Thứ năm, 25/04/2024 22:36 (GMT+7)

Công nhận cửa võng đình Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang là bảo vật quốc gia

Diệp Anh -  Thứ sáu, 25/03/2022 09:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 24-3, UBND xã Vân Hà, huyện Việt Yên ,Bắc Giang tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận cửa võng đình Thổ Hà là bảo vật quốc gia.

Đình làng Thổ Hà là công trình có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, đẹp và bề thế, có quy mô lớn, được xây dựng vào năm Ất Sửu (1685) dưới thời vua Lê Hy Tông. Công trình này là không gian văn hóa, tâm linh của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng của thời Lê Trung Hưng.

Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử về nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua nhiều chủ đề đa dạng và đặc sắc. Trong đó đặc biệt phải kể đến bức cửa võng được tạo tác vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692).

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cửa Võng, đình Thổ Hà, làng Thổ Hà, bảo vật quốc gia, xã Vân Hà, huyện Việt Yên
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Thân Văn Thuần trao Quyết định công nhận cửa võng đình Thổ Hà là bảo vật quốc gia cho cán bộ, nhân dân thôn Thổ Hà.

Đây là một kiệt tác có giá trị tiêu biểu nhất cho nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ XVII với chất liệu gỗ sơn son thếp vàng và gốm sành. Tác phẩm này cũng minh chứng cho tài năng, sự khéo léo của các nghệ nhân đương thời và cũng là nơi ghi dấu ấn rõ nét nhất của kỹ thuật làm gốm cổ truyền của làng Thổ Hà.

Cửa võng với chức năng để ngăn cách không gian tâm linh, đồng thời tạo điểm nhấn trang trọng, linh thiêng ở vị trí trung tâm trước tòa hậu cung của ngôi đình. Về mặt kỹ thuật chạm khắc, cửa võng đình Thổ Hà có sự kết hợp của chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian ngay trên một khối gỗ ở ngay trong một đề tài tác phẩm. Các nghệ nhân dân gian xưa gửi gắm vào từng mảng trang trí, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng nhưng vô cùng tinh tế.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cửa Võng, đình Thổ Hà, làng Thổ Hà, bảo vật quốc gia, xã Vân Hà, huyện Việt Yên
Cửa võng đình Thổ Hà.

Cửa võng đình Thổ Hà là hiện vật gốc, độc bản, là một trong những cửa võng có tính thẩm mỹ cao nhất hiện nay. Trải qua hơn 300 năm lịch sử nhưng những mảng trang trí chạm khắc vẫn còn nguyên vẹn, được chính quyền và nhân dân địa phương coi như một báu vật và luôn trân trọng bảo vệ, giữ gìn.

Với những giá trị độc đáo, đặc biệt đó, ngày 31/12/2020, cửa võng đình Thổ Hà đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân làng Thổ Hà mà còn là niềm tự hào của người dân tỉnh Bắc Giang đối với di sản văn hóa của tỉnh.

Một vài nét về Đình Thổ Hà

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam và được xếp hạng là di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, trải qua hàng ngàn năm, làng Thổ Hà vẫn còn lưu giữ trong mình nét trầm mặc của những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc - nét đẹp cổ kính của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo. Điều đặc biệt không thể không kể đến đó là công trình kiến trúc cổ đình Thổ Hà được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII.

Đình làng Thổ Hà. Ảnh: Thủy Tiên

Đình làng Thổ Hà. Ảnh: TT

Đình Thổ Hà gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân. Theo Thần tích của làng, ông là người phương Bắc, sống vào thời An Dương Vương, họ Lý, tên Đam (còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc. 

Đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685. Đình được khởi dựng vào đời Lê Hy Tông trên khu đất rộng 3.000m2 có nhiều cây cổ thụ xung quanh.

Đình Thổ Hà năm 1930. Ảnh sưu tầm

Đình Thổ Hà năm 1930

Đình Thổ Hà hiện gồm ba nếp nhà là Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Tiền tế nằm song song với Đại đình, cách Đại đình một khoảng nhỏ. Đại đình nối với Hậu cung bằng một gian Ống muống tạo thành hình chữ Công.

Tiền tế làm theo kiểu bốn mái cong, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải gắn hộp hình hoa chanh. Tiền tế gồm 3 gian 2 chái. Bộ khung kết cấu bởi 4 hàng cột. Thân cột được làm nhỏ mảnh. Hai vì nóc gian giữa làm theo kiểu giá chiêng, hai vì nóc gian bên làm theo kiểu chồng rường. Vì nách gian giữa làm theo kiểu kẻ ngồi, dưới kẻ có bẩy đua ra đỡ mái hiên. Vì nách hai gian chái làm theo kiểu chồng rường.

Bộ khung cột kiên cố xung quanh gian chính của đình. Ảnh: Thủy Tiên

Bộ khung cột kiên cố xung quanh gian chính của đình. Ảnh: Thủy Tiên

Đại Đình gồm 5 gian 2 chái, thành phần chịu lực chính là bộ khung gỗ gồm 48 chiếc cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân, 24 cột hiên. Liên kết ngang của 3 gian giữa là 4 bộ vì. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng. Vì nách làm theo kiểu cốn chồng rường. Dọc theo lòng nhà có ba hàng xà kép: xà thượng, xà trung và xà hạ. Giữa các hàng xà được bưng ván gió. Để mở rộng lòng công trình các nghệ nhân thời xưa đã đặt hai bộ vì lửng ở hai gian bên. Trên xà đùi nối các cột cái và cột quân gian bên ở hai hồi người ta đặt cột trốn rồi gác bộ vì lên trên cột trốn. Vì này làm theo kiểu chồng rường. Các con rường được xếp chống lên nhau qua các đấu và được chạm trổ.

Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ. Ảnh Thủy Tiên

Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ. Ảnh Thủy Tiên

Hậu cung gồm 3 gian kiến trúc khá đơn giản. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng, cấu tạo bộ vì giống với bộ vì của gian Tiền tế. Trên các cấu kiện của Hậu cung không có hình trang trí. Hậu cung làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”, hai hồi đắp hình Hổ phù, bờ dải làm theo kiểu “long đình”. Đây là lối kiến trúc có niên đại muộn, phổ biến vào cuối thế kỷ XIX./.

Bạn đang đọc bài viết Công nhận cửa võng đình Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang là bảo vật quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.