Thứ bảy, 20/04/2024 03:34 (GMT+7)

Công ty XD Cầu đường Hà Nội bỏ qua bước bảo vệ môi trường và an toàn giao thông khi làm dự án?

TH -  Thứ năm, 23/06/2022 12:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty CP Xây dựng Cầu đường Hà Nội là đơn vị đang thi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai. Nhưng đơn vị này dường như đang bỏ qua các bước bảo vệ môi trường và an toàn giao thông?

Thực hiện tuyến bài viết tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, đất đai, văn minh đô thị trên địa bàn huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ghi nhận nhiều chỉ đạo tích cực của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng trong việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý đất đai trên địa bàn huyện.

Cùng với những nét tích cực đó, PV đã ghi nhận hàng loạt bất cập về môi trường và an toàn giao thông, tại dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội đang thực hiện.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội đang thi công Dự án: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai thay UBND huyện Thanh Oai làm đại diện chủ đầu tư.

Được tin tưởng giao thực hiện dự án quan trọng, vậy nhưng, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội lại đang có dấu hiệu bỏ qua những quy định bắt buộc của pháp luật, về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công dự án, không đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.

Ghi nhận của PV trong những ngày trung tuần tháng 6/2022 tại đây cho thấy: có máy xúc đang bóc tách lớp đất, nhựa đường thừa thải trong quá trình thi công dự án... Sau đó múc lên nhiều ô tô tải khác nhau, rồi nối đuôi nhau mang đi đổ và san lấp tại một khu đất nông nghiệp thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ở bãi đổ này, luôn có máy xúc túc trực để san gạt, lấp đất thải thừa này xuống các khu vực ruộng sâu, trũng.

tm-img-alt
Máy xúc đang múc đất, nhựa đường thừa thải lên xe ô tô từ Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai.
tm-img-alt
Các xe ô tô tập kết lấy đất đá thừa thải từ Dự án - nơi có mật độ giao thông lớn, nhưng không hề có biển cảnh báo hay cán bộ phân luồng.
tm-img-alt
Sau đó mang đi đổ tại một khu đất nông nghiệp thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai.

Đặc biệt, các xe ô tô chở đất thừa thải này không được che chắn kỹ, chạy qua trung tâm của thị trấn Kim Bài khiến đất rơi vãi, bụi bay mịt mù, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và đời sống người dân xung quanh.

tm-img-alt
Ô tô chở đất thải thừa không được che chắn kỹ, luồn lách chạy qua trung tâm thị trấn Kim Bài, Thanh Oai đi đổ.

Việc dùng đất thải thừa công trình để san lấp và tập kết trên đất nông nghiệp đã  dấy lên hoài nghi về việc: Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội có đang không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong thi công dự án? Bởi, chất thải công trình không được đem đi xử lý theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, mà lại được đổ, san lấp, tập kết không đúng quy định vào đất nông nghiệp.

tm-img-alt
Đất đá thải thừa sau khi được các xe ô tô đổ xuống, liền được các máy xúc túc trực để san gạt, lấp xuống các khu vực ruộng sâu, trũng.

Trong khi đó theo quy định, khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, các chủ dự án, nhà thầu thi công phải tuân thủ những quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường. Cụ thể, tùy từng công trình, chủ dự án phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí nhân sự phụ trách để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong khi thi công xây dựng; bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công...

Không chỉ "dính nghi vấn" bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường khi thi công dự án, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội còn vướng phải những hình ảnh cho thấy việc thi công không đảm bảo, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Cụ thể tại đây có nhiều hố ga đã hoàn thành nhưng nằm trơ nắp sâu hoắm, bên dưới ngập nước. Nhiều điểm thi công dỡ dang, bên trên bề mặt có các thanh sắt nhọn hoắt nhô lên, giống như bãi chông chờ bẫy người đi đường, tiềm ẩn tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đây... Tuy nhiên, tất cả đều không có biển cảnh báo, không hàng rào ngăn cách bảo vệ, hay phân làn đường...

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Những nguy hiểm rình rập người tham gia giao thông nhưng không được đơn vị thi công đặt hàng rào ngăn cách bảo vệ.

Nghiêm trọng hơn tại hiện trường PV ghi nhận, nhiều điểm công trường có máy móc đang làm việc, xung quang phương tiện tham gia giao thông tấp nập, những không hề có công nhân phân luồng, hay biển cảnh báo.

tm-img-alt
tm-img-alt
Máy móc đang thi công nhưng không được cảnh báo, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Mặt khác, các vật liệu xây dựng được đổ tràn lan ra đường nhưng cũng không hề có biển cảnh báo.

tm-img-alt
Đất dùng để thi công được đổ ra lòng đường nhưng cũng không hề có biển cảnh báo để người tham gia giao thông biết

Biển báo công khai thông tin về dự án bị tháo dỡ, sau đó vứt chỏng chơ bên trong Ban chỉ huy công trường. Chỉ khi PV vào hỏi mới được công nhân trong này chỉ và lật lên để xem.

tm-img-alt
Biển báo công khai dự án bị tháo dỡ, sau đó vứt chỏng chơ bên trong Ban chỉ huy công trường

Để làm rõ thông tin trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát khi để xảy ra những vi phạm về môi trường, đất đai, nguy hiểm tính đến tính mạng của người dân và giấy tờ pháp lý đảm bảo môi trường khi thực hiện dự án?, Phóng viên đã có những trao đổi nhanh với ông Trần Xuân Thủy – Chỉ huy trưởng công trình Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai.

Về nội dung điểm đổ đất thừa thải trái quy định trên đất nông nghiệp, ông Thủy cho biết: “Vị trí đổ đất có thuê bãi đổ tạm. Sau này chuyển vật liệu đổ thải đó đến nơi quy định. Chúng tôi thuê bãi đổ trên xã Bình Minh, chỗ anh Nhu – Chủ tịch”.

Phóng viên hỏi, khi thuê bãi đổ đất thải trên xã Bình Minh thì Công ty có làm hợp đồng không? Ông Thủy liên trả lời rằng “có”.

Khi PV đề xuất xin hợp đồng thuê bãi đổ đất thải; kế hoạch bảo vệ môi trường và bãi đổ thải được phê duyệt khi làm dự án, thì ông Thủy cho biết: cái này có người của công ty làm và giữ. Sau đó, ông Thủy bảo PV liên hệ với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai để lấy thông tin.

Còn các biện pháp về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công dự án, ông Trần Xuân Thủy cho khẳng định: Chúng tôi làm dự án đều theo quy trình. Chúng tôi có xe chuyên dụng tưới đường 24/24. Trên tất cả diện thi công của đơn vị đang làm đều có hệ thống biển báo. Những phạm vi ra vào nhiều đều có người đảm bảo an toàn giao thông...

Nhưng nếu nhìn những hình ảnh bên trên thì có thể thấy: các biện pháp về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công dự án không hề được thực hiện theo quy trình như ông Thủy chia sẻ.

Để tiếp tục minh bạch thông tin về việc có phải UBND xã Bình Minh, huyện Thanh Oai cho Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội thuê bãi là khu đất nông nghiệp để đổ, lấp, tập kết đất thải công trình, PV đã liên hệ xác minh thông tin qua số điện thoại với ông Nguyễn Duy Nhu, Chủ tịch UBND xã Bình Minh.

Thật bất ngờ, ông Nhu khẳng định: “Xã không cho đổ vào đấy đâu. Sao cho đổ được. Chúng tôi có hợp đồng gì đâu, anh bảo họ bỏ hợp đồng ra đây. Xuất trình hợp đồng với xã đi xem nào. Họ cứ nói thế thôi chứ...”.

Nếu theo như cầu trả lời của ông Nhu, thì phải chăng Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội đang tự vẽ ra căn cứ để tự do mang đất thải thừa dự án đi đổ và san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn xã Bình Minh?

Tuy nhiên, Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Cùng với đó là trách nhiệm kiểm tra, giám sát của đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai với đơn vị thi công. Vậy nhưng không hiểu sao, sự việc trên vẫn ngang nhiên diễn ra công khai giữa ban ngày.

Qua nội dung trao đổi của PV với các bên, cùng với hàng loạt tồn tại ở Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai, dư luận có quyền đặt câu hỏi về năng lực nhà thầu? Tại sao một gói thầu quan trọng mà công tác bảo vệ môi trường lại được thực hiện thiếu đồng nhất như vậy? Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đất đai, tạo tiền đề cho sự phát triển chung để huyện Thanh Oai trở thành Quận vào năm 2028 theo mục tiêu đề ra, kính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội; Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội; Sở Xây dựng TP. Hà Nội; UBND huyện Thanh Oai và các Ban, Ngành liên quan... vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công và các bên liên quan khi đã, đang để xảy ra những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu đường Hà Nội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng ký lịch tiếp nhận thông tin với đại diện chủ đầu tư là: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai và các bên liên quan. Kết quả của sự việc sẽ tiếp tục thông tin !

Riêng về công tác bảo vệ môi trường, đất đai..., trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đã ký ban hành nhiều Chỉ thị yêu cầu các Phòng, Ban, Xã, Thị Trấn phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sai phạm về môi trường, đất đai trên địa bàn.

Trong đó, phải kể đến các Chỉ thị như: Số 14/CT-UBND ngày 13/10/2021; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 24/8/2021; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/10/2020.

Bạn đang đọc bài viết Công ty XD Cầu đường Hà Nội bỏ qua bước bảo vệ môi trường và an toàn giao thông khi làm dự án?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...