Thứ bảy, 20/04/2024 15:46 (GMT+7)

Công bố dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII lấy ý kiến nhân dân

MTĐT -  Thứ ba, 20/10/2020 20:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 20/10, toàn bộ dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII sẽ được công bố, chính thức lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Các dự thảo văn kiện lần này gồm có: dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025;  dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trong bốn dự thảo báo cáo này, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là báo cáo trung tâm của Đại hội XIII.

Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư, thời gian công bố lấy ý kiến nhân dân với các văn kiện Đại hội XIII tiến hành từ 20.10 - 10.11.2020. Hình thức lấy ý kiến nhân dân là góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân, sinh hoạt thường kỳ của tổ chức chính trị, xã hội, các hội thảo khoa học, tọa đàm. Bên cạnh đó, người dân có mong muốn góp ý kiến cũng có thể gửi thư tới các cấp ủy Đảng các cấp, tới các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.

Ý kiến đóng góp cần tập trung vào các vấn đề lớn sau đây:

1. Đối với Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề:

- Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới.

- Tầm nhìn và định hướng phát triển: Quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

- Về sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

2. Đối với Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến đối với các vấn đề sau:

- Đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XI (2011) đã sát, đúng với tình hình chưa?

- Những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 đã đầy đủ, đúng, sát với thực tiễn chưa?

- Dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã đầy đủ chưa? Nội dung nào cần nhấn mạnh, bổ sung?

- Năm quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong thời gian tới đã thể hiện rõ, phù hợp chưa?

- Mục tiêu phát triển đề cập hai phương án, phương án nào phù hợp? Mục tiêu tổng quát đã bảo đảm tính bao quát và khả thi chưa? Việc xác định xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại trong thời gian tới? Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường nêu trong dự thảo Báo cáo đã phù hợp chưa?

- Ba đột phá chiến lược nêu trong dự thảo Báo cáo đã phản ánh những trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện trong 10 năm tới chưa, nhất là những nội hàm được bổ sung vào ba đột phá, như: phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

- Những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân…

- Những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội; các biện pháp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, chính sách tiền lương; hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng nền văn hóa, đạo đức con người Việt Nam; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ… những chủ trương, chính sách đó đã phù hợp chưa và còn vấn đề gì cần bổ sung?

- Những vấn đề nổi cộm về thực trạng và phương hướng xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; những biện pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Những nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững chưa? Những vấn đề gì đang nổi lên tại nông thôn, đô thị cần quan tâm hơn?

- Những nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước…; các vấn đề về xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.

- Nhiệm vụ, giải pháp về kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại.

- Về trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030.

3. Đối với Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đề nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các vấn đề sau:

- Đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XII (năm 2016).

- Những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã đầy đủ, đúng, sát với thực tiễn chưa?

- Bối cảnh quốc tế, khu vực và cơ hội, thách thức tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta 5 năm tới.

- Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2021 - 2025 có bảo đảm tính bao quát và khả thi? Có hai phương án, chọn phương án nào?

- Số lượng, nội dung các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường.

- Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số; (3) Phát triển các vùng và khu kinh tế; (4) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; (5) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; (7) Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; (8) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (10) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; (11) Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; (12) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

- Về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện.

4. Đối với Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII

- Về công tác xây dựng Đảng, tập trung thảo luận, cho ý kiến về: (1) Đánh giá ưu điểm, thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã nêu trong dự thảo Báo cáo, nhất là kết quả thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; (20) Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá.

- Về thi hành Điều lệ Đảng, tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhận định, đánh giá tổng quát; những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng.

Việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến nhân dân, theo hướng dẫn của Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Dân vận T.Ư sẽ tổng hợp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và gửi về Ban Chấp hành T.Ư thông qua Văn phòng T.Ư. Đối với ý kiến qua báo chí và thư, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và Ban Tuyên giáo T.Ư sẽ là đầu mối tổng hợp gửi về Ban Chấp hành T.Ư.

Việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Qua đó, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân, góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Công bố dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII lấy ý kiến nhân dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ