Thứ sáu, 29/03/2024 02:02 (GMT+7)

Covid-19 thúc đẩy kinh tế số gắn với phát triển đô thị

MTĐT -  Thứ sáu, 17/04/2020 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMVN 4.0) cho Việt Nam phương tiện, công cụ “đi tắt đón đầu” đúng hướng cùng thế giới tiến bộ. Vấn đề còn lại là con người, thể chế và niềm tin khát vọng đổi mới lớn đến đâu

Do đại dịch Covid-19 kéo dài, các nước đang phát triển như Việt Nam hiện ở mức 2.0-3.0 thường mất rất nhiều thời gian bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 lại sớm có cơ hội tốt để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số phát triển nhanh hơn tạo lập cách sống mới, văn hóa mới trong xây dựng phát triển đô thị. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMVN 4.0) cho Việt Nam phương tiện, công cụ “đi tắt đón đầu” đúng hướng cùng thế giới tiến bộ. Vấn đề còn lại là con người, thể chế và niềm tin khát vọng đổi mới lớn đến đâu.

Trong một thời gian rất ngắn, tới nay virus Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã làm lây nhiễm hơn 1 triệu người và hàng chục nghìn người tử vong trên thế giới. Dịch cúm Covid-19 đã bùng phát trở thành đại dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất thế giới trong vòng 100 năm qua và tác động không giới hạn tới con người không phân biệt chủng tộc, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, giới tính,…với tốc độ lây lan chóng mặt, chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại. Tất cả các biện pháp như giãn cách cộng đồng (social distancing), cách ly dân số, đeo khẩu trang, xét nghiệm quy mô lớn, phong tỏa,…đều là giải pháp tình thế tránh việc quá tải của hệ thống y tế cộng đồng nhằm chờ tới khi thế giới tìm ra vaccine, thuốc đặc trị loại trừ virus Covid 19 một cách hoàn toàn. Trong khi chưa tìm ra loại vaccine hữu hiệu thì mọi thứ đều đình trệ và nhiều nước đã phải đóng cửa biên giới với các nước khác. Các thành phố trước đây luôn rất đông đúc, nhộn nhịp, liên tục xảy ra tắc nghẽn giao thông đã trở lên hoang vắng lạ thường, kèm theo là không khí bớt ô nhiễm.

Thành phố New York, Mỹ vắng vẻ do Covid

Thành phố hoang vắng tại Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm ở mức kỷ lục hơn 30% chỉ trong vòng một tháng, nạn thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên tới 20%; tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 3%. Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp, 40% GDP và giải quyết 50% công ăn việc làm trong xã hội bị ảnh hưởng (mất hoặc giảm thu nhập) dẫn tới suy giảm nguồn lực, tích tụ kinh tế và có thể sẽ bị phá sản trước khi nền kinh tế trở lại bình thường.

Các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhất là các ngành dịch vụ sản xuất, giải trí, du lịch, bất động sản. Các nước đều đã sử dụng các gói kinh tế cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ người dân, người lao động khi việc làm suy giảm, thất nghiệp ngày càng gia tăng. Lúc này, sự lựa chọn bảo vệ sinh mạng con người là điều quan trọng nhất đã làm thế giới chia rẽ, bị thiệt hại kinh tế, mọi người đều khốn khổ như nhau nhưng việc quyết định cho tương lai cũng đáng giá và cấp thiết.

Chính phủ điện tử, hệ thống thương mại điện tử, AI, IoT, finteck, logistics,…dần phổ biến, nay bị cưỡng ép bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ tăng tốc phát triển nhanh hơn. Sự khủng hoảng về cả vật chất lẫn tinh thần có xu hướng bị dồn nén ngày càng lớn lên, kéo dài và nhu cầu tìm một lối thoát tất yếu xảy ra ví như sự xuất hiện của một cuộc cách mạng. Cách mạng kinh tế số sẽ nhanh chóng bùng nổ trên quy mô toàn cầu.

Dịch Covid-19 có thể đẩy lùi văn minh xã hội hay xóa đi thành quả tăng trưởng kinh tế xã hội quốc gia hàng chục năm. Việc cạnh tranh, sinh tồn, phát triển đã rất khó trong môi trường bình thường nên việc tái thiết cuộc sống, xây dựng, phát triển kinh tế sau dịch bệnh đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết liệt trong tư duy, hành động tức thời cũng như cần thiết có triết thuyết xương sống dẫn dắt cho sự phát triển mới, lâu dài. Việc tái thiết, phát triển nền kinh tế không chỉ là trách nhiệm dẫn dắt của Chính phủ mà còn từ sự chủ động cùng nghĩ, cùng làm của từng tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân.

Cho dù dịch bệnh có mang tính ngắn hạn nhưng khi nền kinh tế bị suy thoái sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, người tiêu dùng, của doanh nghiệp, ngân sách quốc gia và sẽ tác động tới quá trình xây dựng phát triển đô thị 1 cách dài hạn. Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong không gian vật lý, giãn cách xã hội đã thúc đẩy, tăng cường việc tiếp xúc gián tiếp thông qua không gian ảo. Các lĩnh vực như giáo dục đào tạo trực tuyến, giải trí online, mạng xã hội, viễn thông, logistic, thương mại điện tử trở lên thiết yếu tương tự như đồ ăn, thức uống, dịch vụ sức khỏe y tế, điện nước hàng ngày.

Mô hình phát triển đô thị theo hướng không gian mở, hội nhập kinh tế toàn cầu mang tính quy luật và giải pháp tình thế đóng kín, tự túc để đối phó với dịch bệnh không thể là căn cứ, cơ sở để thay đổi tư duy, phương pháp cũng như trở thành giải pháp phổ biến trong quy hoạch phát triển đô thị tương lai.

Xu thế chuyển đổi tư duy phát triển đô thị chỉ thuần túy kinh doanh bất động sản nhà ở, chia lô bán nền, kinh tế tiêu dùng phổ biến trên tất cả các địa phương sang tư duy phát triển đô thị gắn với kinh tế số, Chính phủ điện tử (CPĐT), đô thị thông minh đang được lưu ý hơn trước. Tuy nhiên việc xây dựng lý luận, quy định, pháp luật chi tiết hướng dẫn xây dựng phát triển đô thị gắn với kinh tế số chưa được quan tâm, nhận thức đúng mức.

Phát triển đô thị gắn với kinh tế số là tất yếu

Ngành y tế, giáo dục đào tạo, viễn thông,… đã đang ứng dụng tối đa các công nghệ cao hiện có để sản xuất, phục vụ, chạy đua đáp ứng các nhu cầu như: Sản xuất khẩu trang, thuốc, nước sát khuẩn, kit xét nghiệm, giáo dục đào tạo trực tuyến, giải trí online,… trong cuộc chiến với Covid-19. Đây là bước ngoặt trong tư duy phát triển kinh tế và đô thị bởi chính dịch bệnh này kéo dài đã thay đổi từ phương thức tổ chức dịch vụ sản xuất tới thái độ, thói quen, lối sống, cách làm việc, hưởng thụ cuộc sống của con người.

Tư duy mới trong xây dựng phát triển đô thị lấy kinh tế số, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 làm cốt lõi, trọng tâm sẽ là động lực mới, nguồn lực mới cho việc phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế- cho dù việc chuyển từ tư duy đúng sang hành động đúng thường mất rất nhiều thời gian, công sức. Kinh tế số bổ trợ, song hành cùng kinh tế truyền thống và sẽ không thể có giải pháp nào tốt hơn, hiệu quả hơn nhờ sự không ngừng nghỉ, không bao giờ gián đoạn kể cả trong thời kỳ bị cô lập, đình trệ vì dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và luôn tăng trưởng nhờ chuyển đổi số, kinh tế số.

Ngành, lĩnh vực nào sớm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức quản lý điều hành sẽ không bị tụt hậu, không bị bỏ lại phía sau và sẽ có hiệu quả cao. “Đô thị thông minh” thường có nền kinh tế số phát triển mạnh và “nhà thông minh” xuất hiện cùng công dân số, doanh nghiệp số sẽ hiện thực việc xã hội hóa sản xuất, cá nhân hóa sản xuất, dần hình thành cộng đồng xã hội số ngày càng sáng tạo, rộng mở.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận lại sự cần thiết của mô hình phát triển đô thị cân bằng, bền vững, bao trùm và không chỉ lấy yếu tố đạt tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn phải cân bằng giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp, giữa kinh tế và môi trường, xã hội, chú trọng thêm các không gian dự trữ phát triển, đầu tư đồng bộ không gian công cộng phục vụ các dịch vụ thiết yếu đô thị.

Qua quan sát tình hình dịch Covid-19 trên thế giới thì dường như các thành phố càng phát triển nóng về kinh tế, hội nhập toàn cầu mạnh, thu nhập cao lại là nơi dịch bùng phát nhanh, nhiều nhất trong khi các nơi có sự cân bằng về kinh tế với môi trường sinh thái, thu nhập trung bình- thấp thì dịch bệnh lại chậm hơn, ít hơn và cuộc sống ít khủng hoảng hơn.Phát triển nền kinh tế số, CPĐT, AI, logistics,… sẽ giải quyết tốt tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và các vấn đề đô thị hiện đang rất nghiêm trọng.

Khi vượt qua được các thách thức trì trệ trong tư duy, lợi ích nhóm ngành, tính phân mảnh, không đồng bộ trong xây dựng thể chế, nền tảng hạ tầng,công nghệ cốt lõi,… sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, hình thành nền kinh tế số mạnh, phát triển công dân số, cũng như đảm bảo hệ thống điều hành quốc gia thông suốt, kịp thời, an ninh an toàn. Lối sống mới, văn hóa mới thời kinh tế số là tiền đề xây dựng phát triển đô thị bền vững sau này.

Đô thị là nơi tích tụ, thể hiện, bộc lộ hình thái phát triển cao nhất của tất cả các lĩnh vực ngành nghề của nền kinh tế và việc chọn đúng lĩnh vực kinh tế số làm trọng tâm, tập trung phát triển sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, tạo động lực mới, nền tảng mới, không gian mới, văn hóa mới đưa con người trở lên mạnh mẽ, sáng tạo,vượt qua mọi thách thức,dịch bệnh và sớm đưa Việt Nam trở lên hùng cường, bắt kịp CMCN 4.0.

Theo TS.KTS. Lê Xuân Trường - Tạp chí kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Covid-19 thúc đẩy kinh tế số gắn với phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.