Thứ sáu, 29/03/2024 18:58 (GMT+7)

Cử tri kiến nghị tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon

MTĐT -  Thứ tư, 30/10/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong kiến nghị gửi về Quốc hội, cử tri Bình Dương kiến nghị nhà nước tăng thuế cao đối với các sản phẩm từ túi nhựa để hạn chế sử dụng, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Tiếp nhận kiến nghị của cử tri Bình Dương đề nghị tăng thuế đối với túi nilon để khắc phục ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính sẽ xem xét khi nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật thuế Bảo vệ môi trường bởi mức thuế hiện nay đã kịch trần.

Trong kiến nghị gửi về Quốc hội, cử tri Bình Dương phản ánh, hiện nay, tất cả các loại rác thải từ túi nhựa qua sử dụng thải ra môi trường đang gây ô nhiễm, do đó kiến nghị nhà nước tăng thuế cao đối với các sản phẩm từ túi nhựa để hạn chế sử dụng, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Thay mặt Chính phủ giải đáp kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết: Tại Khoản 3 Điều 2 Luật thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 quy định: Túi nilon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.

Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 quy định: Căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ và mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Theo Điều 1 Nghị định số 69/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường quy định túi nilon thuộc diện chịu thuế, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, Luật thuế Bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT. Luật quy định khung mức thuế và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể. Túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường không thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 26/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế BVMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg - là mức cao nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi hộ gia đình sử dụng trung bình khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Như vậy, nếu đánh thuế BVMT đầy đủ lượng túi nilon được tiêu thụ theo quy định hiện hành thì ngân sách nhà nước sẽ có thêm nhiều chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng thực tế, theo số liệu Bộ Tài chính công bố thì số tiền thu thuế BVMT từ túi nilon là rất hạn chế. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT trong những năm qua như sau: Năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 19,1 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến số thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không nhiều là do theo quy định, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi ni lông thì lượng nguyên liệu nhựa PE sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, để hạn chế sử dụng túi nilon, vấn đề không nằm ở chính sách thuế. Việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon.

TS Vũ Đình Ánh lại đề xuất giải pháp mạnh hơn, đó là cấm triệt để các loại túi nilon không thân thiện với môi trường: “Khi cấm túi nilon, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Qua đó, sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn. Ngược lại, nếu túi nilon vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế thì sẽ không giải được bài toán hạn chế túi nilon” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cử tri kiến nghị tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới