Cử tri TP.Hồ Chí Minh đề nghị giám sát dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng
Chiều 27-6, tổ đại biểu HĐND TP HCM khóa X (đơn vị số 2) đã có buổi tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri thuộc 13 phường khu vực 2 TP Thủ Đức đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề như: dự án giao thông chậm tiến độ, chậm giải quyết khiếu nại, tình trạng ngập trên diện rộng, tăng giá xăng, cải cách giáo dục, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, dịch bệnh sốt xuất huyết, phòng chống tham nhũng, lãng phí, dự án "treo"…
Cử tri Lê Quang Liêm (phường Tăng Nhơn Phú A) bức xúc vì ngập vẫn nghiêm trọng và xảy ra trên diện rộng dù thành phố đã đầu tư rất nhiều kinh phí, công sức. Ngoài ra, ông Liêm đề nghị các đại biểu quan tâm sâu sát hơn nữa đến vấn đề cải cách giáo dục, đặc biệt là chương trình thay sách giáo khoa để không gây lãng phí cho Nhà nước.
Trong khi đó, cử tri Trần Ba (phường Tăng Nhơn Phú B) phản ánh vấn đề chậm trễ thực hiện di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. Theo ông, trước đây thành phố đưa ra chương trình di dời hơn 20.000 căn và trước mắt là di dời 6.500 căn, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.
Cử tri đề nghị HĐND TP có kế hoạch giám sát vấn đề này để nhận diện các tồn tại, đưa ra hướng xử lý và thông báo cho người dân biết. Đặc biệt, thành phố đang bước vào mùa mưa và ngập ở nhiều nơi, cử tri đề nghị giám sát dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng bị "đắp chiếu" thời gian dài.
Cử tri Võ Văn Quang (phường Phú Hữu) cho hay giá xăng tăng kỷ lục, rồi vật giá leo thang khiến cuộc sống người dân càng khó khăn, khó bề xoay sở sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị TP HCM cần mạnh dạn kiến nghị có cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để phát triển tương xứng với quy mô dân số, sức đóng góp cho ngân sách và mục tiêu đặt ra khi thành lập TP Thủ Đức.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Hoàng bức xúc vì hạ tầng giao thông TP Thủ Đức còn hạn chế nhưng lại để tình trạng nhiều cây cầu huyết mạch như Nam Lý, Tăng Long, Long Đại nằm "trơ xương" nhiều năm qua. Ngoài ra, nhiều tuyến đường nâng cấp cũng chậm tiến độ, không đạt yêu cầu.
"Mấy cây cầu rơi vào tình trạng như thế có lãng phí hay không? Ai chịu trách nhiệm vấn đề này? Khi khởi công lại có đảm bảo chất lượng? Tiền làm cầu là tiền của dân chứ không phải ở đâu rơi xuống. Và khi nào thành phố làm đường Vành đai 2 cho dân đỡ khổ" – ông Dũng đặt vấn đề.
Phản hồi ý kiến cử tri, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết các dự án cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây cũng là khó khăn chung của các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố.
Theo ông Phụng, thời gian tới TP Thủ Đức sẽ tiếp tục tập trung xử lý các dự án hạ tầng bị vướng và mong muốn người dân đồng hành cùng chính quyền trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Sắp tới, cầu Long Đại sẽ triển khai thi công trở lại khi vài ngày trước đơn giá bồi thường đã được phê duyệt.
Lắng nghe và tiếp thu ý kiến cử tri, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị đối với những vấn đề người dân phản ánh, khiếu nại, các cơ quan chức năng cần gặp gỡ người dân để giải quyết, không để kéo dài.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị TP Thủ Đức cần chọn ra các dự án người dân phản ánh nhiều năm, nhiều lần để đối thoại, gặp gỡ giải quyết, không thể phó thác cho cơ quan chuyên môn. Theo ông, sự chậm trễ của các dự án là sự khổ nhọc của người dân.
"Tăng cường đối thoại, tiếp công dân giải quyết tới nơi tới chốn. Không có gặp gỡ đối thoại thì vấn đề kéo dài" – ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Nguyễn Vinh (T/h)