Công nhân nhà máy rác - Nghề đặc biệt, lặng thầm cống hiến
Với môi trường làm việc đặc biệt, các công nhân ở nhà máy xử lý rác thải luôn cần mẫn để làm sạch môi trường, biến rác thành những sản phẩm hữu dụng.
Những xe rác hàng chục tấn đều đặn ra vào nhà máy. Mùi rác mới có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu, nhưng với thời gian gần 5 năm làm việc tại đây, ông Huỳnh Văn Trúc vẫn cảm thấy bình thường. Ngày qua ngày, ông Trúc cần mẫn làm việc, thoăn thoắt cào từng mớ rác, phun chất vi sinh rồi ủ rác theo quy trình xử lý.
Mỗi ngày, nhà máy xử lý từ 40 – 50 tấn rác thải sinh hoạt. Khối lượng rác tăng nhanh qua từng năm, đồng nghĩa công việc của công nhân của các nhà máy xử lý rác cũng nhiều lên theo năm tháng. Một số công đoạn xử lý phải thực hiện bằng tay, một số công đoạn được cơ giới hóa. Điều đặc biệt, các công nhân tại đây có thể đảm đương nhiều công việc theo yêu cầu.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 11 trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt; 5 bãi chôn lấp rác thải đang hoạt động; chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp tại các bãi chôn lấp chiếm tỉ lệ hơn 90%. Duy nhất nhà máy xử lý rác Thạnh Phú với công nghệ ủ vi sinh, giúp khử mùi, vừa hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Những công nhân tại đây không chỉ giúp xử lý rác, bảo vệ môi trường mà họ còn giúp tạo ra những sản phẩm hữu cơ ứng dụng vào nông nghiệp như đất và dung dịch dinh dưỡng. Để giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an lành, mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, quan tâm phân loại rác tại nguồn, qua đó góp phần giúp công nhân của các nhà máy xử lý rác đỡ vất vả.
Theo quochoitv.vn