Thứ sáu, 19/04/2024 10:05 (GMT+7)

Công bố Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Lam Vy -  Thứ bảy, 07/01/2023 09:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 6/1, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tài nguyên nước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì buổi lễ.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, năm 2022, với 8 nhiệm vụ, 6 đề án Chính phủ giao đến nay, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã nỗ lực tập trung hoàn thành. Trong đó, đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước trình Bộ để Bộ trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) về Luật Tài nguyên nước sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi lễ công bố Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh. Internet.

Hoàn thành toàn bộ các dạng công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, hoàn thành thi công 118 lỗ khoan tại 47 vùng thuộc 10 tỉnh với lưu lượng nước đạt và vượt yêu cầu. Đồng thời, đã bàn giao toàn bộ công trình và hồ sơ công trình cho các địa phương để lập kế hoạch khai dẫn, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương, với lưu lượng nước có thể khai thác là 14.207 m3/ngày, có khả năng đáp ứng được cho 177.000 người dân.

Cùng với đó, các đơn vị quản lý tài nguyên nước cũng đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; xây dựng, hoàn thiện báo cáo tài nguyên nước quốc gia (lần đầu) trình Bộ TN&MT phê duyệt, công bố; trình Bộ TN&MT công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được đẩy mạnh. Trong năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển Thanh tra Bộ ban hành 51 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 11.400.000.000 đồng, thu lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra đối với 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Công tác tiếp nhận, trả kết quả các thủ tục hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân cũng được tích cực triển khai hiệu quả. Năm 2022, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã tiếp nhận, thẩm định 242 thủ tục hành chính; thẩm định, trình Bộ phê duyệt cho 107 công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất;...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó đặc biệt tập trung hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Hoàn thành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Thông tư hướng dẫn.

Cùng với đó, xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Lưu vực sông Đồng Nai, Hương, Mã). Đồng thời tổ chức triển khai Quy hoạch tài nguyên nước (quốc gia), các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt; cụ thể hoá và triển khai Kết luận Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu phương án hiện đại hoá mạng quang trắc tài nguyên nước quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát tài nguyên nước cho các địa phương; giám sát trực tuyến nguồn nước xuyên biên giới quan trọng như sông Mê Công, sông Đà, Lô.

Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh. Mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Từ đó hướng tới bảo vệ số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm thiểu tối đa tổn thất.

Tại Lễ công bố, đại diện các Bộ, ban ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và chúc mừng Bộ TN&MT đã xây dựng thành công và trình Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả, thống nhất Quy hoạch trong thời gian tới, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cũng đề nghị Bộ TN&MT tăng cường phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan làm tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Bạn đang đọc bài viết Công bố Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?