Thứ sáu, 26/04/2024 05:29 (GMT+7)

Công nhân môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao, riêng Cty Môi trường đô thị TP.HCM 210ca

Hạ Vân -  Thứ hai, 11/10/2021 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tuy không phải lực lượng tuyến đầu, nhưng những công nhân thu gom rác thải phải thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với môi trường độc hại, với người dân ở các khu cách ly, phong tỏa nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất cao.

tm-img-alt
Công nhân môi trường làm việc tại các khu cách ly, Bệnh viện điều trị Covid-19. (Ảnh minh hoạ)

Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, việc thu dọn rác thải sinh hoạt vẫn được các đơn vị vệ sinh môi trường duy trì hằng ngày, không để rác thải tồn đọng tại đường phố, khu dân cư. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với phòng dịch không chỉ giữ sạch, đẹp cho phố phường, mà còn góp phần ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 phát tán, lây lan.

Công việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải tưởng như rất đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả và cả những nguy hiểm luôn cận kề. Họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các loại chất bẩn như thức ăn ôi thiu, những vật dụng chứa nguồn bệnh, kim loại sắc nhọn… những tác nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người ai nấy đều mang khẩu trang để tránh bị lây nhiễm, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chính vì thế mà lượng rác thải, trong đó có khẩu trang y tế dùng một lần rồi bỏ đi ngày càng tăng.

Một công nhân vệ sinh thu gom rác thải tại quận Tân Bình chia sẽ: "Lúc trước mỗi ngày thu gom rác nhìn thấy những chiếc khẩu trang là rất bình thường, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi ngoài đường cũng khiến nhiều người và cả chúng tôi ái ngại vì không biết những chiếc khẩu trang đó có lưu lại mầm bệnh hay không. Do đó, hy vọng mọi người có ý thức hơn trong việc vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định, để chúng tôi đỡ vất vả và giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh trong mùa dịch",

“Làm nghề này rất vất vả, ngày nào cũng tiếp xúc với nhiều nguồn gây bệnh từ rác thải, giờ lại thêm dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi càng lo hơn. Lúc trước, những lúc làm việc có mệt là tháo khẩu trang ra, uống ngụm nước ở đâu cũng được, nhưng giờ thì khác, muốn uống nước chúng tôi phải rửa tay sát khuẩn rồi mới dám gỡ khẩu trang ra uống nước và luôn thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”, một công nhân vệ sinh khác cho biết thêm.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM là đơn vị chủ lực xử lý lượng lớn rác thải phát sinh từ hầu hết cơ sở cách ly, điều trị COVID-19 tại TP.HCM. Mặc cho dịch bệnh căng thẳng, ra đường rất dễ lây nhiễm, nhất là với những người làm việc thu gom rác các khu cách ly, bệnh viện dã chiến nhưng trong thời gian qua, đội ngũ công nhân của công ty vẫn luôn duy trì 100% quân số để thu gom, vận chuyển, xử lý loại rác thải nguy hại này.

Tổng số công nhân làm việc ở Công ty Môi trường đô thị hiện nay khoảng 1.900 người, có 600 người thu gom xử lý rác thải liên quan COVID-19 và 400 người phụ trách hỏa táng bệnh nhân qua đời. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, nhưng ai cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Ngoài công tác thu gom, việc xử lý, tiêu hủy rác cũng đối mặt không ít áp lực và nguy hiểm. Tại các lò đốt rác y tế, với nền nhiệt cao lên tới 1.000oC, sức nóng tỏa ra bên ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của công nhân. Không ít người đã ngất xỉu khi đang làm việc do phải thao tác vận hành máy móc liên tục suốt 12 tiếng mỗi ngày trong trang phục bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nguy cơ cũng như số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, đã có 210 công nhân vệ sinh môi trường không may phơi nhiễm COVID-19. Trong số đó, đã có công nhân qua đời, để lại 2 đứa con chưa đến tuổi trưởng thành.

"Suốt thời gian qua, anh em công nhân chưa khi nào nề hà nặng nhọc, luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ trên mỗi tuyến đường. Để động viên những công nhân không may bị lây nhiễm, Công đoàn công ty đã hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng. Đối với trường hợp qua đời do COVID-19, chúng tôi cũng hỗ trợ gia đình, lo cho 2 đứa trẻ cho đến khi trưởng thành" - ông Nhựt chia sẻ.

Thiết nghĩ, là những người trực tiếp thu gom rác hàng ngày trên phố phường và đặc biệt là ở các gia đình có người bị cách ly, đặc biệt là ở các khu cách ly tập trung, công nhân vệ sinh môi trường là những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao. Do đó các cấp ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa cho những công nhân môi trường để họ yên tâm làm việc.

Đồng thời, cũng nhằm chia sẻ những nhọc nhằn, vất vả với những công nhân vệ sinh môi trường, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường chung, vứt bỏ rác thải, nhất là khẩu trang y tế đã qua sử dụng đúng nơi quy định nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao, riêng Cty Môi trường đô thị TP.HCM 210ca. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Công nhân môi trường bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết
Khác với những công việc khác, công nhân môi trường đô thị bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết vì khối lượng công việc phát sinh rất nhiều. Vất vả và khó khăn, song họ vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngày Xuân, tiếng chổi tre xào xạc…
5 giờ sáng những ngày cuối năm, Hà Nội vẫn còn chìm trong màn sương mù lạnh giá, tôi chợt thức giấc vì những tiếng chổi tre. Phải lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại âm thanh vừa lạ vừa quen này…

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.