Thứ ba, 23/04/2024 19:06 (GMT+7)

COMA18 có dấu hiệu vi phạm luật hình sự tại dự án Westa?

Mộc Diệp -  Thứ sáu, 26/07/2019 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

COMA18 cố ý không bàn giao, chậm bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị (BQT), chiếm dụng quỹ bảo trì để sử dụng vào mục đích khác…thì BQT có thể khởi tố COMA18 tội "Chiếm giữ trái phép tài sản".

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam Điện tử đã thông tin trước đó, gần 300 hộ dân sinh sống tại chung cư Westa tọa lạc tại địa chỉ số 104 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội đang “điêu đứng” trước tình trạng căn hộ không có sổ hồng, xuống cấp mà CĐT không chịu trả quỹ bảo trì, nghiêm trọng hơn nữa đó chính là nỗi lo mất nhà.

Theo các hộ dân, dự án Westa được bàn giao và đi vào hoạt động 5 năm nay, Ban quản trị chung cư cũng được thành lập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thay vì việc bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị, CĐT có dấu hiệu chây ỳ không chịu hợp tác. Cư dân và chủ đầu tư Coma 18 đã có nhiều buổi đối thoại nhưng không tìm được tiếng nói chung, cư dân đã gửi đơn kiện đi nhiều nơi để tố cáo hành vi của CĐT Coma 18.

Tại buổi đối thoại gần đây nhất, phía COMA 18 giải thích nguyên nhân về việc chưa thể trả sổ hồng cho cư dân là vì dự án Westa đã được công ty thế chấp cho ngân hàng trước khi CĐT bán cho cư dân.

Đại diện phía Ngân hàng Pvcombank – ngân hàng nhận dự án thế chấp cho biết: “Dự án Westa Mỗ Lao được Công ty cổ phần phần Cơ khí Xây dựng số 18 (COMA18) thế chấp toàn bộ cho ngân hàng với giá trị hơn 478 tỷ đồng. Hợp đồng tín dụng này đáng lẽ được thanh lý 2013 nhưng đến nay CĐT vẫn không thể trả”.

Được biết, COMA 18 là một doanh nghiệp trước đây thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) – Bộ Xây dựng. Cuối năm 2015, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn đứng trên bờ vực phá sản. Tại báo cáo tài chính ngày 31/12/2015 cho thấy, những con số mất cân đối tài chính của doanh nghiệp… Cục thuế Hà Nội tiến hành cưỡng chế nợ thuế.

Tháng 5/2016, Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) thoái 51% phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại COMA 18 thông qua hoạt động chuyển nhượng cổ phần dưới hình thức khớp lệnh qua sàn cho các nhóm cổ đông, nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với mệnh giá cổ phần. Hiện tại COMA 18 là doanh nghiệp cổ phần 100% vốn tư nhân.

Kể từ năm 2016 đến nay, ban lãnh đạo mới của COMA 18 vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn do nợ đọng cũ để lại.

Để có thêm thông tin pháp lý dành đến độc giả, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc hãng Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Người dân có thể khởi kiện

Theo Luật sư, tại Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải trả sổ hồng cho cư dân trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà và trả lại khoản tiền quỹ bảo trì cho cư dân khi Ban quản trị tòa nhà được lập nên.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc Hãng Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Đối với hành vi chậm trễ bàn giao sổ hồng thì theo quy định tại Khoản 4 – Điều 26 - Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai: Việc chậm cấp sổ hồng cho người dân Westa kéo dài hơn 12 tháng nên mức xử phạt CĐT có thể bị xử lý là 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng tùy vào số lượng hộ dân cư.

Với hành vi chậm bàn giao quỹ bảo trì, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi mà người dân có thể khởi kiện dân sự hoặc hình sự. Nếu CĐT cố ý không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, tiếp đến là hành vi chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác…thì Ban quản trị đã có căn cứ để khởi tố CĐT với cơ quan công an theo tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định: “Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Pvcombank phải chịu trách nhiệm đối với tài sản thế chấp

Luật sư Hùng cho rằng: “Các dự án đã thế chấp trước khi bán sản phẩm cho khách hàng, chủ đầu tư buộc phải giải chấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của khách hàng và ngân hàng. Việc giao dịch mua bán căn hộ tại dự án thế chấp là vi phạm pháp luật”.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm và giải quyết mọi rủi ro vì quản lý tài sản thế chấp không tốt, để chủ đầu tư bán cho khách hàng. Về bản chất, nếu như người dân đã trả toàn tiền cho chủ đầu tư thì tất yếu sẽ được sở hữu căn nhà đó mặc dù chưa có sổ đỏ.

Khoản 3 Điều 12 Luật nhà ở năm 2014:

“Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc kể từ thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư”.

Căn  cứ Khoản 3 Điều 12 Luật nhà ở năm 2014, Luật sư khẳng định: “Quyền sở hữu nhà của người dân chung cư sẽ không bị ảnh hưởng. Ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư bán mà không qua giải chấp thì ngân hàng và chủ đầu tư phải tự giải quyết với nhau. Nếu có rủi ro xảy ra, ngân hàng và chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm, còn người dân sẽ được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình".

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng chia sẻ: “Khi CĐT và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, thì chính quyền sở tại cần phải có những động thái mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để có thể bảo vệ những quyền lợi chính đáng của dân cư trên địa bàn mình quản lý”.

Bạn đang đọc bài viết COMA18 có dấu hiệu vi phạm luật hình sự tại dự án Westa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới