Thứ sáu, 19/04/2024 20:13 (GMT+7)

Công nhân Vệ sinh môi trường: 'Gia đình tôi 3 đời làm nghề rác'

Hồng Anh -  Thứ bảy, 09/03/2019 09:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chị Hồng Thị Kim Được (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) cũng có một gia đình nhiều thế hệ đã cống hiến cho cái nghề mà người ta vẫn gọi là “làm rác”.

Nghề rác khổ, ngày nào cũng lặn ngụp trong những hôi thối, bẩn thỉu, nhớp nhúa, lấy đêm làm ngày. Nhưng với những công nhân vệ sinh môi trường, cái nghề nhọc nhằn này giúp họ mưu sinh qua nhiều thế hệ, có thu nhập nuôi sống gia đình. Cũng có người chọn đó như điểm tựa để đi tìm ước mơ cho cuộc đời mình.

Chị Hồng Thị Kim Được (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) cũng có một gia đình nhiều thế hệ đã cống hiến cho cái nghề mà người ta vẫn gọi là “làm rác”.

Trong bộ đồng phục của công nhân vệ sinh, Trần Tấn Tài (19 tuổi) - con trai chị Được - trông trắng trẻo thư sinh. Tài đi làm rác được 7 tháng, khi vừa đủ 18 tuổi là xin vào làm.

Tài là công nhân vệ sinh quét rác đường phố (tổ vệ sinh số 06). Câu chuyện của chị Được cũng bắt đầu với tuổi 18. 18 tuổi, chị cũng xin theo mẹ vào xí nghiệp làm rác. Mẹ chị trước là công nhân vệ sinh của Công ty Công ích quận Tân Bình nay đã nghỉ hưu. Em gái chị cũng đang công tác tại tổ vệ sinh 3 Đội vệ sinh Tân Phú. Chồng chị là lái xe chở rác tại Chi nhánh Môi trường đô thị Gia Định thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM. Như vậy, gia đình chị có 5 người làm nghề rác mà tính ra là cả 3 đời đã cống hiến cho nghề môi trường.
“Ông xã tôi lái xe rác, tôi và con trai đi gom rác, con gái lớn được ưu tiên ở nhà dọn dẹp, lo cơm nước cho ba người đi làm” – Cuộc sống hàng ngày của gia đình chị là như vậy đấy.

Chị vẫn còn nhớ, khi con trai tự bảo với chị “mẹ xin cho con làm rác” chị cũng bất ngờ lắm, bụng bảo con muốn làm thì cứ cho nó vào làm, nhưng chắc ba bữa nửa tháng cũng xin nghỉ. Vậy mà Tài theo được 1 tháng, 2 tháng rồi nửa năm, lăn lộn cùng với rác. Chị nhìn con cười thật tươi: “Làm rác chỉ cần chịu thương chịu khó, chịu được thời gian đầu thì chắc chắn sẽ theo được. Tài nó cũng ngoan, chịu khó lắm”. Nghe mẹ khen, chàng trai trẻ chỉ cúi đầu cười. Tài kể cả nhà làm rác nên giờ cũng muốn làm rác giống bà, giống cha mẹ. Tâm sự của chàng trai rất mộc mạc: nhờ rác mà bà ngoại nuôi mẹ, nuôi các dì, các cậu lớn khôn. Cha mẹ gặp nhau cũng bên cạnh những xe rác, mẹ đi quét, ba đi gom rồi quen nhau. Rồi cũng nhờ 28 năm làm rác mà mẹ nuôi Tài, nuôi chị.“Đại gia đình nhà tôi tính hết cũng có hơn chục người làm rác. Làm nghề này tuy vất vả nhưng ổn định, chịu khó tích cóp cũng nuôi được con cái lớn khôn. Rác như cái nghiệp rồi” - chị Được bảo.

Chị Hồng Thị Kim Được rạng rỡ khi nhận được Danh hiệu: "Chiến sĩ thi đua cơ sở"

Những người làm rác như chị Được kể về rác với niềm biết ơn. Nhưng nghề rác cực vẫn hoàn cực. Ca làm bắt đầu lúc 5 giờ của chị Được và con trai kéo dài đến gần nửa đêm. Hai mẹ con mỗi người chia mỗi ngả. Gần 10 giờ đêm, sau khi đã vòng vòng một loạt con đường, quét “dễ chừng 8-9km”, chị Được và đồng nghiệp đến điểm cuối là chợ nhỏ trên đường D9 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Hàng quán đã dọn, chợ ngập trong rác, nước chảy nhểu nhão khắp nơi dù trời đang tạnh ráo. Chị Được làm phăng phăng, cái chổi to hối hả quét. Không một phút ngơi nghỉ, quét, xúc rác, nhồi, đẩy xe...Chừng chục phút, xe rác đầy ụ, một đoạn chợ dài gần 30m đầy rác lúc trước đã sạch sẽ tinh tươm. Ngó một lượt xem sạch sẽ hết chưa, rồi chị gò lưng đẩy xe rác nặng trĩu trên con đường chợ khúc khuỷu ra điểm tập kết rác.

Chị nói vui buồn nghề rác thì nhiều lắm. Chị và ông xã người quét rác, người lái xe rác nên như thể... mặt trăng với mặt trời. “Tôi đi làm từ chiều đến nửa đêm mới về thì chồng đi ngủ. Sáng mai chồng dậy đi làm tới chiều. Một tuần được nghỉ một ngày, cả vợ chồng cùng xin nghỉ ngày thứ năm trong tuần thì mới cùng ăn vài bữa cơm” - chị kể. Chị với con trai cũng mỗi người mỗi nhóm khác nhau vì xí nghiệp không xếp làm chung để không bị thiếu người, bởi khi có việc thì người một nhà thường phải nghỉ cùng nhau. Những ngày cuối năm, càng cận tết công việc của những người gom rác càng vất vả.
“Tết người ta dọn nhà, mang cả xe tải rác ra đổ trộm ngoài đường nên dọn mệt lắm” - chị Được nói.
Rác đường, rác chợ đều gấp mấy lần ngày thường. Năm nào chị và các anh em trong tổ đều đón giao thừa ngoài đường phố vì rác nhiều quá.
Cuộc sống hai vợ chồng chị Được hiện vẫn còn vất vả. Gia đình ở nhà thuê, cha chồng chị 70 tuổi bị tai biến phải nằm một chỗ nên hai vợ chồng ngoài thời gian làm việc còn phải thay nhau chăm sóc.

Vào làm công nhân quét rác đường phố Tổ vệ sinh 4 Đội Vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh MTĐT Chợ Lớn thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM từ năm 1990. Trong suốt gần 30 năm công tác, chị đã đạt được nhiều thành tích như năm 2012, chị được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường, năm 2014, được Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vi môi trường đô thị.

Ngoài ra, 3 năm liền chị đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2016, 2017, 2018). Đó là những danh hiệu, phần thưởng xứng đáng cho những công lao mà chị và gia đình đã đóng góp cho ngành nghề vệ sinh môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân Vệ sinh môi trường: 'Gia đình tôi 3 đời làm nghề rác'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...