Thứ năm, 18/04/2024 09:37 (GMT+7)

Cốt nền đô thị và sự bất cập trong cảnh quan đô thị

MTĐT -  Thứ bảy, 11/09/2021 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đang mở rộng những con đường khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, việc đường được mở ra cũng là lúc những câu chuyện “dở khóc, dở cười” xuất hiện khi nhà bỗng dưng trở thành “hầm” hay nền nhà dân cao chênh vênh so mặt đường.

Mấy năm trước, tuyến đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) mở rộng, nhiều ngôi nhà từ trong ngõ được mở ra trở thành mặt phố. Hai bên đường, các hộ dân sau giải phóng mặt bằng cũng khẩn trương xây sửa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trái với con đường to rộng là tình trạng xây sửa nhà cửa hai bên đường hết sức tùy tiện, lộn xộn. Nhà thì quá cao, nhà thì lại như lọt thỏm so bề mặt đường, những ngôi nhà cứ khấp khểnh khiến tuyến đường tuy được mở rộng đẹp đẽ nhưng cảnh quan hai bên đường thì rất khập khiễng.
tm-img-alt
Ảnh minh họa
Gần đây, tuyến đường vành đai 2 dưới thấp (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng) đang gấp rút thi công và sắp hoàn thành. Tại tuyến đường này, hệ thống điện, vỉa hè, cây xanh đã cơ bản hoàn thiện, hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho tuyến đường vốn nhiều năm bị coi là “con đường đau khổ”. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy những bất cập liên quan nhà ở, cảnh quan tại tuyến đường này còn khá lộn xộn. Ngay sau khi giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã bắt tay sửa chữa, hoặc xây mới nhà cửa trước khi chủ đầu tư làm đường sau mở rộng. Nhà xây sau lại cao hơn nhà xây trước, thậm chí có gia đình đề phòng sự thay đổi cốt nền đường sau này nên xây cao hơn mặt đường đến cả mét. Tình trạng mạnh ai người ấy làm đang khiến diện mạo ngôi nhà tại những con đường mới cải tạo ở Thủ đô đang loạn nhịp.
Đi dọc tuyến đường theo hướng cầu Vĩnh Tuy - Đại La, có khá nhiều nền nhà dân cao hoặc thấp hơn so mặt vỉa hè từ 30 - 40 cm, có những ngôi nhà nền cao hơn mặt đường đến 1 m. Ở phía đường đối diện, cốt nền một số khu vực lại thấp hơn rất nhiều. Khó hiểu ở chỗ, cùng là một con đường được mở rộng nhưng bên cao, bên thấp rất lộn xộn. Thực tế, tuyến đường này chưa có quy hoạch chi tiết hai bên, mà chỉ có văn bản hướng dẫn tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc công trình hai bên do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội ban hành nên mới có tình trạng khấp khểnh như vậy.
Tại quy hoạch chung TP Hà Nội, việc quản lý cốt nền xây dựng đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, tại các quy hoạch chi tiết cụ thể cho từng khu vực, dự án thì lại chưa được chú trọng, dẫn đến việc thực hiện mỗi nơi một kiểu. Trước đây, các tuyến đường như Trần Khát Chân kéo dài, Xã Đàn, Lạc Long Quân… sau khi cải tạo, mở rộng cũng đã gặp phải vấn đề trên khiến dư luận bức xúc. Vấn đề ở chỗ, dù đã được thiết kế quy hoạch rõ ràng, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nhưng sau khi thi công, cảnh quan kiến trúc ở nhiều nơi vẫn lôm nhôm, gây mất mỹ quan đường phố và khiến tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng. 
Tại khu vực trung tâm, người ta thường hay đổ lỗi do quy hoạch từ xưa để lại, thế nhưng ở những khu đô thị mới, tình trạng này cũng không khá hơn. Điển hình như các khu đô thị phía tây tại huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, quận Bắc Từ Liêm… sau những cơn mưa lớn là lập tức bị chìm trong biển nước. Điều này xuất phát từ hệ thống hạ tầng thoát nước của những khu vực này còn yếu kém, chưa được kết nối đồng bộ giữa các khu vực với nhau hoặc chưa khớp nối vào hệ thống chung của toàn thành phố. Ngoài ra, việc không tuân thủ các quy chuẩn về cốt nền khiến các khu đô thị có nơi nền cao, có nơi nền thấp nên khi trời mưa lớn kéo dài, những nơi có cốt nền thấp trở thành vùng úng ngập bởi nguyên tắc nước chảy chỗ trũng.
Theo các chuyên gia đô thị, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát, phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước đô thị chưa được chú trọng, đánh giá đầy đủ về điều kiện địa hình, địa lợi trong các khu dân cư. TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay việc quản lý cốt nền thiếu sự đồng bộ, thống nhất chung nên xảy ra tình trạng tùy tiện xây dựng và bỏ qua quy định chung về sử dụng cốt nền đô thị. Chưa kể, sau khi quy hoạch, các công trình được cấp phép xây dựng mới vẫn dựa theo cốt nền cũ nên khi xây dựng thường xảy ra tình trạng nền nhà thấp hơn đường. Ngoài ra, hệ thống thoát nước hiện đầu tư chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng nhu cầu, cùng hệ thống ao, hồ ở nội đô bị lấn chiếm hoặc bị san lấp… Vì vậy, chỉ cần mưa lớn kéo dài mấy giờ đồng hồ là hàng loạt tuyến đường lập tức ngập sâu.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cốt nền đô thị và sự bất cập trong cảnh quan đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.