Công nhân vệ sinh môi trường căng mình khắc phục hậu quả mưa bão
Bão số 3 đã làm gãy đổ hàng nghìn cây xanh, khiến nhiều tuyến đường chính ngập tràn cành cây, rác thải. Trong bối cảnh đó, công nhân vệ sinh môi trường đang nỗ lực khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng đưa cảnh quan và môi trường trở lại sạch sẽ.
Sau khi bão số 3 đổ bộ, tỉnh Hưng Yên đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Theo ước tính ban đầu, bão đã gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng, chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, hạ tầng cơ sở. Cây xanh gãy đổ, rác thải và cành lá bừa bộn khắp nơi, nhiều tuyến đường bị ngập úng, gây ách tắc giao thông. Trong bối cảnh đó, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường cùng với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng đưa cảnh quan và môi trường trở lại sạch sẽ, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt bình thường cho người dân.
Bão số 3 đã làm gãy đổ hàng nghìn cây xanh, khiến nhiều tuyến đường chính ngập tràn cành cây, rác thải, đồng thời làm hư hại hàng trăm biển báo và biển quảng cáo. Nhiều khu vực dân cư bị ngập cục bộ do lượng mưa lớn. Theo đánh giá của các địa phương trong tỉnh, số lượng cây xanh bóng mát bị gãy, đổ trong toàn tỉnh là hơn 9,2 nghìn cây; 92 cột điện bị đổ; gần 900 biển quảng cáo bị hỏng.
Ngay sau khi bão số 3 suy yếu, các đơn vị môi trường tại tỉnh đã tập trung làm việc, khắc phục hậu quả mưa bão. Công nhân vệ sinh của các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản ở khu dân cư… làm việc không ngừng nghỉ, từ việc thu gom cành cây, rác thải, cho đến xử lý các cột đèn, biển quảng cáo bị hư hại. Các đơn vị môi trường tại nhiều huyện, thị xã cũng đã điều động lực lượng để hỗ trợ việc dọn dẹp trên các tuyến đường chính và trong khu dân cư.
Tại huyện Phù Cừ, các con sông, kênh mương, ao, hồ bị rác thải dồn ứ, cành lá cây và nhiều vật liệu xây dựng trôi nổi. Tình trạng này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, môi trường nước mặt. Trong huyện, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" vốn đã được duy trì thường xuyên, dịp này đã đóng góp tích cực vào công tác dọn dẹp sau bão. Người dân cùng lực lượng vệ sinh môi trường của các khu dân cư đã chung tay dọn dẹp trên diện rộng. Chị Lê Thị Hoa, người dân xã Đoàn Đào cho biết: "Ngay sau khi bão qua, chúng tôi đã cùng nhau ra ngoài dọn dẹp rác thải, cành cây… vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, vừa để đường làng. ngõ xóm trở nên sạch sẽ hơn. Ai cũng muốn mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường để việc đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn".
Việc dọn dẹp không chỉ diễn ra trên đường phố mà còn ở các con sông, ao, hồ. Để xử lý, các tổ, đội vệ sinh đã phối hợp với người dân để thu gom và xử lý rác thải, bảo đảm dòng chảy thông thoáng, tiêu thoát nước tốt, phòng ngừa ngập úng sau bão.
Tại thành phố Hưng Yên, gần 1 nghìn cây xanh bị gãy, đổ do bão. Rác thải và các cành cây đổ ngổn ngang trên các tuyến phố. Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên đã triển khai ngay các biện pháp khắc phục. Ông Đào Trường Giang, Giám đốc công ty cho biết: "Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng công nhân và phương tiện để xử lý tình trạng cây xanh gãy đổ, đồng thời thực hiện các biện pháp làm sạch môi trường trên các tuyến đường và khu dân cư". Trước khi bão đến, công ty đã tiến hành cắt tỉa hơn 200 cây xanh trên các tuyến đường chính để giảm thiểu thiệt hại. Sau khi bão qua, các đội công nhân đã bắt tay vào dọn dẹp, thu gom cây gãy đổ. Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên đã huy động gần 200 công nhân vệ sinh, công nhân cây xanh cùng các dụng cụ, phương tiện chuyên dụng để nhanh chóng thu gom rác thải, xử lý cây đổ trên các tuyến đường và khu dân cư. Công ty đặt mục tiêu hoàn thành dọn dẹp trong thời gian sớm nhất để bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường trong tuần làm việc mới sau bão.
Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân thu gom rác của công ty nhanh tay gom những bao lớn rác thải cho biết: “Ngay khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi bắt tay vào việc thu gom rác thải trên các tuyến đường phố chính, lượng rác thải nhiều hơn hàng chục lần bình thường do người dân ai cũng phải dọn nhà sau bão, chưa kể cành cây, thân cây được thu gom riêng bằng xe chuyên dụng. Chúng tôi phải chia ca để làm việc, tăng số lượt vận chuyển, gác lại việc nhà để bảo đảm đường phố sạch sẽ, phong quang”.
Sau bão, các khu vực trong tỉnh vẫn còn mưa lớn xảy ra, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ các tuyến đường do nước không tiêu thoát kịp, cành cây, rác và lá cây bít kín cống thoát nước. Các tổ, đội phản ứng nhanh phòng, chống ngập úng trong khu dân cư, khu đô thị đã không quản thời tiết xấu, nhanh chóng vào cuộc. Anh Vũ Văn Quang, thành viên Đội phản ứng nhanh phòng, chống ngập úng của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên cho biết: Các thành viên phụ trách từng tuyến đường dễ bị ngập úng, khi có mưa lớn, chúng tôi chủ động theo dõi các điểm thoát nước trọng yếu, giải tỏa rác, lá cây để nước tiêu thoát nhanh hơn; đồng thời phối hợp với các bộ phận chuyên môn để xử lý hố ga bị tắc, giải tỏa vật cản lớn.
Bên cạnh sự nỗ lực của các công nhân vệ sinh môi trường, việc khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ người dân và các đơn vị chức năng. Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau đã giúp cho công tác khắc phục diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các công ty, đơn vị vệ sinh môi trường duy trì việc cắt tỉa cây xanh, vệ sinh cống thoát nước để giảm thiểu tối đa rủi ro trong các đợt mưa lớn tiếp theo.
Theo Báo Hưng Yên