Thứ năm, 18/04/2024 12:31 (GMT+7)

Công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội phát triển sát thực tế

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ bảy, 27/11/2021 10:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nghiệp hỗ trợ đuợc xác định là một trong những lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều khó khăn, thách thức

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhât là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Là đơn vị sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và thương mại BPV Việt Nam (Cụm công nghiệp Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm) Đỗ Quang Vinh cho biết, riêng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chi phí của công ty tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với đó, chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị đứt gãy, gây khó khăn cho sản xuất. Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Quang thông tin, nhu cầu của thị trường giảm buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2021, chưa kể khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay ngân hàng...

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số doanh nghiệp thuộc HANSIBA đã bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất. Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân cho biết, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Canon, Toyota, Ford... Đại diện Công ty cổ phần TOMECO An Khang (huyện Quốc Oai) cho biết, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai những dự án mới của doanh nghiệp.

 Trong khi đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hơn những điểm yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là nội lực sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất. Do phải nhập nguyên liệu nên giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa đạt thấp.

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những hạn chế về nguồn lực. Ví dụ, vẫn còn thiếu các chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Một số chính sách tuy đã được ban hành, nhưng vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thúc đẩy phát triển 3 lĩnh vực chủ chốt

Đồng hành với các doanh nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn công tác tìm hiểu, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Theo Phó Giám đôc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, Hà Nội đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư..., đồng thời kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc “Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư... giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế của Hà Nội, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày. Năm 2021, trong 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11%...

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động nội khối, cùng nhau sản xuất - cùng nhau cung ứng - hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dân sinh, đa dạng trong nhiều lĩnh vực và trọng tâm là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ mới sử dụng năng lượng thân thiện môi trường với mục tiêu tham gia liên kết sẵn xuất tại chuỗi các khu công nghiệp chuyên sâu ngành công nghiệp hỗ trợ thế hệ mới do Tập đoàn N&G - đơn vị sáng lập HANSIBA phát triển tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Ngoài ra, HANSIBA sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục gắn kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm thiểu, nhập khẩu linh kiện, đồng thời hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi, kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ, để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có thêm sức mạnh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới

Kết nối và lan tỏa

Công nghiệp hỗ trợ chuyên cung ứng các sản phẩm, linh kiện là đầu vào cho công nghiệp cụm công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, có thể coi đây là “mắt xích” quan trọng kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo ra việc làm, giá trị kinh tế lớn, đồng thời tiêp thu và lan tỏa công nghệ, phương pháp quản trị tiên tiến.

Theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn đang tham gia cung ứng linh kiện cho chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, do chủ yếu có quy mô nhỏ, thiếu năng lực tài chính nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao của chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên nhiều lĩnh vực sản xuất là thế mạnh của Việt Nam, như: Dệt may, da giày... chưa tự chủ được đầu vào. Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp đứt gãy sản xuất, lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2021 này, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%... Định hướng trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước.

Để thực hiện điều đó, trước hết, các cấp, ngành của thành phố cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh liên kết, cung ứng trong Vùng Thủ đô. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất với chi phí cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có những đột phá, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, như tư vấn, đào tạo về quản trị, nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu...

Trong bối cảnh dịch Coviđ-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành của thành phố đã luôn đồng hành với doanh nghiệp, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, lưu thông hàng hóa... Song, một trong những giải pháp quan trọng là việc nhất quán chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Về phía các doanh nghiệp, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bảo vệ sản xuất là nhiệm vụ trước mất; xây dựng kế họạch đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu sản phẩm mới là nhiệm vụ lâu dài. Thực tế, dịch Covid-19 gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng mang đến cơ hội khi chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu dịch chuyển, mà Việt Nam là một trong những điểm đến. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ nhau cùng sản xuất, cùng đa dạng sản phẩm, cùng hình thành chuỗi sản xuất trong nước chuyên sâu gắn kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo ra sức mạnh, phát huy vai trò kết nối và lan tỏa của công nghiệp hỗ trợ

Tài liệu tham khảo:

  1. Thanh Hải “Công nghệ hỗ trợ của Hà Nội phải phát triển sát thực tế”. HNM 25/11/2021.
  2. Gia Khánh“Luận bàn và hành động kết nối và lan toả” .

Bạn đang đọc bài viết Công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội phát triển sát thực tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.