Thứ bảy, 20/04/2024 01:42 (GMT+7)

Công trình không phép “băm nát” đảo Hòn Tằm, phá hỏng hệ sinh thái

MTĐT -  Thứ ba, 17/03/2020 16:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, việc xây dựng các công trình không phép tại KDL đảo Hòn Tằm khiến đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Vướng nhiều sai phạm

Theo Tiền Phong đưa tin, ngày 17/3, Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang cho biết vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng ở dự án khu du lịch (KDL) đảo Hòn Tằm, vi phạm Nghị định 139 của Chính phủ.

Qua kiểm tra thực tế tại đây ngày 16/1, Sở Xây dựng Khánh Hòa phát hiện Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang tự ý san ủi mặt bằng và xây dựng các hạng mục công trình bê tông cốt thép tại dự án KDL đảo Hòn Tằm không có giấy phép xây dựng và không có trong quy hoạch chi tiết 1/500 của KDL đảo Hòn Tằm được UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh năm 2018. Vì thế, việc Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang tự ý san ủi mặt bằng, đầu tư xây dựng công trình kiên cố (kể cả trong và ngoài phạm vi dự án) khi chưa có giấy phép xây dựng là vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường và xây dựng.

Các hạng mục xây dựng không phép trên đảo Hòn Tằm, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Báo Lao Động.

Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, việc xây dựng các công trình không phép tại KDL đảo Hòn Tằm khiến đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Để đánh giá tác động môi trường, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã tổ chức lặn kiểm tra đáy biển.

Quá trình kiểm tra, ban quản lý phát hiện vùng mặt nước phía Tây Nam đảo (thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang đang triển khai hoạt động san lấp lấn biển cải tạo mặt bằng để xây dựng.

Báo cáo gửi UBND TP Nha Trang của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang nêu rõ: “Qua lặn kiểm tra dưới đáy biển phát hiện đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng ban đầu. Một lượng bùn đất không nhỏ theo dòng chảy tràn ra các khu vực xung quanh có nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại khu vực vùng nước sát bờ phía Tây Nam đảo Hòn Tằm”.

Chủ đầu tư thừa nhận sai phạm

Trao đổi với báo chí về sai phạm, ông Phạm Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang thừa nhận việc đơn vị xây dựng nhiều công trình không phép trên đảo Hòn Tằm.

Đồng thời vị này lý giải: “Theo kế hoạch tháng 5/2020, Công ty Bay và dịch vụ du lịch biển Tân Cảng tổ chức đưa đoàn khách các nước ASEAN có chuyến thăm khu du lịch đảo Hòn Tằm. Để chuẩn bị cho chuyến thăm này, Công ty đã tập trung cải tạo cảnh quan môi trường trên toàn khu vực để đón tiếp các đoàn khách quốc tế.

Tuy nhiên, chúng tôi đã cho triển khai sửa chữa và cải tạo cảnh quan môi trường không đúng với bố trí các công trình được duyệt. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của ban quản lý Vịnh Nha Trang kiểm tra ngày 28/12/2019, Công ty chúng tôi đã cho dừng hẳn các công việc cải tạo tại đảo Hòn Tằm”.

Trong khi đó, trao đổi với Kiến Thức dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc xây dựng công trình trên đảo Hòn Tằm của Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang mà không có giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật xây dựng.

Vị luật sư viện dẫn: “Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tuy nhiên luật sư Tùng cho biết, công trình nói trên không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Và công trình này cần phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 59/2015/NĐ.

Do đó, chủ đầu tư - Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang phải có trách nhiệm là lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng, xin giấy phép xây dựng.

Luật sư Tùng nhấn mạnh: “Việc thiếu các giấy tờ tài liệu nêu trên mà trực tiếp tiến hành thi công sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng (điểm c khoản 5 Điều 15 nghị định 139/2017).".

Ngoài ra sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Công trình không phép “băm nát” đảo Hòn Tằm, phá hỏng hệ sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...