Thứ ba, 23/04/2024 17:08 (GMT+7)

Công nghệ lò đốt chất thải rắn NFI-05

MTĐT -  Thứ năm, 28/12/2017 11:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với công nghệ lò đốt NFI-05, mặc dù công suất nhỏ, lượng rác xử lý chưa nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân song đã phần nào làm yên tâm hơn mối lo ngại về tốc độ phát triển của rác thải sinh hoạt.

Đình Bảng là một trong những phường trung tâm của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có kinh tế phát triển, dân cư đông đúc, với diện tích tự nhiên 826,74ha, trên 5.000 hộ dân và hơn 18.000 nhân khẩu, được phân bổ ở 16 khu phố; có hai khu công nghiệp chính là Lỗ Sung và Mả Ông với  gần 120 doanh nghiệp lớn nhỏ thu hút hàng nghìn lao động của địa phương và nơi khác về làm ăn sinh sống; có 8 trường học lớn nhỏ và 4 cơ sở giáo dục mầm non tư thục; có 4 điểm chợ dân sinh, nhiều nhà hàng, quán ăn hoạt động thường xuyên cả ngày và tối. Nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân rất lớn, vì vậy lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất nhiều, xấp xỉ 18 tấn/ngày.

Từ năm 2008 đến 2013, Công ty môi trường đô thị Từ Sơn là đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt của phường Đình Bảng đến các bãi rác tập trung của tỉnh Bắc Ninh để chôn lấp. Những bãi rác tập trung nhanh chóng trở thành những dãy núi cao ngất, bốc mùi và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị, tháng 12 năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho đóng cửa các bãi rác tập trung này để xử lý và đồng thời cung cấp cho mỗi huyện, thị xã một lò đốt rác thải sinh hoạt để cho các đơn vị xây dựng, lắp đặt xử lý rác tạm thời. Phường Đình Bảng là đơn vị cấp xã duy nhất trong toàn tỉnh đã mạnh dạn nhận lắp đặt lò đốt rác về địa phương và trực tiếp điều hành việc thu gom, xử lý rác sinh hoạt của nhân dân trong phường.

Với công nghệ lò đốt NFI-05, mặc dù công suất nhỏ, lượng rác xử lý chưa nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân song đã phần nào làm yên tâm hơn mối lo ngại về tốc độ phát triển của rác hàng ngày được thải ra trên địa bàn.

Hiện nay các đơn vị đều rất khó khăn trong việc bố trí, xác định vị trí để làm bãi rác tạm hoặc khu vực chôn lấp rác thải dân sinh vì nguồn quỹ đất không có hoặc không bố trí được do nhân dân không đồng tình với chủ trương xây dựng các điểm xử lý rác. Một phần do kinh phí còn gặp khó khăn nên việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác chưa thể thực hiện sớm được. Việc lắp đặt lò đốt NFI-05 đang là giải pháp tạm thời trước mắt và hết sức cần thiết đối với nhân dân phường Đình Bảng. 

Tháng 2 năm 2014, lò đốt rác tại phường Đình Bảng đã đi vào hoạt động. Bước đầu công tác quản lý điều hành gặp rất nhiều khó khăn song với sự cố gắng của tập thể đồng lòng quyết tâm thực hiện giải quyết vấn đề bức xúc nhất trong nhân dân, công tác thu gom xử lý rác thải đã dần biến chuyển và đi vào ổn định. Với công suất hiện tại của lò đốt rác tại khu xử lý hoạt động 24/24 giờ đã xử lý được khoảng 60-70% lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày tại địa phương. Số còn lại vẫn phải mang chôn lấp và đổ vào bãi rác tập trung tạm thời của phường. Khối lượng chất thải không đốt được phải mang chôn lấp chiếm tới gần 1/3 lượng rác thu gom hàng ngày. Thiết nghĩ, nếu cứ tiếp diễn tình trạng rác thải phát sinh như hiện nay mà không có phương thức, có biện pháp hữu hiệu thì tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra là hết sức nguy hiểm; ốm đau, bệnh tật….dẫn đến nguy cơ đói nghèo, gánh nặng cho mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội.

Với những trăn trở như vậy, cùng với sự phát sinh về rác thải hiện nay, UBND phường đã tích cực làm tốt vai trò, chức năng quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là việc tổ chức, duy trì vận hành lò đốt chất  thải sinh hoạt NFI 05 do tỉnh hỗ trợ đầu tư nhằm xử lý trước mắt, tạm thời lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bằng các biện pháp cụ thể như sau:

Một là: Đổi mới công tác quản lý. Bố trí cán bộ quản lý có trình độ, năng lực quản lý, điều hành, kịp thời nắm bắt thông tin, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng và những đề xuất của lực lượng nhân viên đi thu gom trực tiếp và lực lượng lao động phân loại, xử lý dưới khu vực lò đốt. Quản lý chặt chẽ, điều hành sát sao việc thực hiện giờ giấc làm việc, khai thác tối đa công suất của lò đốt. Cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm cao, chỉ đạo khoa học và giám sát tốt việc thực hiện của bộ máy thu gom, xử lý, có kế hoạch sắp xếp, bố trí phân công nhiệm vụ một cách hợp lý, giải quyết những tình huống cụ thể và báo cáo đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời.

Hai là: Thành lập Ban chỉ đạo tổ chức phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường gồm các thành viên: đại diện UBND phường - đồng chí phó chủ tịch phụ trách làm trưởng ban, các thành viên gồm các cán bộ: phụ trách môi trường; Văn hoá; Văn phòng; Tài chính; Giao thông - XD; đài truyền thanh; đại diện MTTQ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân và 16 ông trưởng khu phố. Mỗi thành viên Ban chỉ đạo đều phải có trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các khu phố được phân công phụ trách đồng thời đôn đốc, nhắc nhở lực lượng thu gom ở cơ sở tiến hành thu gom đảm bảo yêu cầu theo quy định đặt ra.

- Chỉ đạo lực lượng thu gom nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn, cương quyết không thu gom đối với những hộ gia đình cố tình không chấp hành việc phân loại.

- Chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc phân loại, có biện pháp để giáo dục các em học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường góp phần xây dựng ngôi trường xanh, sạch, đẹp, tạo dựng cho các em thói quen phân loại rác thải, bảo vệ môi trường sống và tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế đối với những vật dụng có thể tái chế được.

Ba là: Có biện pháp, hướng dẫn cho các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học...thực hiện công tác phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn. Rác trước khi được đem xử lý cần được phân loại ngay từ nơi phát sinh.

Bốn là: Giao cho cán bộ phụ trách môi trường xác định khối lượng rác thải thực tế và dự kiến khối lượng cần chôn lấp. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sử dụng lò đốt, kịp thời tham mưu cho UBND phường biện pháp khắc phục, sửa chữa khi lò bị hư hỏng và đề xuất phương án cải tạo, khôi phục, mở rộng phạm vi chôn lấp rác thải không đốt được đảm bảo hợp lý. Sau gần 4 năm hoạt động liên tục đến nay lò đốt rác NFI05 đã bị xuống cấp, UBND phường đã phải cho thay thế một số bộ phận do quá trình sử dụng bị hỏng nặng như cột ống khói, cửa lò, tấm chắn chịu nhiệt…. Do là hàng nhập ngoại nên các thiết bị thay thế bị phụ thuộc rất khó khăn trong việc khắc phục.

Năm là: Giao cho cán bộ văn hoá thông tin và đài truyền thanh: Tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương về kế hoạch và hướng dẫn phân loại rác thải trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ với các khu phố để kịp thời thông tin biểu dương các tập thể, các gia đình chấp hành tốt, phê phán các tập thể, cá nhân, hộ gia đình không thực hiện hoặc cố tình không chấp hành, xả rác bừa bãi ra lòng, lề đường, vỉa hè và nơi công cộng gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.

Sáu là: Giao cho đội quản lý trật tự đô thị của phường bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, theo dõi, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, các trường hợp đổ rác thải bừa bãi không đúng nơi quy định. Xử phạt thật nặng và yêu cầu khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Bảy là: Đảm bảo chăm lo chế độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng thu gom, xử lý hàng ngày. Quan tâm, bồi dưỡng động viên kịp thời. Cần chi trả chế độ, tiền công một cách thỏa đáng. Có thể xem xét mua Bảo hiểm y tế, một phần bảo hiểm xã hội tự nguyện để đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng thu gom, xử lý yên tâm làm việc, yêu nghề, gắn bó với công việc của mình hơn.

Tám là: Không ngừng nâng cao công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về vấn đề phòng, chống gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng quy chế làm việc và quy chế phối hợp giữa Ban quản lý nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường với các khu phố. Có đánh giá, kiểm điểm hàng quý, hàng năm để kịp thời khen thưởng những thành viên tích cực, những khu phố phối hợp quản lý chặt chẽ mang lại hiệu quả thiết thực đồng thời phê phán những cá nhân và tập thể chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu nhiệt tình trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của địa phương.

Chín là: UBND phường không ngừng nêu cao trách nhiệm quản lý và duy trì vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt thông qua việc tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Như vậy, có thể khẳng định rằng việc giữ gìn vệ sinh môi trường là hết sức cần thiết. Việc duy trì vận hành lò đốt chất thải sinh hoạt NFI05 trong thời điểm hiện tại là hết sức quan trọng khi nhà nước chưa có những giải pháp hữu hiệu, chưa có những nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quy mô và ý thức của con người còn nhiều hạn chế. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Đình Bảng nói riêng sẽ ngày càng đông hơn, chật hơn, những khoảng không gian gần với thiên nhiên bị giảm đi trong khi nhu cầu sống của con người ngày một tăng lên. Giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt là đã góp phần mở rộng không gian sống, cải thiện môi trường sống cho người dân đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cho toàn thế giới. Sức khỏe con người của một đất nước sẽ quyết định đến sự phát triển của cả quốc gia. Đảm bảo sức khỏe cho con người đó là nhiệm vụ, là mục tiêu của cộng đồng và toàn xã hội.

Cao Thị Hồng Liên

(Phường Đình Bảng, TX Từ Sơn)

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ lò đốt chất thải rắn NFI-05. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới