Thứ năm, 25/04/2024 01:40 (GMT+7)

Cty Minh Quân “phủi tay” khi chưa hết gói thầu sẽ phải xử lý ra sao?

Lam Vy -  Thứ sáu, 08/01/2021 15:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cty Minh Quân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị thu gom rác, để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thì phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại.

Công nhân bị nợ lương, đình công không thu gom rác, rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị,… là thực trạng diễn ra trong thời gian vừa qua khiến dư luận vô cùng bức xúc khi nhắc tới đơn vị thu gom, vận chuyển rác Minh Quân nay đổi tên thành  Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.

Mới đây nhất là vào cuối tháng 12/2020, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Công nhân bị nợ lương, rác ngập ngụa trên các tuyến phố”. Lý do của lần này cũng giống với những lần trước, công nhân vệ sinh môi trường đang bị nợ lương, nên nghỉ việc tập thể. Nhiều xe cuốn ép của công ty cũng đang bị hỏng, cũ kỹ nên dẫn đến ùn ứ rác trên địa bàn.

Tình trạng rác thải ùn ứ không được di chuyển gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, dù đến hết ngày 31/12/2020 gói thầu thu gom, duy trì VSMT giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng (do Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thực hiện) mới kết thúc nhưng chưa hết hạn gói thầu đơn vị thu gom rác này đã “phủi tay” để lại khối lượng lớn rác thải tồn đọng tại quận Nam Từ Liêm và huyện Mỹ Đức.

Để hiểu rõ hơn dưới góc độ pháp lý về đơn vị thu gom rác liên tục gây ô nhiễm môi trường sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo luật sư, với việc Cty Minh Quân trúng thầu nhưng không thực hiện hết trách nhiệm của doanh nghiệp trúng thầu gây ô nhiễm môi trường cho nhiều người dân trên địa bàn trong thời gian dài thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường:  Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải.

Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Điều 18 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định quản lý chất thải và phế liệu và Khoản 6 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường như sau:

  1. Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
  2. Thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư.
  3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
  4. Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này.
  5. Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
  6. Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
  7. Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
  8. Định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
  9. Bảo đảm các phương tiện vận chuyển, thiết bị lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu vực lưu giữ (nếu có) đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định tại điểm A và điểm B Phụ lục II Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP. Bảo đảm thời gian thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không được quá 02 ngày.
  10. Trường hợp chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng thời thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
  11. Chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng sau:

a) Chủ cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có chức năng phù hợp;

b) Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có hợp đồng với chủ cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để chuyển giao cho chủ xử lý theo quy định tại điểm a khoản này.

  1. Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn sinh hoạt cho mỗi lần tiếp nhận quy định tại Phụ lục IV Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP.
  1. Lập các báo cáo sau:

a) Báo cáo quản lý chất thải rắn sinh hoạt định kỳ hàng năm;

b) Báo cáo đột xuất về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp chủ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng hoặc không đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Khoản 11 điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Hiện nay đã có những cơ chế, chế tài xử phạt nào đối với các đơn vị thu gom và vận chuyển rác không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân?

Luật sư Đặng Văn Cường: Điều 160 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, Khoản 6 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường gửi cơ quan chức năng theo quy định;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định; bố trí thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trong quá trình vận chuyển.

Đây là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về bồi thường thiệt hại về môi trường thì Luật bảo vệ môi trường quy định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau: Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc Xác định thiệt hại đối với môi trường được hướng dẫn bởi Nghị định 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ.

Công ty Minh Quân – đơn vị thu gom rác trên địa bàn một số quận của Thành phố Hà Nội tuy chưa hết thời gian thực hiện gói thầu mà đã “phủi tay” để tồn đọng khối lượng lớn rác thải. Đứng dưới góc độ pháp lý, trách nhiệm của Công ty Minh Quân đến đâu trong sự việc này, và chế tài, biện pháp xử lý như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trách nhiệm, nghĩa vụ của Công ty Minh Quân – đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải được quy định tại Điều 18 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định quản lý chất thải và phế liệu và Khoản 6 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường; cũng như được quy định tại Hợp đồng Công ty Minh Quân ký kết với chủ đầu tư là các UBND quận, huyện, thị xã.

Thực tế, Công ty Minh Quân khi trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường cụ thể là thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì vệ sinh trên địa bàn thì phải bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển. Trường hợp trong quá trình Công ty thực hiện công việc mà các địa điểm phải thu gom rác thải vẫn còn tồn đọng khối lượng lớn rác thải, gây ô nhiễm môi trường, nhân viên công ty không thực hiệnthu gom, vận chuyển rác thải đúng thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư thì công ty không thể tránh khỏi trách nhiệm liên can.

Trường hợp này, chủ đầu tư có quyền kiểm tra, đôn đốc công ty thực hiện công tác khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải. Nếu tình trạng tồn đọng rác, ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra ở nhiều nơi mà Công ty thu gom không có bất kỳ cách thức nào khắc phục thì Thanh tra thành phố và Thanh tra Sở xây dựng phải tiến hành thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường của Công ty Minh Quân để xác định công ty có sai phạm không và sai phạm đến đâu để có biện pháp xử lý. Nếu có hành vi vi phạm thì có công ty này có thể xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại về môi trường nếu có.

Ngoài ra, trường hợp Công ty Minh Quân thực hiện gói thầu về dịch vụ vệ sinh môi trường mà vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư có thể xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Minh Quân, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu theo quy định tại Khoản 11 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Cty Minh Quân “phủi tay” khi chưa hết gói thầu sẽ phải xử lý ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành