Thứ tư, 17/04/2024 05:25 (GMT+7)

Công nghệ mRNA chế tạo vắc-xin Covid-19 - Ứng viên sáng giá Giải Nobel 2021

Tú Anh -  Thứ bảy, 02/10/2021 12:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những người tiên phong trong ứng dụng công nghệ mRNA tạo ra các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Nobel Y học hoặc Hoá học năm 2021.

Đó là hai nhà khoa học nổi tiếng trên toàn thế giới trong thời gian vừa qua - Katalin Kariko từ Hungary và Drew Weissman của Mỹ. Kariko và Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ".

Công nghệ mRNA chế tạo vắc-xin Covid-19 - Ứng viên giải Nobel Y học 2021
Hai nhà nghiên cứu Drew Weissman (trái) và Katalin Karikó, những chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn liên quan đến đột phá trong khoa học đời sống, bao gồm vắc xin Covid-19 mRNA. Ảnh: Penn Medicine

Vắc-xin mRNA Covid-19 giúp các tế bào của cơ thể tạo ra một loại protein vô hại có chức năng bắt đầu quá trình đáp ứng miễn dịch. Quá trình đáp ứng này sản xuất ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể khi phơi nhiễm với vi-rút Covid-19. Những vaccine phòng ngừa Covid-19 được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,8 triệu người.

Cả hai vắc-xin Covid-19 của Moderna và Pfizer/BionTech cho thấy đạt hiệu quả phòng bệnh tương đương với một số loại vắc-xin đã có trước đây (được bào chế theo công nghệ "truyền thống"), nhưng thời gian bào chế của chúng đã được rút ngắn tới mức kỷ lục vì nó tận dụng bộ máy phân tử của chính cơ thể con người. Về cơ bản nó sẽ "dạy" cho các tế bào cơ thể cách tạo ra một protein tương tự như protein tìm thấy trong virus mầm bệnh, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch cho con người.

Trong bài đăng trên tạp chí Nature Reviews Immunology từ tháng 11-2019, hai chuyên gia Anthony Fauci và John Mascola của Viện Dị ứng và các bệnh nhiễm quốc gia Mỹ nhận định: "Vắc-xin mRNA có tiềm năng trở thành nền tảng bào chế vắcxin nhanh và linh hoạt. Bắt nguồn từ giải trình tự gen, các vắcxin mRNA có thể sản xuất chỉ trong vài tuần". Công nghệ mRNA được cho không chỉ giúp nhân loại ứng phó với COVID-19 và các đại dịch về sau, mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lễ trao giải Nobel năm 2020 cũng đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Theo thông báo ngày 23-9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ. Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.

Giải Nobel Y học 2021 sẽ được công bố vào ngày 4/10, mở đầu mùa giải Nobel năm nay, tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý, Hoá học, Văn học và Hoà bình. Nobel Kinh tế sẽ được trao cuối cùng vào ngày 11/10.

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ mRNA chế tạo vắc-xin Covid-19 - Ứng viên sáng giá Giải Nobel 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.