Thứ bảy, 20/04/2024 02:07 (GMT+7)

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn thị trấn Nhã Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 09/12/2022 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhã Nam, vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, nơi đây còn bảo lưu nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, cùng nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc khác.

tm-img-alt
Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, thị trấn Nhã Nam luôn nêu cao tinh thần thượng võ, kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc và sáng tạo, vun đắp các giá trị văn hóa của cộng đồng. Qua đó, đã để lại trên địa bàn thị trấn Nhã Nam một hệ thống các di tích gắn với các sự kiện lịch sử mang giá trị tiêu biểu, không chỉ tạo ra ưu thế vượt trội, đặc sắc riêng của vùng đất này, mà còn là tiềm năng để phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

1. Thị trấn Nhã Nam là vùng đất có các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật, ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn thị trấn Nhã Nam, hiện nay có 9 di tích đã được xếp hạng các cấp (6 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh). Đây là địa phương cấp xã có di tích cấp quốc gia đặc biệt cao nhất tỉnh và có thể là cao nhất nước, 06 điểm di tích thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài suốt 30 năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, bao gồm:

(1) Đình làng Chuông: được dựng thời Hậu Lê; còn lưu giữ được nhiều sắc phong và đồ thờ quý như: Kiệu bát cống, chấp kích, bát bửu, tàn lọng,...Tại đây, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, tổ chức những trận đánh lớn;

2) Chùa Nam Thiên (chùa Phố): thực dân Pháp sử dụng khu đất này làm chợ, khu nhà kho của Sécnay (chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ), khu nhà của đốc tờ Zina và làm bãi tập. Chùa Phố là cơ sở cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ 1943 -1945;

3) Đền Gốc Khế: là nơi thờ Mẫu và Đại vương Trần Quốc Tuấn; nơi hoạt động của nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân như: Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngò (Tạ Văn Khấu), Quản Khối (Giáp Văn Khối),...;

4) Đền thờ Cả Trọng (đền Gốc Dẻ): là ngôi đền đầu tiên thờ Cả Trọng - con trai cả của Đề Thám và cũng là một vị chỉ huy tài giỏi của nghĩa quân;

5) Ao Chấn Ký: là nơi thực dân Pháp thả tro cốt đầu Hoàng Hoa Thám và hai thủ hạ thân tín của ông;

6) Nghĩa địa Pháp và Đồi Phủ: nơi chôn cất những lính Pháp, Việt (theo Pháp) chết trận khi giao chiến với nghĩa quân Yên Thế. Đồi Phủ là địa điểm tập kết của quân Pháp cho các cuộc hành binh; là nơi hai lần chứng kiến nhiều sự kiện liên quan đến hai cuộc hoà hoãn giữa thực dân Pháp và Đề Thám, 01 di tích quốc gia chùa Tứ Giáp - nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và 2 di tích cấp tỉnh (đình Cầu Thượng và đền Đề Truật). Qua đó cho thấy, Nhã Nam là địa phương có nhiều di tích có giá trị tiêu biểu nổi bật trong lịch sử, gắn với lịch sử đất nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng. Cùng với niềm vinh dự tự hào, cũng đặt ra trách nhiệm to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương hôm nay và mai sau.

Trong 6 điểm di tích quốc gia đặc biệt, ngoài những hiện vật gắn với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân địa phương trong nhiều thế kỷ, thì tại di tích còn giữ gìn, bảo lưu được nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế; một số hiện vật được chuyển về trưng bày tại Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế. Tại khu vực chùa Tứ Giáp, năm 2018, Bộ Công an đã xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng và các thế hệ hôm nay nói chung, nhất là thế hệ trẻ.

Ngoài ra, gắn với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, thị trấn Nhã Nam còn bảo lưu, gìn giữ 11 lễ hội truyền thống đặc sắc như: lễ hội Chùa Tứ Giáp, đình làng Chuông, đình-chùa Nam Thiên, đình làng Thượng, đền Cả Trọng, đền Gốc Khế...

Các lễ hội chủ yếu diễn ra vào tháng Giêng với các nghi thức, nghi lễ cổ truyền được địa phương tổ chức trang trọng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ tới công lao của những anh hùng dân tộc và các vị Thành hoàng làng đã bảo vệ, đem lại cuộc sống bình an cho quê hương, đất nước. Tại các lễ hội, còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài thị trấn tham dự. Đây cũng chính là những di sản văn hóa vô cùng quý báu, một thành tố quan trọng để Nhã Nam khai thác, phát triển ngành du lịch hiện nay.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong những năm qua, thị trấn Nhã Nam luôn coi việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hóa luôn được Đảng ủy, Chính quyền và các đoàn thể thị trấn Nhã Nam quan tâm triển khai thực hiện như Luật Di sản văn hóa năm 2001,

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 12/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản khác liên quan. Để thực hiện hiệu quả, UBND thị trấn Nhã Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thôn, tổ dân phố thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa; tích cực áp dụng các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan như: panô, áp phích tuyên truyền Luật Di sản văn hóa trên các trục đường liên xã để đông đảo người dân nắm rõ. Mỗi năm thị trấn xây dựng từ 5-10 panô, khẩu hiệu giới thiệu về các di sản văn hóa trên vùng đất Nhã Nam.

Nhận thức rõ tiềm năng, ưu thế về các di sản văn hóa của địa phương, thị trấn Nhã Nam đã chủ động, đề xuất kịp thời và phối hợp các cấp, ngành triển khai thực hiện công tác quy hoạch, huy động có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa cho công tác tu, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và tham quan du lịch của du khách thập phương.

Từ năm 2017 đến nay, thị trấn có 04 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 54 tỷ đồng, tập trung cho các di tích liên quan đến Khởi nghĩa Yên Thế như: Đền Gốc Khế, đền Đề Truật.

Riêng chùa Tứ Giáp, nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là di tích trọng điểm được quy hoạch và đầu tư tu bổ, tôn tạo với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Năm 2018, nhằm tạo sự liên kết giữa các điểm di tích, UBND thị trấn đã phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng tham mưu với Bộ Công an hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ngay cạnh chùa Tứ Giáp với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, nơi đây đã trở thành địa điểm lưu niệm về nguồn đối với thế hệ trẻ, nhất là lực lượng Công an nhân dân. Những điểm di tích này luôn được thị trấn Nhã Nam quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị, khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

2. Đề xuất một số giải pháp tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị trấn Nhã Nam

Những kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên dịa bàn thị trấn Nhã Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng nhân dân địa phương và sự chỉ đạo, tạo điều kiện, giúp đỡ có hiệu quả của Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên; sự phối hợp của các cấp, các ngành, nhất là Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Giang và phải khẳng định rằng, không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn, bất cập, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa; gắn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn cần được quan tâm hơn nữa. Để phát huy ưu điểm, các kết quả đạt được và khắc phục các khó khăn, hạn chế; thời gian tới, thị trấn Nhã Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng của vùng đất, con người Nhã Nam; nhận diện rõ hơn, sâu sắc hơn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Nhã Nam; từ đó xác lập các biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 12/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản liên quan khác; tuyên truyền về các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Nhã Nam, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, để cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, nhất là huy động có hiệu quả các nguồn lực từ xã hội hóa từ sự đóng kinh phí tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân địa phương cho công tác này.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với 6 di tích trên địa bàn; rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đối với di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch với nội dung, lộ trình, biện pháp cụ thể và huy động có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện, thị trấn và từ xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc tiêu biểu; gắn công tác tu bổ, tôn tạo di tích với phát triển du lịch. Đặc biệt, trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích phải nghiên cứu kỹ di tích gốc còn hiện hữu hoặc đã mất đi, để tu bô, phục dựng cho phù hợp, quan tâm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích trong hoạt động tu bổ, tôn tạo.

Bốn là, sau khi hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giáp, UBND huỵện Tân Yên cần phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL và các cấp, các ngành liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh, báo cáo Bộ VHTTDL xin chủ trương cho phép tỉnh Bắc Giang lập hồ sơ khoa học di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đề nghị xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sau khi Bộ VHTTDL có chủ trương nhất trí, sẽ tiến hành lập hồ sơ di tích theo quy định.

Năm là, tăng cường công tác quản lý di tích, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là các vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc đưa đồ thờ, hiện vật vào di tích không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về di tích tiêu biểu nổi trội của địa phương trong phát triển du lịch bằng việc kết nối các di tích khởi nghĩa Yên Thế thuộc thị trấn, di tích chùa Tứ Giáp, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân với các di tích khác liên quan, có lợi thế của tỉnh Bắc Giang, để hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nguyễn Sĩ Cầm

 Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn thị trấn Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...