Thứ bảy, 20/04/2024 20:31 (GMT+7)

Công ty VWS đã sai phạm những gì tại Bãi rác Đa Phước?

MTĐT -  Thứ tư, 17/06/2020 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bãi rác Đa Phước được phê duyệt một đằng nhưng đơn vị thiết kế, xây dựng, vận hành là Công ty VWS lại thực hiện một nẻo khiến mùi hôi thối "bức tử" người dân thành phố nhiều năm qua.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (còn gọi là Bãi rác Đa Phước, ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) được phê duyệt một đằng nhưng đơn vị thiết kế, xây dựng, vận hành là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) lại thực hiện một nẻo khiến mùi hôi thối "bức tử" người dân thành phố nhiều năm qua.

Kiểm tra, xác minh theo đơn tố cáo của công dân, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều “vấn đề”, sai phạm tại Bãi rác Đa Phước. Trong đó có việc gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại, tái chế.

Mang rác đi chôn

Bãi rác Đa Phước do Công ty VWS làm chủ đầu tư, trên diện tích 128 ha, ở huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Đây là dự án có 100% vốn của nước ngoài từ Công ty California Waste Solutions (Mỹ), chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành. Bãi rác Đa Phước tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố và 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An).

Nơi này được thiết kết gồm 3 công trình: Nhà máy phân loại các vật liệu có thể tái chế, sử dụng các công nghệ tiên tiến; nhà máy chế biến phân compost và bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong đó, việc chế biến phân compost được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố trong việc xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong suốt những năm qua, VWS chỉ mang rác đi chôn lấp mà không tiến hành phân loại để tái chế, làm phân compost như đề án phê duyệt. Lý do mà phía Công ty VWS đưa ra là do thành phố không phân loại rác tại nguồn nên không thể vận hành được cho nhà máy phân loại, tái chế.

Ngoài ra, khi Bãi rác Đa Phước đi vào hoạt động từ năm 2007 đã bộc lộ hàng loạt thiếu sót. Trong đề án xin cấp phép, Công ty VWS khẳng định áp dụng nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, thực tế đơn vị vận hành Bãi rác Đa Phước chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống là chủ yếu, không phải công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.

Thanh tra Chính phủ kết luận: "Quá trình triển khai thực hiện công nghệ này cũng bộc lộ những mặt hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường". Tháng 6/2017, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VWS số tiền kỷ lục trong lĩnh vực môi trường là hơn 1,5 tỉ đồng.

Đô la hóa quan hệ kinh tế

Từ năm 2005, trước việc ông David Dương, Chủ tịch Công ty VWS xin đầu tư dự án, Bộ KHĐT từng cảnh báo rằng “nguồn tài chính chưa rõ và yêu cầu trả phí xử lý rác quá cao. Năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án”. Tuy nhiên, UBND TP.Hồ Chí Minh vào thời điểm đó vẫn đề nghị Chính phủ để cho Công ty VWS thực hiện dự án Bãi rác Đa Phước.

Thanh tra Chính phủ phát hiện có những thiếu sót trong việc đàm phán về đơn giá xử lý rác. Kết quả kiểm tra cho thấy, UBND TP.Hồ Chí Minh và nhà đầu tư thống nhất giá xử lý rác là 16,4USD/ tấn rác; chấp thuận nguyên tắc đơn giá có thể thay đổi theo mức tăng hoặc giảm hằng năm không quá 3%.

Theo giải trình thì việc cấu thành đơn giá xử lý rác đã được trình bày trong hồ sơ dự án. Tổng chi phí của dự án trên 426,5 triệu USD, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng và mua sắm máy móc thiết bị, đóng bãi gần 118 triệu USD; chi phí xử lý vận hành trên 308 triệu USD.

Tuy nhiên, cơ quan thanh tra khẳng định tổng chi phí của dự án này được xây dựng chưa phù hợp với quy định Việt Nam. Việc xác định đơn giá xử lý là 16,4 USD/ tấn rác không tuân theo các định mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành và hướng dẫn áp dụng, là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, trong kết luận thanh tra, giá xử lý rác tại Đa Phước cũng cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với Công ty VWS là 20,9 USD/ tấn (hơn 480 nghìn đồng), còn Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố là 360.000 đồng/tấn.

Kết luận thanh tra nêu, việc định giá niêm yết và ký kết hợp đồng bằng đô la (USD) và thanh toán theo tỷ số bán ngoại tệ của Ngân hàng Vietcombank về bản chất là đô la hóa quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối.

Trước những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty VWS khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã tồn tại bấy lâu. Tuy nhiên, Công ty VWS vẫn để mùi hôi tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Người dân đang tiến hành kiện Công ty VWS

Để giành lại bầu không khí trong lành, cư dân Nam Sài Gòn (gồm quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) đang nhờ luật sư tư vấn pháp lý để tiến hành khởi kiện Công ty VWS, chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Theo Ngày nay

Bạn đang đọc bài viết Công ty VWS đã sai phạm những gì tại Bãi rác Đa Phước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất