Thứ ba, 23/04/2024 15:20 (GMT+7)

Công nhân vệ sinh môi trường gồng mình trong nắng nóng

MTĐT -  Thứ ba, 01/06/2021 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với những người lao động, nắng mưa là chuyện của trời, nhiệm vụ của họ là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng thủ đô luôn sạch, đẹp.

Chị Nguyễn Hồng Thúy - Công nhân Tổ Môi trường số 5, Chi nhánh Đống Đa làm việc dưới nắng nóng đỉnh điểm trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa

Những ngày qua, Hà Nội trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời có những lúc lên hơn 40 độ C… Nắng khắc nghiệt kết hợp bề mặt vật liệu bê tông, nhựa đường hấp thụ nhiệt và tán nhiệt trở lại vào không khí khiến người đi ngoài đường có cảm giác như đi vào giữa "chảo lửa". Thế nhưng, với nhiều người nắng nóng hay mưa bão là “chuyện của trời”, càng những lúc như vậy, họ càng phải căng mình ra để làm việc, vừa để mưu sinh, vừa để giữ cho Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp…

Theo Chị Nguyễn Hồng Thúy với những công nhân môi trường, nắng mưa là chuyện của trời, nhiệm vụ của họ là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng thủ đô luôn sạch, đẹp.

Chị Nguyễn Hồng Thúy - Công nhân Tổ Môi trường số 5, Chi nhánh Đống Đa (người đã 27 năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường) chia sẻ: "Thời tiết như này rất nguy hiểm, làm việc ngoài trời trong một thời gian ngắn cũng đủ khiến người ta bị say nắng. Song, dù là nắng nóng hay mưa bão… công việc của chúng tôi không thể bỏ, vẫn phải hoàn thành theo đúng nhiệm vụ được giao để đảm bảo môi trường Thủ đô luôn sạch đẹp".

“Để vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, ngoài việc được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Chi nhánh, điều khiến chúng tôi có thể bám trụ với cái nghề đầy gian nan, vất vả này không gì khác chính là lòng yêu nghề” - chị Nguyễn Hồng Thúy kể.
Trong khi đó, trên tuyến Đại lộ Thăng Long, lau vội những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm, cháy nắng… anh Trần Văn Thanh - Tổ Sản xuất số 2 Đại lộ Thăng Long, Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) chia sẻ, nắng nóng ai chẳng mệt nhưng với chúng tôi đây cũng chỉ là những công việc “bình thường”.

Anh Trần Văn Thanh - Tổ Sản xuất số 2 Đại lộ Thăng Long, Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến Đại lộ Thăng Long.

Nói về cái sự “bình thường” của mình, anh Trần Văn Thanh cho biết, ở tuyến Đại lộ Thăng Long này, nắng nóng bình thường cũng khiến mặt đường chẳng khác gì một cái “chảo đặt trên bếp lửa hồng”… Song, do đã gắn bó với nghề, tiếp xúc với đủ loại thời tiết khắc nghiệt nên da dẻ và cơ thể dường như cũng đã quen rồi.
“Khi mới vào nghề, đối diện với thời tiết như này, nhiều công nhân đã bị say nắng, ốm nằm bệt mấy hôm, nhưng công việc là công việc, không thể dừng được… chúng tôi phải cố gồng mình, vượt qua những thử thách của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - anh Trần Văn Thanh nói.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Thắng - Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, nắng nóng là thời điểm không ai muốn ra đường, song với những công nhân ngành thoát nước đây lại thời điểm hết sức quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống thoát nước của Thủ đô. Ông Phạm Văn Thắng lý giải rằng, thông thường, sau mỗi đợt thời tiết nắng nóng kéo dài tiếp theo đó có thể là những trận mưa, bão… Do đó, đây chính là “thời điểm vàng” để ngành thoát nước khơi thông hệ thống đường cống, kênh, mương… nhằm đảm bảo việc vận hành thông suốt của hệ thống thoát nước.

Ông Phạm Văn Thắng - Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội làm sạch hệ thống thoát nước giữa nắng nóng đỉnh điểm ở Hà Nội.

Do đặc thù của công việc và theo quy định của TP, nên việc tổ chức chui cống gầm, nạo vét lòng sông, mương… của những công nhân thoát nước không được thực hiện vào giờ cao điểm. Do đó, thời gian để họ thực hiện nhiệm vụ cũng là lúc thời tiết ở giai đoạn khắc nghiệt nhất.

“Không gian dưới cống ngầm rất nhỏ, bí và có đủ các loại rác rưởi đang trong giai đoạn phân hủy khiến bầu không khí càng trở lên ngột ngạt, oi bức, nóng… rất nguy hiểm đối với những công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ. Song, dù nguy hiểm, vất vả nhưng trên vai chúng tôi là trách nhiệm của ngành thoát nước với TP, với Nhân dân Thủ đô…, chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Phạm Văn Thắng cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nụ (quê Thái Bình) - một người nhặt rác trên phố Phương Mai chia sẻ, lên Thủ đô và gắn bó với công việc này cũng đã được gần chục năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống khó khăn như hiện tại. Trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát mạnh, công việc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Nụ là sáng và đêm sẽ tranh thủ đi nhặt phế liệu, trưa và chiều tối đi rửa bát thuê tại một nhà hàng trên phố Tân Mai.

Với chị Nguyễn Thị Nụ (quê Thái Bình) kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng phải đóng cửa, người lao động phải tạm nghỉ. Từ khi mất đi công việc rửa bát thuê, công việc chính, nguồn thu chính chỉ có thể dựa vào lượng phế thải nhặt được.

"Người khôn của khó, nếu không chịu khó thì cả ngày nhặt nhạnh cũng chẳng đủ nuôi thân nói gì đến gửi về cho gia đình… Càng nắng nóng, càng ít người ra đường thì cơ hội để nhặt được phế thải càng cao… Thế nên, dù vất vả, nguy hiểm, chúng tôi vẫn phải cố để có thêm thu nhập gửi về chăm sóc con cái ở quê” - chị Nguyễn Thị Nụ bùi ngùi.

Theo Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Công nhân vệ sinh môi trường gồng mình trong nắng nóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới