoạn đầu phố Thụy Khuê. Điều ấy có nghĩa hồ Tây thời “tiền chiến” thực tế nằm ở vùng rìa những phố phường quen thuộc.

Nhưng cũng chính sự có mặt tương đối muộn của hồ Tây trong khung cảnh đô thị lại giúp cho không gian này có một ranh giới mờ nhòe ẩn hiện trong thiên nhiên, nơi phố phường chưa đủ sức ôm trọn nó trong vòng sống cuồn cuộn cho đến tận cuối thế kỷ XX. Trước khi những con đường chạy vòng quanh đông xe cộ và những tòa tháp cao tầng mọc lên ở đường chân trời của hồ Tây, người Hà Nội đã có một không gian tương đối “hoang dã” phía sau mình. Hồ Tây, hay Tây hồ, Đoài hồ theo cách gọi Hán Việt, là một vùng âm u trong tiềm thức thị dân quá khứ.

Quanh hồ Tây, những địa danh nói lên nhiều điều về gốc gác hoang sơ của nó. Chẳng hạn, Trích Sài nghĩa là hái củi, do khu vực xung quanh là những cánh rừng. Ít nhất thì trong Tây hồ bát cảnh được truyền tụng từ thế kỷ XVIII, một nửa là các khu rừng và những cảnh trí dạng quần xã sinh học đa dạng: bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, sâm cầm rợp bóng, đồng hoa Nghi Tàm… Số còn lại là những cảnh trí nhân tạo nhiều phần dị biệt: đàn thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, chợ đêm Khán Xuân và tiếng đàn hành cung chúa Trịnh ở chùa Trấn Bắc.

Nhưng tất cả những cảnh tượng này chỉ trở nên kỳ thú là nhờ một di sản văn học cả truyền khẩu lẫn thành văn diễn tả. Từ mối tình của Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ, người “ở Tây hồ bán chiếu gon” đến Hồ Xuân Hương, nữ sĩ bí ẩn sống ở làng Nghi Tàm, nơi có Cổ Nguyệt Đường cạnh chùa Kim Liên bên hồ Tây. Cổ Nguyệt chính là chiết tự thành chữ hồ, vì vậy Cổ Nguyệt Đường nghĩa là nhà họ Hồ, mà cũng có nghĩa là nhà bên hồ. Nghi Tàm còn là quê hương của Nguyễn Thị Hinh, tức Bà huyện Thanh Quan.

Cõi hoang dại của thành phố
Cổng đền Quán Thánh và đường Cổ Ngư cuối thế kỷ XIX. Ảnh: TL

Người ta nói rằng hai nữ sĩ nổi tiếng nhất cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX này cùng ở một ngôi làng bên hồ Tây và cũng mất ở đây. Họ có sống cùng thời và có biết nhau không? Người ta có thể đưa ra những tiểu sử nhiều chi tiết về hai nữ sĩ, một người viết những bài thơ Nôm phóng túng nhất và một người ngược lại, là tác giả của những bài thơ Nôm Đường luật nghiêm nhặt bậc nhất trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, đều có những mối liên hệ với các danh sĩ đương thời, song lại chẳng thể biết họ nhận xét gì về nhau. Đôi khi có những bài thơ mang giọng điệu pha trộn làm các nhà nghiên cứu bối rối không biết xác định của ai.

Một bài như vậy là Chùa Trấn Bắc, bắt đầu bằng những câu thơ đặc trưng phong cách thẩm mỹ Bà huyện Thanh Quan: “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu. Khách đi qua đó chạnh niềm đau”, nhưng kết thúc lại là câu thơ khẩu khí rất Hồ Xuân Hương: “Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu”. Tất nhiên chúng đều là những câu thơ được chép lại vào thời sau, cùng với những bài thơ cũng mang tính chất được tương truyền. Nhưng hồn vía của bài thơ chính là đôi câu luận: “Sóng lớp phế hưng coi đã rộn. Chuông hồi kim cổ lắng càng mau” phản chiếu một tâm thế man mác trước biến cải của thời cuộc, mà sóng nước Tây hồ và những tiếng chuông thực tại như phụ họa cho cảnh trí ấy.

Cách diễn đạt này là một sự hô ứng với những thi tứ ngâm vịnh, tạo ra một trường điển rộng lớn về cõi mộng mị sóng nước trong văn hóa từ chương người Việt. Hồ Tây đã thành một mẫu hình cho sương khói, khói sóng, chốn huyền hoặc, nơi ẩn náu… trong dữ liệu văn hóa xuất hiện đậm đặc vào cuối thế kỷ XVIII, thời của những lần “vạc đổi” liên tiếp - những triều đại nối nhau cáo chung. Thành quách đổ nát, thậm chí bị san bằng hoặc thu nhỏ, phố phường nhiều tao loạn, nhưng Tây hồ ở bên rìa những thành lũy và phường chợ vẫn tĩnh tại đóng vai trò một mặt gương cũ “soi kim cổ”.

Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm không gian Kẻ Chợ chật chội và tù túng hơn so với hồ Tây, cũng chỉ thật sự trở thành một trung tâm văn hóa nhờ công cuộc cải tạo của các danh sĩ sát thời thuộc địa như Nguyễn Văn Siêu hay Vũ Tông Phan. Người Pháp khi đến Hà Nội bằng việc gọi hồ Tây là Grand lac (hồ lớn) đối trọng với Petit lac (hồ nhỏ), tức hồ Hoàn Kiếm, đã xác định tầm vóc địa lý của nó.

Hồ Tây với không gian bao la và sự hoang dại trong quá khứ, mang những cái tên như Dâm Đàm (hồ mù sương), Kim Ngưu (sự tích trâu vàng), Xác Cáo (sự tích quái cáo trắng chín đuôi) hoặc một cái tên còn tồn nghi là Lãng Bạc (bến có sóng lớn), kích thích những tâm trạng thi nhân tạo ra những tuyệt bút táo bạo, điều mà những mặt hồ nho nhỏ hay những cảnh phố phường chật chội không đủ sức làm nên.

Văn học cổ điển đã chứng kiến một sông Bạch Đằng “bát ngát sóng kình muôn dặm” gây cảm hứng cho bài phú nổi tiếng của Trương Hán Siêu hay cửa Thần Phù “giữa dòng nước cuộn như rắn xanh” trong thơ Nguyễn Trãi (*). Đấy đều là những cảnh trí vượt lên hẳn cái bình yên của lũy tre làng hay những ngõ trúc ẩn dật. Hồ Tây ngay sát thành trì nhiều triều đại, không chỉ là nguồn cơn thi hứng về vẻ đẹp “Tây hồ kia đúng một nàng Tây Thi” (Cao Bá Quát) mà còn sinh ra hai bài phú chữ Nôm lừng lẫy, Tụng Tây hồ phúChiến “Tụng Tây hồ phú”.

Đáng nể hơn, chúng là hai diễn ngôn đối lập nhau. Khác với di sản thơ của hai nữ sĩ làng Nghi Tàm mang mối liên hệ nhiều phần mơ hồ, giữa hai tác giả Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái là một sự tương đố, hoặc ít nhất là một nỗ lực từ phía Phạm Thái nhằm chống lại một diễn giải thi vị hóa lịch sử. Tụng Tây hồ phú được Nguyễn Huy Lượng viết năm 1800 - 1801, thời điểm Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc, đánh dấu sự suy vong của triều đại Tây Sơn, khi một năm sau đó chấm dứt dưới tay Nguyễn Ánh. Đất Bắc Hà hẳn nhiên chứng kiến nhiều xáo trộn nhưng Tụng Tây hồ phú gợi ra một khung cảnh thái bình nhiều phần diễm ảo:

Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút;

Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ỳ ồ.

Rập rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm;

Thanh lảnh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm;

Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh;

Vườn hái nhị kẻ dày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho.

Những dòng văn biền ngẫu trên xứng đáng được ghi nhận là những mô tả tài hoa nhất về đời sống con người hai thế kỷ trước xung quanh thắng địa của đất Thăng Long. Nó sinh động hơn những bài thơ hoài cổ man mác là bởi thổi vào đấy một cảm thức hiện thực về nơi chốn đang vận động, chứ không phải trầm ngâm trước những phế tích.

Dễ hiểu là Nguyễn Huy Lượng từng đỗ đạt dưới triều Lê, đã ra làm quan với triều Tây Sơn, làm đến chức Hữu thị lang Bộ Hộ và được phong tước hầu, ông dành những lời tươi đẹp cho một triều đại đã trọng dụng mình: “Nền hoàng thành đặt vững long biên, ngôi Bắc cực muôn phương đều củng hướng. Nền bắc trạch xây kề ngưu chử, cảnh Tây hồ trăm thức lại phương phu”. Tất nhiên, Tụng Tây hồ phú đến lượt nó cũng mau chóng trở thành một khúc cầu hồn cho một giai đoạn lịch sử vốn dĩ nhân tâm không hẳn đồng thuận.

Cõi hoang dại của thành phố
Bản đồ Hà Nội 1873, Phạm Đình Bách vẽ, Sở Địa dư Đông Dương xuất bản 1937. Một phần hồ Tây ở góc trên bên trái với tên “Tây hồ” viết bằng chữ Hán. Ảnh: TL

Những cuộc đổ vỡ trong mối quan hệ trung quân ái quốc khi sĩ phu Bắc Hà đã nếm trải sự suy tàn của các triều đại suốt vài thế kỷ cùng sự trỗi dậy của phong trào Tây Sơn chấm dứt vị thế đế đô độc tôn lâu đời của Thăng Long. Đấy là vì sao Chiến “Tụng Tây hồ phú” của Phạm Thái, kẻ tráng sĩ nổi loạn tiếc nhớ Lê triều, thốt ra những lời cay độc phản bác lại Nguyễn Huy Lượng: “Giận vì thằng sao nỡ đặt “Tụng hồ”, bênh ngụy tặc bỏ ơn đời đế thế; cho nên đây phải họa vần “chiến tụng”, nguyện ngô quân đem lại nếp hoàng đồ”.

Phạm Thái đã từng nối chí cha chống lại nhà Tây Sơn, giả tu ở chùa Tiêu Sơn, lang bạt những năm tuổi trẻ suốt những vùng đất loạn lạc Bắc Hà từ Lạng Sơn vào đến Thanh Hóa chờ cơ hội phục Lê. Hồ Tây đã thành một chiến địa ngôn từ:

Nhà tranh đua đều khấn bụt cầu ma, đường Quan Thánh khéo lăng nhăng lít nhít;

Chợ xao xác những buôn hùm bán quỷ, mái Trương Lương nghe lếu láo y o.

Khói lò gạch thổi lưng trời ngùn ngụt;

Sóng cánh hàn xô sườn đá ồ ồ.

Bãi Đuôi Nheo tanh ngắt giống tinh chiên, nước trong hồn vẻ nguyệt chẳng còn ưa, thuyền du tử lái chạy ra cho chóng;

Hồ Cổ Ngựa thối hoăng mùi đại tiểu, hoa thơm giận chiều xuân sao nỡ phụ, lều cư nhân tranh nát đã như vò…

Một chuỗi những danh từ, tính từ nhiều vần trắc tạo cảm giác khấp khểnh, không chỉ cố tình trái nghĩa với những mỹ từ của Nguyễn Huy Lượng mà còn phủ lên một không khí liêu trai, ma quái. Chính vì vậy mà mặc dù đối chọi bài trước chan chát, Chiến “Tụng Tây hồ phú” không giấu được một ý niệm lãng mạn. Nó chứa đựng sự hoài nhớ vàng son đã qua, phủ nhận thực tại bằng cái nhìn quái lạ hóa khung cảnh. Chính khi Phạm Thái phản ứng gay gắt với những hình ảnh diễm lệ hóa của Tụng Tây hồ phú, gã trai 23 tuổi này lại cho thấy mình có phần say đắm hồi quang của những tàn tạ:

Nhận cố cung phai nhạt màu xưa, tới mộc thạch cũng đeo sầu tiêu xác

Xem hồ thủy thẹn cùng sắc nước, đến cỏ hoa đều ê ủ phân phu [phân phu: tơi bời]

Những hình ảnh khá giống những gì Hồ Xuân Hương hay Bà huyện Thanh Quan viết về “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” khiến tôi nghĩ đến những bức tranh của chủ nghĩa lãng mạn châu Âu cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, khi các họa sĩ say mê khắc họa những phế tích của thế giới cổ xưa. Một cuộc hẹn nào đã lỡ giữa những bức tranh tràn ngập vẻ đẹp tráng lệ suy tàn trưng bày ở điện Louvre với nỗi hoài cổ “cảnh đấy người đây luống đoạn trường” ở một nước Đại Việt đã đổi thành Đại Nam, mà chỉ nửa thế kỷ sau đã trở thành một cuộc hẹn bất bình đẳng giữa hai nền văn hóa khi những tiếng súng nổ vào Đà Nẵng mở đầu quá trình thực dân của Pháp.

Những kẻ thực dân đến Hà Nội góp phần tạo ra những phế tích khi phá thành cổ, biến cải thành phố theo hướng hiện đại, nhưng sau đấy họ cũng tạo ra một thiết chế bảo tồn chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa nhân văn phương Tây, khi những nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ cố gắng lưu lại những dấu tích xưa của một xứ sở nhiều loạn lạc. Chính những quan niệm về bảo tồn di sản này đã là cơ sở gieo cấy một ý niệm về phức hợp huyền thoại biểu tượng cộng đồng trong thế hệ người Việt tân học. Thăng Long, Đại La thành và hồ Tây của nghìn năm trước được trưng dụng làm sân khấu cho những phức hợp này.

Để viết về Hai Bà Trưng và những trận đánh với Mã Viện ở Lãng Bạc, năm 1943, nhạc sĩ sinh viên Lưu Hữu Phước đã đội mưa gió ngày bão ra hồ Tây để cảm nhận sự hoang dại hùng vĩ của thiên nhiên, như một tín đồ tìm kiếm sự khải thị của cảm thức cội nguồn truyền qua hai thiên niên kỷ. Hồ Tây đã trở thành một sự ký thác cho phông cảnh lịch sử của một diễn ngôn về chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Bản nhạc Hát giang trường hận, sau được đổi tên là Hồn tử sĩ, được Lưu Hữu Phước viết trong sáu tháng, sau nhiều lần thực địa hồ Tây. Lưu Hữu Phước có cắt nghĩa vì sao giữa những bài hát viết về các chiến thắng như Bạch Đằng, Chi Lăng, lại viết một bài về sự chiến bại, là nhằm “nói được cái buồn đầy uất hận của người mất nước muốn quật cường, dùng nét nhạc buồn mà không sa đọa”.

Cảm thức về chiến bại cũng được một tác giả đương thời là Khái Hưng khắc họa đậm nét từ chính một nhân vật chúng ta đã đề cập: Phạm Thái. Đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là Tiêu Sơn tráng sĩ, Khái Hưng tạo ra một biểu tượng thẩm mỹ qua nhân vật Phạm Thái có màu sắc kiếm hiệp. Khác với những tác phẩm khảo cứu, văn chương và âm nhạc cùng thời tìm kiếm sự tự tôn dân tộc qua những chiến công diệt ngoại xâm của Quang Trung, Tiêu Sơn tráng sĩ đắm đuối với vẻ ngang tàng cô độc của một nhân vật tìm cách trung hưng sự nghiệp triều Lê và mối tình vắn số với nàng thơ Trương Quỳnh Như.

Cõi hoang dại của thành phố
Bìa cuốn Tiêu Sơn tráng sĩ, in lần thứ 2, Đời Nay xuất bản, 1940. Ảnh: TL

Phạm Thái say đắm nàng thơ để rồi sau cái chết của nàng, chàng phẫn tình riêng chồng lên cái phẫn chí công danh, trở thành một kẻ tuyệt vọng. Con người chiến bại của Phạm Thái là một mẫu hình hoàn hảo cho tiểu thuyết văn học lãng mạn khi nó biểu đạt sự kháng cự của những cá tính thẩm mỹ trước thực tại bất như ý, của cái tôi bị tổn thương, của sự tự do và của những mộng tưởng thông qua sáng tạo.

Tụng Tây hồ phú có thể xem như một biểu tượng cổ điển của triều đại Tây Sơn khi cố gắng điển chế hóa các giá trị của thời thịnh trị, thì Chiến “Tụng Tây hồ phú” lại đóng vai trò một sản phẩm lãng mạn tiêu cực thời Lê mạt. Điều đặc biệt là chính Khái Hưng cũng lại đồng mộng với nhân vật biểu tượng cho sự nghiệp văn chương và tinh thần của mình. Cũng tham gia hoạt động chính trị, ít nhiều đối kháng với Việt Minh, Khái Hưng tưởng chừng đi lại vết bước của tiền nhân, mà từ những bước đầu tiên đã mang mầm mống chiến bại, để rồi đón nhận một cái chết không rõ ràng giữa cuộc chiến tranh vào năm 1947.

Trước sau thì những Phạm Thái hay Khái Hưng vẫn cứ là những nhân vật nổi loạn lãng mạn hơn là những “đảng trưởng đảng Tiêu Sơn” hoặc chính khách: “Một đôi khi, những hôm mưa gió lớn, sấm chớp đầy trời, Phạm Thái cũng mơ màng tới sự nguy hiểm gian nan của thời oanh liệt, và nhớ tới bọn anh em đồng chí đương mạnh bạo quả quyết theo đuổi việc lớn. Những khi ấy, cái thú ủy mị của tình yêu vị tất đã thắng nổi cái thú xông xáo theo tìm cái chết. Nhưng than ôi, cái chết thì xa mà tình yêu thì ở ngay bên cạnh, nó dỗ dành, nó an ủi, nó dẫn dụ mình vào cõi mộng”.

Hồ Tây của thế kỷ XXI đã nhỏ lại về tỉ lệ diện tích so với không gian đô thị Hà Nội, không còn là cõi hoang dại “huyền lô thâm thủy”, nó trở thành một phiên bản mới của một cái hồ trung tâm như thời hồ Hoàn Kiếm được người Pháp quy hoạch và nắn chỉnh thành trung tâm của Hà Nội thuộc địa. Người Hà Nội giờ đây đi tìm những khung cảnh hoang dại ở những khoảng cách xa hơn nhiều thời Tiêu Sơn tráng sĩ. Ngay chùa Tiêu Sơn, từ ngày 1.11.2021 cũng đã nằm trong địa giới thành phố mới nhất của Việt Nam - Từ Sơn.

Cuối cùng, những câu chữ lãng mạn quá khứ là thứ có khả năng níu giữ những cõi trời nước hoang sơ bảng lảng trong hồn người, đang phải đầu hàng trước sự xu thế ngăn nắp hóa đến cạn dòng.

Nguyễn Trương Quý

_______________

(*) Nguyên văn chữ Hán, ở đây dùng các bản dịch

Bạn đang đọc bài viết Cõi hoang dại của thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...