Thứ sáu, 19/04/2024 10:36 (GMT+7)

Công nhân thoát nước oằn mình giữa ngổn ngang rác thải

MTĐT -  Thứ năm, 02/07/2020 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công việc của công nhân thoát nước hàng ngày dầm mình giữa lòng cống ngầm, lòng mương để khơi thông dòng chảy, giữ sạch môi trường.

Ngày đêm vất vả trong môi trường độc hại

Công việc của công nhân thoát nước bắt đầu ở nơi mặt đường và trước miệng các hố ga quen thuộc. Họ dầm mình hàng giờ đồng hồ giữa lòng cống ngầm, lòng mương tích tụ hàng tấn rác thải trong đó có nhiều chất thải hóa học động hại, rác thải công nghiệp, y tế, xác động vật,... Thời gian làm việc bắt đầu từ sáng sớm cho đến đêm khuya, bất kể nắng mưa, bão lũ, công nhân luôn có mặt tại mọi tuyến đường Hà Nội để thực hiện công việc.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội bắt đầu ngày làm việc tại công viên Thành Công.
Dưới thời tiết nắng nóng, công nhân bơm hút bùn đất tại hố ga thoát nước đoạn đường Phan Kế Bính – Nguyễn Văn Ngọc
Tại đoạn mương Nam Trung Yên, công nhân tiến hành nạo vét sông.

Công việc nặng nhọc và độc hại khiến cho những công nhân luôn đối mặt với hiểm nguy từ tai nạn lao động.

Mồ hôi chảy thành hàng trên gò má của ông Phạm Doanh Khoa sau giờ làm.

Trong ký ức của ông Phạm Doanh Khoa (Tổ trưởng Tổ duy trì số 5 – Xí nghiệp thoát nước số 4 - Công ty Thoát nước Hà Nội) – người đã có 32 năm làm nghề, nhiều năm về trước, có những người anh, người bác công nhân đã ra đi khi chưa kịp cầm sổ hưu...

Trước năm 2008, rất nhiều người coi thường nghề này, thậm chí họ đi qua chỗ chúng tôi làm và thể hiện thái độ rằng chúng tôi là cái gì đó rất bẩn thỉu. Với nhiều người thông cảm thì không sao, nhưng gặp những người chê bai, công nhân có nhiều lúc chạnh lòng”, ông Khoa chia sẻ.

Sau trận lũ lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội ngập trong biển nước. Đến lúc đó, với công việc khơi thông thoát nước, người dân mới nhìn nhận đúng hơn, coi trọng người công nhân hơn. “Vào những khu lao động, họ thấu hiểu việc mình làm, có những người dân đun nước cho công nhân tắm khi trời rét chúng tôi lội từ cống lên, trời nắng họ pha nước chanh cho uống. Cũng có những nơi xin nước họ không cho vì nghĩ chúng tôi đụng vào thì bẩn. Nhiều khi nghĩ công việc vất vả, khi mình cần sự giúp đỡ một số người quay lưng lại, tôi cũng thấy tủi...”, ông Khoa nhớ lại.

Trận lũ lịch sử năm 2008 ở Hà Nội (Ảnh tư liệu).

Nhiều hơn 2 chữ “trách nhiệm” để gắn bó với nghề

Anh Lưu Ngọc Tường, người đã có 7 năm làm việc tại Công ty Thoát nước Hà Nội chia sẻ: “Mức độ ô nhiễm ở các cống ngầm ngày càng lớn. Tại một số tuyến cống, có nhiều hóa chất độc hại hay chất thải của hộ dân không qua bể chứa mà xả thẳng xuống cống. Đã có trường hợp công nhân đang làm việc, những chất thải đó dội thẳng vào đầu”.

Anh Lưu Ngọc Tường sau 2h nạo vét dưới lòng cống.

Với họ, gia đình là hậu phương vững chãi nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Anh Tường cho biết: “Chứng kiến công việc vất vả, gia đình đã có lúc khuyên tôi bỏ nghề, 30 tuổi hàng ngày chui cống rồi tương lai sẽ thế nào. Sau này, nhìn thấy đó là việc làm tốt cho xã hội, dần dần gia đình, vợ con ủng hộ, nên tôi yên tâm làm”.

Khổ cực, vất vả nhưng vẫn lạc quan, niềm vui của công nhân nhỏ bé bắt nguồn tình cảm đoàn kết gắn bó của anh em chú cháu đồng nghiệp. Anh Tường nghĩ lại: “Đi làm cống mà bảo thấy vui thì hơi lạ nhưng mỗi ngày chúng tôi tự tạo ra nụ cười bằng những câu chuyện, tâm sự với nhau về gia đình, cuộc sống, quan tâm nhau từ những điều nhỏ như con ốm hay bị thương trong quá trình làm việc”.

Đồng nghiệp giúp nhau gột rửa chất bẩn sau nhiều tiếng làm việc.

Bà Trương Hải Yến – Chủ tịch Công đoàn Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Công ty trang bị đầy đủ vật dụng, quần áo bảo hộ cho công nhân, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, đường, sữa, vitamin,... Đồng thời luôn điều chỉnh giờ làm việc hợp lý với tình hình thời tiết. Một năm công nhân được khám sức khỏe hai lần, vào giữa năm và cuối năm. Những người có sức khỏe thuộc hạng 4 (sức khỏe yếu) sẽ được chế độ chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, công ty đã xây dựng được khu nghỉ dưỡng công đoàn tại biển Hải Tiến – Thanh Hóa để công nhân và gia đình có thời gian nghỉ dưỡng”.

Vinh dự đứng trong hàng ngũ công nhân thoát nước

Một nghề mà người công nhân thầm lặng nhận hết hôi tanh, bẩn thỉu chỉ để môi trường sạch đẹp cho người dân. Một nghề mà dù gia đình trăm lần khuyên nhủ “bỏ đi tìm việc khác” thì người công nhân vẫn nói với chúng tôi rằng, họ vinh dự được đứng trong hàng ngũ người công nhân thoát nước. Ông Khoa tâm sự: “Công việc độc hại, nguy hiểm nhưng chúng tôi yêu công việc này. Và nếu không làm, nếu không đối mặt mới những kim tiêm, mảnh sành, chất thải độc hại mà nhiều người dân vô ý thức xả ra này thì ai sẽ làm thay mình. Xã hội phân công công việc, mỗi người một nghề. Nhưng đứng trong hàng ngũ người công nhân thoát nước, tôi thấy vinh dự vì cuộc đời mình là chuỗi ngày làm được điều gì đó nhỏ bé cho xã hội”.

Thành phố sạch và đẹp hơn nhờ những bàn tay của người công nhân thoát nước

Thầm lặng đóng góp vì cộng đồng, những công nhân thoát nước ngày càng được trân trọng. Anh Nguyễn Xuân Sơn – người làm công việc xe ôm lâu năm chia sẻ: “Công việc của tôi là hàng ngày đi ngoài đường, nhiều hôm trời mưa nhìn thấy công nhân làm việc thoát nước tôi cũng thấy họ vất vả, cảm ơn vì họ đã làm cho mặt đường không bị ngập nước”.

Anh Nguyễn Xuân Sơn đồng cảm với công nhân thoát nước.

Hàng ngày như thế, công nhân thoát nước lẫn vào dòng người, lặng thầm thực hiện phần việc của mình, bảo vệ dòng nước thông suốt, giữ cho môi trường Hà Nội luôn xanh – sạch – đẹp.

Hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng chiều dài là 4617 km. Trong đó hệ thống thoát nước cống rãnh là 4394 km, kênh mương là 191 km, sông là 32km. Số lượng hố ga thu nước là 42374 cái, số lượng hố ga thăm là 99702 cái. Khối lượng rác xả ra hệ thống thoát nước được thu gom trong 1 tuần từ 90 – 100 tấn.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Công nhân thoát nước oằn mình giữa ngổn ngang rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?