Thứ sáu, 29/03/2024 14:08 (GMT+7)

Con đường nên đi của rác

MTĐT -  Thứ hai, 15/11/2021 08:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhật Bản không có được một hệ thống xử lý rác thải trình độ cao chỉ trong ngày một ngày hai mà là một hành trình dài từ khi quốc gia này phát triển kinh tế thần tốc.

[E] Con đường nên đi của rác

Vừa qua, khu xử lý chất thải Nam Sơn - bãi tiếp nhận và xử lý rác chính của Hà Nội - lại một lần nữa tạm ngừng hoạt động do hồ xử lý nước rác quá tải, có nguy cơ gây sự cố môi trường nghiêm trọng. Điều này đã khiến rác được tập kết ùn ứ tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, gây mất mỹ quan và khó chịu do dân cư sống xung quanh.

Đây cũng không phải lần đầu tiên bãi Nam Sơn ngừng hoạt động dẫn đến rác ùn ứ trên đường phố thủ đô. Những năm gần đây, bãi rác này đã nhiều lần dừng hoạt động do bức xúc của người dân sống gần đó về môi trường.

[E] Con đường nên đi của rác

Thêm vào đó, sau khi hoạt động hơn 20 năm, bãi rác Nam Sơn hiện đang quá tải trong khi chưa hoàn toàn có giải pháp thay thế nhằm đáp ứng lượng rác thải phát sinh đang tăng dần qua các năm của Hà Nội.

Thực tế đó đang thúc ép giới quản lý hạ tầng môi trường phải nhanh chóng có hướng đi đúng đắn và kịp thời nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải tại Hà Nội.

Nằm trong Vịnh Tokyo, ngay gần sân bay Haneda, là một “hòn đảo” nhỏ với diện tích gần 1000 ha. Hòn đảo này thực ra là một công trình nhân tạo khổng lồ được xây dựng để xử lý và chôn lấp rác của 23 quận đặc biệt của thành phố Tokyo.

[E] Con đường nên đi của rác

Phần “đất” của hòn đảo này được làm từ tro sau khi đốt rác, rác không đốt được nghiền nhỏ và bùn thải đã qua xử lý nén chặt, sau đó được bao phủ bởi đất thật. Nhờ cách làm này, mùi rác không lan tỏa về phía Tokyo và chim chóc cũng không bay quanh đây tìm thức ăn, giống như quang cảnh thường thấy ở nhiều bãi chôn lấp lộ thiên.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản vốn là một trong những vùng đô thị với dân số và mật độ dân cư đứng đầu thế giới. Nếu chỉ tính 23 quận đặc biệt, Tokyo có dân số khoảng hơn 9,3 triệu người và mật độ khoảng 15.000 người/km2, hơn Hà Nội về dân số khoảng 1 triệu người nhưng tương đồng về mật độ.

Với mức độ đô thị hóa cao như vậy, hệ thống hạ tầng và quy trình xử lý rác thải của Tokyo cũng như ý thức về rác thải của người dân thành phố này cần phải phát triển ở mức độ cao nhằm giữ gìn vệ sinh cho thành phố cũng như đáp ứng lượng rác khổng lồ sinh ra mỗi ngày.

tm-img-alt
[E] Con đường nên đi của rác

Hệ thống xử lý rác thải của Tokyo cũng như nhiều địa phương khác của Nhật Bản bao gồm nhiều tiến bộ từ đầu đến cuối quy trình, từ thu thập, vận chuyển đến xử lý rác. Đầu tiên, mọi người dân cần phân loại rác theo quy định thành phố đặt ra, thường theo quy cách rác đốt được - rác không đốt được - rác tái chế (chai nhựa, lon kim loại, bìa các tông) - rác kích thước lớn. Túi rác được bán rộng rãi theo từng loại với kích thước cố định, do đó người thải nhiều rác sẽ cần trả nhiều tiền hơn.

[E] Con đường nên đi của rác
Quy định phân loại rác và lịch đổ rác theo từng loại được in ra chi tiết, dễ hiểu và dễ làm theo

Tiếp theo, hệ thống thu gom và vận chuyển rác cũng được nghiên cứu và cải thiện nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí. Túi đựng rác tiêu chuẩn có độ bền tương đối cao, giúp giảm rò rỉ và ô nhiễm khi lưu trữ. Các xe rác có độ nén cao và trạm trung chuyển kín hợp vệ sinh giúp việc thu gom và vận chuyển rác hiệu quả hơn cả về thời gian và chi phí.

Cuối cùng, công đoạn xử lý và chôn lấp rác thải nhằm tận dụng nhiệt và sản phẩm đốt là mắt xích cuối cùng của hệ thống. Bằng cách liên tục nghiên cứu và cải tiến hiệu suất đốt, kèm theo việc tận dụng nhiệt năng sinh ra từ đốt rác để phát điện, nhiều nhà máy đốt rác thải thế hệ mới tại Tokyo, như nhà máy công suất 200 tấn/ngày tại quận Shibuya, vừa có thể xử lý rác lại vừa sản xuất điện vận hành nhà máy và bán lại cho lưới điện.

Tại 23 quận đặc biệt của Tokyo với diện tích 619 km2, có 21 nhà máy đốt rác, 2 trung tâm xử lý và tái chế rác không đốt được và 1 trung tâm xử lý rác cỡ lớn. Công suất của các nhà máy này thường vào khoảng 600 tấn/ngày. Các nhà máy này đều phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về khí thải nhằm giảm tối đa lượng chất gây ô nhiễm, bao gồm cả dioxin sinh ra khi đốt rác.

Nhưng quá trình xử lý rác không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi thiêu hủy, tro và phụ phẩm rắn từ rác có thể được đưa đi nén và chôn lấp tại các bãi rác như Khu tiêu hủy Mới trên hòn đảo nhân tạo ngoài vịnh Tokyo, hoặc được tái sử dụng một phần trong vật liệu xây dựng như xi măng hoặc gạch lát vỉa hè.

[E] Con đường nên đi của rác

Bên cạnh cơ sở hạ tầng và quy trình thống nhất, không thể không kể đến nỗ lực giáo dục và tuyên truyền của chính phủ Nhật Bản nhằm giúp người dân quen với việc phân loại rác.

Ví dụ, tại thành phố Yokohama nằm kế bên Tokyo, một chiến dịch phổ biến kiến thức về hệ thống phân loại rác mới đã được thực hiện vào năm 2009, với 11.000 buổi học tập bao phủ 80% dân cư, 470 buổi tuyên truyền tại các ga tàu và 2.200 buổi tuyên truyền tại các trạm thu gom rác thải. Ở mỗi địa phương, quy định phân loại rác và lịch đổ rác theo từng loại được in ra chi tiết, dễ hiểu và dễ làm theo.

Một số địa phương nhất định tại Nhật Bản còn muốn nâng cao mức độ phân loại và tái chế-tái sử dụng rác thải lên một tầm cao mới. Kamikatsu, một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Tokushima với dân số chỉ khoảng hơn 1300 người, đã tiến hành phân rác thành hơn 45 loại và tái chế được khoảng 80% rác thải vào năm 2019, với mục tiêu dài hạn là “không rác thải”.

tm-img-alt
[E] Con đường nên đi của rác

Nhật Bản không có được một hệ thống xử lý rác thải trình độ cao chỉ trong ngày một ngày hai. Đó là cả một quá trình dài được bắt đầu và thúc đẩy từ những vấn đề và sự cố môi trường tồi tệ mà quốc gia này phải chịu đựng vào những năm 1960-1970, khi đang còn trong giai đoạn phát triển kinh tế thần tốc.

[E] Con đường nên đi của rác

Một trong số những vụ việc về rác thải đáng chú ý nhất diễn ra ở đảo Teshima (tỉnh Kagawa), nằm trong Biển Nội địa Seto. Vào năm 1975, một công ty xin phép chính quyền tỉnh để xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp trên đảo Teshima, nhưng bị người dân sống trên đảo phản đối. Năm 1978, hai bên cuối cùng đi đến thỏa thuận cho phép một số chất thải nhất định từ sản xuất giấy được trữ trên đảo.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 1983, người dân đảo Teshima bắt đầu phát hiện lượng lớn rác thải công nghiệp bị đem đổ trái phép lên đảo; việc này chính thức bị cảnh sát phát hiện vào năm 1990. Một cuộc điều tra môi trường vào năm 1995 phát hiện nhiều chất độc hại, bao gồm cả dioxin có trong rác thải bị đem đến Teshima. Cuối cùng, đến tận năm 2000, chính quyền tỉnh Kagawa phải chấp nhận đưa lượng rác công nghiệp lớn khoảng hơn 900.000 tấn rời Teshima đi nơi khác xử lý.

Teshima chỉ là một phần trong hệ quả rác thải sinh ra từ phát triển công nghiệp và kinh tế nói chung của Nhật Bản. Quá trình tăng trưởng thần kỳ, kèm theo đó là mức sống nâng cao và chủ nghĩa tiêu dùng đã dẫn đến việc lượng rác thải tại Nhật Bản tăng cao khi mà quốc gia này vẫn còn sử dụng một số phương thức lạc hậu để thu gom và xử lý rác.

Đối mặt với vấn đề này, Thị trưởng Tokyo Minobe Ryokichi đã tuyên chiến với rác thải vào tháng 9/1971. Kế hoạch chính của ông Minobe vào lúc đó là xây dựng các nhà máy đốt và xử lý rác ở mỗi quận của Tokyo để các quận có thể tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình, thay vì chuyển hết sang quận Koto, vốn là nơi có 2/3 số bãi xử lý rác của thành phố vào lúc đó.

Với kế hoạch này, Thị trưởng Minobe vừa muốn giải quyết vấn đề rác thải, vừa muốn thay đổi cách nhìn nhận của công chúng lúc đó về vấn đề rác và xử lý rác.

Thế nhưng, kế hoạch của ông Minobe không diễn ra trôi chảy. Cư dân quận Suginami, vốn phát triển hơn về kinh tế nhưng lại dựa vào quận Koto để xử lý rác, không muốn xây dựng nhà máy đốt rác trên quận của mình. Điều này dẫn đến phản ứng tức giận từ cư dân quận Koto - họ kiểm tra từng xe tải chở rác đi vào bãi rác số 15 tại quận này và chặn lại tất cả những xe từ Suginami, khiến các xe này phải quay đầu. Một biển hiệu tại chốt chặn ghi dòng chữ “Đem rác của Suginami quay về đi!”.

[E] Con đường nên đi của rác
Người dân quận Koto chặn những xe rác từ quận Suginami

Cuộc tranh cãi này kéo theo hiệu quả là rác bắt đầu ùn ứ trên vỉa hè ở quận Suginami. Thị trưởng Minobe đã phải can thiệp và thuyết phục cư dân quận Koto ngừng chặn xe rác, đồng thời tiếp tục thương lượng với quận Suginami về vấn đề xây nhà máy xử lý tại đây. Và ngày hôm nay, quận Suginami đã đầu tư xây dựng một nhà máy đốt rác hiện đại công suất 600 tấn/ngày để giải quyết vấn đề trên.

Câu chuyện nói trên có thể khá quen thuộc với những người nắm bắt được tình hình ở bãi rác Nam Sơn. Khi những vấn đề tại bãi rác Nam Sơn vẫn còn đó, bài toán xử lý rác thải của cả Thành phố Hà Nội vẫn chưa có một lời giải thoả đáng. Và trong tương lai, yêu cầu có quy trình xử lý rác cho Thủ đô sẽ ngày càng cấp bách hơn.

tm-img-alt
Bạn đang đọc bài viết Con đường nên đi của rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoiduatin.vn

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới