Thứ tư, 24/04/2024 20:16 (GMT+7)

Công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển

Bảo Ngọc -  Chủ nhật, 04/06/2023 11:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 3/6, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động Hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1/6 - 8/6/2023).

Chiến lược khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chiến lược có những nội dụng cơ bản sau:

Chiến lược gồm ba quan điểm cơ bản: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, khoa học công nghệ hiện đại…; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường là quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan.

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát và bốn mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học.

Chiến lược nêu rõ một số chỉ tiêu quan trọng như: Ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên…

Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tổng thế, như: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Với việc công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển và một xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Bạn đang đọc bài viết Công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.