Thứ năm, 25/04/2024 01:46 (GMT+7)

Công nhân VSMT tiêu biểu của mảnh đất Quảng Bình đầy bão lũ

Hồng Anh -  Thứ ba, 02/04/2019 16:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến thăm Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình, chúng tôi được lãnh đạo công ty giới thiệu về chị Lê Thị Hường – công nhân vệ sinh môi trường tiêu biểu của công ty.

Chị Hường tự hào giới thiệu với chúng tôi chị được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng Tổ sản xuất phụ trách địa bàn xã Đức Ninh. Đây là địa bàn rộng, dàn trải, dân cư đông đúc, hộ kinh doanh lớn, vừa và nhỏ lẫn lộn. Hiện nay, tổ chị phụ trách thu gom số lượng lên đến 1.800 hộ theo hợp đồng.

Chị dẫn chúng tôi đến khu vực xã Đức Ninh là nơi chị và các chị em trong tổ phụ trách công tác quét và thu gom rác thải. Nơi đây tập hợp các hộ làm nông xen lẫn các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ cùng các công trình cải tạo cũ xen lẫn các công trình xây dựng mới. Do đó, rác thải trà trộn nhiều loại khiến cho việc thu gom có phần phức tạp hơn. Nhưng khó khăn lớn nhất trong công tác vệ sinh ở khu vực này lại nằm ở nhận thức của người dân. Chị Hường tâm sự rằng bà con nơi đây cứ theo thói quen là đổ rác ra đường bất kể lúc nào. Có lúc chị Hường và mọi người trong tổ vừa quét sạch sẽ xong, bà con lại đổ rác bẩn và thối ra ngay giữa đường, các chị nhắc nhở thì họ lại mắng chửi, xúc phạm. “Chị nghĩ có lẽ họ vẫn còn định kiến coi thường nghề quét rác. Nhiều khi mâu thuẫn, chị em không kìm chế được định xông lên, chị lại phải chạy ra ngăn lại và an ủi rất nhiều. Mình cũng rất thương chị em vì mọi người làm việc vất vả lắm, thức khuya dậy sớm, chịu bao bụi bặm, hôi hám để dọn dẹp mà lại bị đối xử như thế. Nhưng mình vẫn phải giải thích cho chị em hiểu nghề môi trường là nghề làm dâu trăm họ, phải biết nhẫn nhịn” – Chị Hường vừa nói mà khuôn mặt thấp thoáng nỗi buồn.

Chị Lê Thị Hường – người phụ nữ nhỏ bé nhưng tràn đầy nhiệt huyết với nghề

Tuy vậy nhưng cũng không phải tất cả người dân đều như thế. Chị Hường lại kể tiếp: “Nhiều người dân thấy tụi chị đẩy xe rác cao ngất ngưởng giữa trời nắng chang chang thì họ thương, họ lại mời gói bánh, ly nước tiếp sức cho tụi chị. Chị em được như thế xúc động lắm, lại có thêm động lực làm việc”. Những người công nhân môi trường như chị Hường thật kỳ lạ, cặm cụi ngày đêm quét dọn phục vụ người dân, chỉ cần ly nước hay lời hỏi thăm đã khiến họ cảm động mà chẳng sân si những lúc bị xúc phạm, mắng chửi.

Mảnh đất Quảng Bình bị ảnh hưởng thời tiết của cả Nam và Bắc nên khí hậu rất khắc nghiệt. Đây là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với mức độ ác liệt hơn như bão, lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất, cát bay cát lấp,...Do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, bão lũ hoành hành mạnh hơn, tàn phá nhà cửa, đường xá và cướp đi sinh mạng của biết bao người. Cứ mỗi đợt bão lũ xảy ra, gánh nặng lại đè lên vai của các công nhân môi trường như chị Hường. Mặc dù bản thân gia đình cũng bị bão tàn phá nhưng bất chấp nguy hiểm, chị gương mẫu đi đầu trong công tác khắc phục, dọn dẹp đường phố sau cơn bão. Chị kể cho chúng tôi nghe về những ngày chống chọi với bão: “Trong tình thế cấp bách, chị phải kêu gọi 100% sức lực của các chị em công nhân, tụi chị làm việc 12-14 tiếng/ngày, bất chấp thời tiết. Mà xe của đơn vị không đủ để chở rác cùng một lúc nên những ngày ấy tụi chị phải chờ xe bốc chuyến cuối cùng đến 11h đêm giữa lúc trời mưa rét. Cứ nghĩ đến là thấy sợ”.

Nghề rác luôn phải chịu thiệt thòi trong các dịp lễ tết. Xác định là như vậy nhưng chị không khỏi chạnh lòng khi giao thừa mỗi năm đều không được hưởng một buổi đón giao thừa trọn vẹn cùng người thân như bao người khác. Vào khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, các gia đình khác sum vầy vui vẻ, hạnh phúc thì chị Hường cũng như bao chị em công nhân môi trường vẫn đang đổ mồi hôi, cặm cụi quét dọn, làm sạch đường phố. Liệu có mấy ai hiểu và biết ơn cho công sức của các chị?.

Công việc vốn đã nhọc nhằn nhưng với vai trò là tổ trưởng, chị Hường còn luôn trăn trở, lo nghĩ cho các chị em. Đơn vị sản xuất đa số là nữ, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Người có bố mẹ già, người có con nhỏ dại, người có chồng đau ốm, không thể đi làm ổn định...Chị gần gũi, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của chị em. Chị kêu gọi chị em phát huy tinh thần “Phụ nữ tích cực học tập, lao động và sáng tạo”, kết quả 100% chị em đã được cấp chứng chỉ nâng cao tay nghề vào loại khá giỏi.

Để giúp chị em cải thiện được kinh tế gia đình, chị Hường vận động mọi người tăng gia sản xuất, kinh doanh buôn bán thêm những mặt hàng thiết yếu. Bản thân chị mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi và trồng trọt xây dựng mô hình VAC. Bước đầu gặp khó khăn, vừa mới hình thành thì hai năm liên tiếp lũ lụt làm trôi hết toàn bộ đàn gia súc, rồi lại cướp đi hết một loạt cây trồng trọt mới lên chưa kịp thu hoạch. Nhưng chị vẫn kiên quyết không chùn bước, tiếp tục làm lại từ đầu và đến nay đã có khởi sắc, có doanh thu, kinh tế ổn định hơn và mô hình VAC của chị đang được nhân rộng cho chị em đồng nghiệp và bà con lối xóm.

Sau những giờ lao động mệt mỏi chị lại tiếp sức cho chị em bằng những lời ca tiếng hát đem đến cho chị em không khí vui tươi, giải tỏa căng thẳng.

Nhìn chị Lê Thị Hường – người phụ nữ nhỏ bé nhưng tràn đầy nhiệt huyết với nghề, với mọi người xung quanh, chúng tôi hiểu vì sao chị được coi là công nhân tiêu biểu của Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân VSMT tiêu biểu của mảnh đất Quảng Bình đầy bão lũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành