Thứ sáu, 29/03/2024 18:42 (GMT+7)

Công nhân vệ sinh môi trường: Đi làm về không dám tiếp xúc với con

MTĐT -  Thứ tư, 18/08/2021 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xuyên suốt thời gian giãn cách xã hội đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải làm việc, để đảm bảo thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đúng quy định.

Hàng quán đóng cửa, phố xá im ắng, trên đường cũng không còn dòng người và xe cộ đi lại, thế nhưng, điều này không đồng nghĩa công việc của các công nhân vệ sinh môi trường sẽ nhàn nhã hơn.

Thay vào đó họ phải làm việc xuyên suốt để phục vụ thu gom rác thải tại các chợ, khu vực phong tỏa và khu dân cư.

Vừa thực hiện công việc của mình như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Vô - Đội trưởng Đội vệ sinh đô thị thuộc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre trải lòng về công việc của chị và các đồng nghiệp trong những ngày giãn cách: 'Công việc cực hơn, tại vì có chốt phong tỏa, người ta rào lại, bên chị cũng phải vô lấy rác, người ta thì tập kết ra đầu chốt. Có đường mình đi không được, có phải đi vòng rất xa hoặc phải đi bộ'.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, công tác vệ sinh môi trường lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Ảnh: Môi trường&Đô thị Việt Nam

Không chỉ có Bến Tre mà nhiều địa phương thậm chí còn phải điều chỉnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Tại các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy thuộc thành phố Cần Thơ, rác thải sinh hoạt phát sinh tại những khu vực không bị phong tỏa vẫn được Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ đảm trách, còn chất thải tại những khu vực bị phong tỏa thì do đơn vị có chức năng phân loại, thu gom và xử lý mỗi ngày.

Dẫu biết khối lượng công việc nhiều hơn so với ngày thường và bản thân phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao; nhưng hầu hết các công nhân vệ sinh công cộng vẫn ngày đêm túc trực thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt từ các hộ dân đến nhà máy xử lý, không để phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường vì ứ đọng rác.

Chị Nguyễn Thị Vô cho biết thêm: 'Sợ chứ. Mấy anh em đi làm về là ít tiếp xúc với con cái. Người ta về tắm, rửa, vệ sinh sạch sẽ, không dám hôn con luôn đó. Bên công ty chị thì có trang bị khẩu trang, bao tay, kính chống giọt bắn, bảo hộ đầy đủ, rồi có trang bị bình xịt khuẩn để công nhân vô xịt vào rác đó rồi mới lấy'.

GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng cần phải quan tâm sâu sát đến đội ngũ nhân viên thu gom, xử lý rác thải vì họ là đối tượng làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

'Công tác vận chuyển có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên môi trường. Vì vậy, đối với các bộ và nhân viên môi trường làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển cũng cần được trang bị các biện pháp an toàn và bảo chống dịch một cách hết sức nghiêm túc', GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết.

Nắm bắt được tâm lý của đội ngũ trực tiếp thu gom, xử lý rác thải, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Bến Tre vừa qua đã cho hơn 100 công nhân vệ sinh công cộng xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ. Đến nay các công nhân đã được test lần 2 và điều đáng mừng là tất cả đều âm tính. Đây là việc làm thật sự cần thiết lúc này vì vừa đảm bảo an toàn vừa tạo sự an tâm cho đội ngũ nhân viên.

Chia sẻ gánh nặng với lực lượng vệ sinh môi trường

"Trong mùa dịch, ai cũng phải hạn chế đi lại; nhưng các cô chú công nhân vệ sinh, thu gom rác thì không thể nghỉ việc được, đối diện với rủi ro dịch bệnh rất cao. Vì thế mọi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để hạn chế rác thải, cũng là một phần chia sẻ gánh nặng với họ".

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thúy Loan ở quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), sống ở gần một khu vực đang bị phong tỏa vì dịch COVID 19. Hàng ngày chứng kiến cảnh công nhân vệ sinh phải mang khẩu trang, bao tay, tấm kính chống giọt bắn… để đến thu gom và vận chuyển rác, nên chị Loan hiểu được nỗi vất vả và sự nguy hiểm của những người làm công việc này.

Với chị, những công nhân này không khác gì lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Nhà có đông thành viên, nên trước đây chị Loan phải thường xuyên đi chợ hoặc đến những cửa hàng tiện ích để mua các loại thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Thế nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội, chị đã thay đổi thói quen mua sắm của mình, hạn chế số lần đi chợ và chỉ mua những hàng hóa thực sự cần thiết.

Chị Loan cho biết thêm: 'Trước đây tôi đi chợ hàng ngày còn bây giờ tôi chỉ đi chợ một lần/tuần thôi, hạn chế mua những đồ không thiết yếu. Mỗi lần đi chợ tôi thường mang theo giỏ xách để đựng đồ để hạn chế sử dụng túi nilon và khi về nhà cũng sẽ dễ dàng khử khuẩn hơn. Còn túi nilon thì tui sẽ sử dụng lại nhiều lần'.

Cũng là một bà nội trợ sống ở khu vực quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), chị Nguyễn Thị Mỹ Siêng rất lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày. Ngoài việc cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh tại địa phương, chị vẫn nghiêm túc thực hiện phân loại rác tại nguồn với mong muốn giảm bớt những áp lực không đáng có cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Chị Mỹ Siêng cho biết: 'Mình phân loại ra. Những loại rác thải nguy hiểm như găng tay, khẩu trang… sau khi sử dụng xong sẽ bỏ vào một túi riêng, buộc kín lại, bên ngoài ghi chú là rác thải nguy hiểm để những người thu gom cẩn thận hơn khi xử lý. Như vậy sẽ an toàn hơn cho cộng đồng'.

Giữa những ngày giãn cách, ai cũng lo lắng cho sức khỏe của bản thân nhưng hy vọng rằng sẽ có nhiều người như chị Loan và chị Siêng, biết hướng sự quan tâm của mình đến sự an toàn của cộng đồng và môi trường bằng chính những việc làm đơn giản và thiết thực nhất mỗi ngày.

Theo Trung Thuận/ vovgiaothong.vn

Bạn đang đọc bài viết Công nhân vệ sinh môi trường: Đi làm về không dám tiếp xúc với con. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới