Thứ bảy, 20/04/2024 01:47 (GMT+7)

Công nghệ bảo tồn loài cá lớn nhất thế giới

MTĐT -  Thứ hai, 21/03/2022 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng nghìn người trên khắp thế giới đang chung tay góp sức cứu loài cá lớn nhất thế giới - cá mập voi.

tm-img-alt
Một người lặn biển đang bơi theo một con cá mập voi. (Ảnh: Nature Tripper)

Cá mập voi đang có nguy cơ tuyệt chủng, ước tính số lượng loài cá này trên toàn thế giới giảm mạnh hơn 50% trong 75 năm qua.

Mặc dù chúng được bảo vệ ở nhiều quốc gia, nhưng cá mập voi vẫn bị giết hại do ngành công nghiệp đánh bắt, với chủ ý để lấy vây (súp vây cá mập được coi là món đặc sản ở một số khu vực tại châu Á) và bị bắt tình cờ, đặc biệt là ở các khu vực đánh bắt cá ngừ nơi cá mập voi và cá ngừ bơi gần nhau. Cá mập voi cũng bị đe dọa do hoạt động khoan dầu khí, bị tàu đâm và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Để giúp bảo vệ loài cá này, nhà sinh vật biển người Australia, Brad Norman, đã đồng sáng lập The Wildbook for Whale Sharks, một cơ sở dữ liệu nhận dạng ảnh được đưa lên mạng vào năm 2003.

Các thành viên gồm người dân, các nhà khoa học và các nhà điều hành tour du lịch ngắm cá mập voi trên khắp thế giới đóng góp ảnh về cá mập voi vào hệ thống, hệ thống này sử dụng công nghệ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để lập bản đồ định vị và theo dõi chuyển động của chúng.

Đến nay, cơ sở dữ liệu này chứa hơn 70.000 tài liệu từ hơn 50 quốc gia, khiến nó trở thành một trong những dự án bảo tồn động vật lớn nhất trên thế giới.

Phiêu lưu với cá khổng lồ

Mặc dù có kích thước to lớn (cá mập voi có thể dài tới 20 mét), những “kẻ khổng lồ hiền lành” này không gây nguy hiểm cho những người bơi lội. Ăn sinh vật phù du và các sinh vật biển nhỏ bé, chúng di chuyển với tốc độ tối đa ba dặm một giờ, cho phép những người lặn biển với ống thở và các thợ lặn đến gần.

Norman đã nghiên cứu những sinh vật hấp dẫn này trong hơn 25 năm. Lần đầu tiên anh bơi cùng một con cá mập voi trong làn nước xanh màu ngọc lam của rạn san hô Ningaloo, vùng biển phía Bắc của Tây Australia. “Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Tôi sẽ không bao giờ quên”, anh nói.

Con cá mập voi đó - có biệt danh là Stumpy do có chiếc đuôi biến dạng, là mục đầu tiên trong thư viện nhận dạng ảnh mà Norman tạo ra vào năm 1995. Thư viện này sau đó được tổ chức bảo tồn ECOCEAN của Norman điều hành, đã trở thành nền tảng của The Wildbook for Whale Sharks. Theo Norman, cá Stumpy là một “vận động viên” bơi chậm, và tương đối dễ theo kịp. “Tôi gặp “anh ấy” gần như hàng năm và tôi thường nói: “Chào bạn, bạn khỏe không?”. Kể từ lần chạm trán đầu tiên đó, Norman đã bơi cùng cá mập voi hàng nghìn lần.

Công nghệ phù hợp

Norman cho biết, những hình ảnh được gửi đến The Wildbook for Whale Sharks được phân tích bằng một thuật toán quét các đốm và sọc trên da của con vật, những hình ảnh này cũng “độc nhất vô nhị” như dấu vân tay của con người. Thuật toán xác định cá mập bằng cách tìm kiếm cơ sở dữ liệu để tìm một mẫu phù hợp.

Được điều chỉnh từ công nghệ lần đầu tiên được phát triển cho chương trình Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA, công cụ thuật toán này có hiệu quả đối với cá mập voi vì các vết đốm trên da chúng tạo thành các hình tương tự như các ngôi sao trên bầu trời đêm.

Norman cho biết, dữ liệu về vị trí của cá mập voi và các tuyến đường di chuyển của chúng góp phần tạo ra các quyết định về chiến lược quản lý để bảo vệ môi trường sống của loài cá này.

Giảm thiểu tác động

Norman khuyến khích bất kỳ ai có cơ hội hãy bơi cùng cá mập voi. Nhưng nhiều tàu thuyền và thợ lặn ở các khu vực cá mập voi sinh sống có thể là vấn đề. Norman cảnh báo rằng tác động đến cá mập phải được giảm thiểu.

Ở Tây Australia, các nhà điều hành tour du lịch ngắm cá mập voi được quản lý chặt chẽ với giới hạn về số lượng người và tàu được cấp phép. Tuy nhiên, các quy định và thực thi lại yếu hơn ở những nơi khác.

Ở Maldives, cá mập voi là một nguồn thu hút du khách nhưng các hướng dẫn của chính phủ nhằm bảo vệ chúng khỏi bị quấy rối lại thường xuyên bị vi phạm. Điều này có thể gây căng thẳng cho lũ cá, trong khi chấn thương do va chạm với tàu thuyền có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng bơi đường dài của chúng.

Cá mập voi ở Philippines thường xuyên được cho ăn để thu hút chúng đến những nơi du khách có thể dễ dàng nhìn ngắm. Điều này có thể thay đổi hình thức lặn và sự trao đổi chất của cá mập, trong khi số vết sẹo nhiều cho thấy sự va chạm của chúng với tàu thuyền tăng lên. Nhiều người tham gia các hoạt động du lịch và cho cá ăn cũng có thể dẫn đến suy thoái các rạn san hô.

Nhưng nếu du lịch ngắm cá mập voi được thực hiện một cách có trách nhiệm, thì nó có thể giúp cứu loài này. Norman hy vọng sẽ thấy nhiều dữ liệu được thu thập trên khắp thế giới, lấp đầy khoảng trống thông tin và tăng cường các nỗ lực bảo tồn.

Norman đang tìm kiếm thứ mà anh gọi là “Chén thánh” - nơi cá mập voi đi giao phối. Bảo vệ nơi sinh sản của chúng là “một việc lớn” cần thiết để cứu loài này về lâu dài, anh nói. Sự giúp đỡ của hàng nghìn “nhà khoa học nhân dân” mang lại cho anh cơ hội tốt hơn để biến điều đó thành hiện thực.

Cá mập voi (Rhincodon typus) là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp Cá sụn (Chondrichthyes). Loài cá này nắm giữ nhiều kỷ lục về kích thước, tiêu biểu nhất là danh hiệu “động vật có xương sống không phải thú lớn nhất còn tồn tại”. Ước tính tuổi thọ của loài cá này là từ 80-130 năm. Cá mập voi có miệng rất rộng và có khả năng lọc thức ăn, chúng chỉ ăn sinh vật phù du và cá nhỏ, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với con người.

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ bảo tồn loài cá lớn nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baoquocte

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...