Thứ sáu, 29/03/2024 19:28 (GMT+7)

Cúng lễ Vu Lan và cô hồn Rằm tháng 7 như thế nào cho được lợi lạc?

MTĐT -  Thứ tư, 14/08/2019 12:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA đã có những chia sẻ về nghi thức cúng lễ Vu Lan và lễ cúng Cô hồn Rằm tháng 7 như thế nào cho được lợi lạc?

TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA

PV: Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7 âm lịch thì đông đảo gia đình người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đều sắm lễ để đi chùa cầu an, cầu siêu cho cha mẹ. Có nơi làm lễ Vu lan, có nơi lại coi là ngày Tết Quỷ, có nơi lại coi là ngày “xá tội vong nhân” …. Xin TS giải thích chi tiết về các ngày lễ trong tháng và nhất là ngày Rằm tháng 7?

TS Vũ Thế Khanh: Trong dân gian, người ta vẫn coi “Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân”, hay còn gọi là ngày cúng cô hồn. Có nơi lại gọi Rằm tháng 7 là Tết Quỷ.

Tại tư gia, các gia đình cũng thắp hương tưởng nhớ và làm mâm lễ cúng dâng, cầu nguyện cho người đã khuất..

 Ở nhiều nước Á Đông khác, ngày Rằm tháng 7 cũng là dịp để người sống tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà đã mất. Như ở Nhật gọi là lễ Obon. Chữ Bon này tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana. Còn ở Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn ra Hán ngữ là Vu Lan Bồn hoặc Ô Lam Bà Na. 

Ở Việt Nam giới Tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Vào độ trăng tròn tháng 7 âm lịch, gia đình Phật tử tại khắp mọi miền đất nước lại lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu, nhớ đến công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất... 

PV: Xin TS cho biết sự tích của Tết Quỷ, hay còn được biết đến là lễ cúng Cô hồn xá tội vong nhân?

TS Vũ Thế Khanh: Theo phong tục dân gian, vào ngày Rằm tháng 7, ở “cõi âm” mọi “tù nhân” ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được “xả trại” thoát ra khỏi cõi địa ngục.

Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Mỗi năm, Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày 2/7, để quỷ đói được trở lại cõi trần và đến đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, từ đêm 14/7 đến 15/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc đồ lễ cúng quỷ đói để cầu được bình an và được những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ.

Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói tránh đi thành cúng Cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.

Truyền thuyết kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi Thiền trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ (quỷ đói) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này bạch với đức Phật. Đức Phật bèn làm một bài chú cho A Nan đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa để được thêm phước. Bài thần chú này gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”.

Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung. Lễ cúng dần dần thành xá tội vong nhân, thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia…

Theo tâm linh  của người Việt, tín ngưỡng này được coi là một hành động nhân đạo, cứu giúp cho những cô hồn khốn khổ của thập loại chúng sinh cõi ngạ quỷ. Trong năm, lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch là lớn nhất, thường trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

PV: TS có thể cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo được xem là tối thiêng liêng của mỗi người khi hướng về các đấng sinh thành?

TS Vũ Thế Khanh: Đạo Phật đã có mặt trên đất nước ta từ đầu Công Nguyên, luôn hòa quyện với đời sống tâm linh người Việt và không ngừng phát triển, mang lại cho nền văn hóa Việt Nam những đặc trưng riêng biệt vừa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng mang triết lý Phật giáo sâu sắc. Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, là ngày mà những người con cháu hiếu thảo tiến hành nghi lễ báo ân cha me, ông bà, tổ tiên, phù hợp với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭) được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Lễ này trùng vào ngày Rằm tháng 7 của lễ Xá tội vong nhân (tết Quỷ) của phong tục Á Đông, trùng luôn Tết Trung nguyên của người Hán.

Lễ Vu Lan của Phật Giáo liên quan đến sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Ngài là đại đệ tử thần thông bậc nhất của Phật, là Bồ Tát đại hiếu, đã chứng đắc Lục thông La Hán. Sau khi mẹ  qua đời, Ngài đã dùng thiên nhãn soi khắp 6 nẻo luân hồi để tìm mẹ. Ngài vô cùng thương xót khi thấy mẹ đang bị đọa ở cõi ngạ quỷ lang thang đói khổ. Ngài đi khất thực được một bát cơm, liền dùng phép thần thông để dâng bát cơm cho mẹ. Bà Thanh Đề (mẹ Ngài) thấy bát cơm thì vui mừng khôn siết, một tay bốc ăn, tay kia che đi vì sợ có kẻ khác giành giật. Khi miếng cơm vừa đến miệng thì bỗng cháy thành than. Vì quá thương cảm, Mục Kiền Liên đến cầu xin Đức Phật cách giúp mẹ mình ra khỏi cảnh giới khổ đau. Đức Phật dạy rằng: Thần thông không cải được nghiệp, ông không thể dùng phép thuật thần thông để mở cửa ngục được, mà hãy mời các Chánh Tăng lập Pháp đàn chẩn tế đồng tâm cầu nguyện trợ duyên cho mẹ . 

Vâng lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã cúng dường và thỉnh chư Tăng lập đàn chẩn tế cho mẹ ngài vào đúng ngày 15/7 (là ngày kết thúc khóa an cư kiết hạ của Tăng Ni). Khi Pháp hội chẩn tế vừa xong thì mẹ của ngài lập tức ra khỏi cảnh giới Ngạ quỷ.

Bà Thanh Đề (mẹ ngài Mục Kiền Liên) nói rằng: “nhờ công đức của các vị Thánh Tăng cứu giúp nên mẹ mới có cơ hội thoát khỏi địa ngục, vậy con hãy đền ơn các vị Thánh Tăng bằng cách đi cứu giúp những chúng sinh còn đang bị đọa nơi địa ngục".

Mục Kiền Liên làm theo lời mẹ, phát đại nguyện rằng: “Bất kỳ chúng sinh nào còn trong địa ngục, nếu nguyện đến Ngài thì Ngài sẽ đến cứu giúp cho chúng sinh đó được giải thoát. Khi nào địa ngục không còn bóng người thì Ngài mới lên ngôi CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC”.

Theo gương ngài Mục Kiền Liên, những người con hiếu thảo cũng lập HỘI VU LAN để cúng dường Tam Bảo, thỉnh các chư Tăng lập đàn chẩn tế để cứu độ thất tổ cửu huyền, cứu độ lục thân 7 đời cha mẹ, bố thí cúng dường cho thập loại chúng sinh. Đó chính là ý nghĩa cao đẹp của Lễ Vu Lan được tổ chức vào dịp 15 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của việc cúng Rằm tháng 7 dường như không quan trọng, mà điều linh thiêng hơn là vào ngày đó, một cây cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của Dương thế và cõi Âm (thế giới của người chết).

PV : Cúng Rằm tháng 7, nên cúng đồ mặn (thịt cá) hay cúng chay? 

TS Vũ Thế Khanh: Cúng chay hay mặn là do tín ngưỡng của mỗi người. Tuy nhiên, vong linh đã mất không thể ăn trực tiếp vào đồ dâng cúng mà chỉ thọ nhận trong thần thức mà thôi. 

Khi thần thức của người đã khuất thèm khát, nghiện đồ cúng mặn tức là đã đắm đuối vào hành vi tạo nghiệp sát sinh. Như vậy, khi cúng đồ sát sinh thì vong linh gia tiên cũng bị “tòng phạm” về nghiệp sát sinh .

Nếu linh hồn đi tái sinh kiếp sau thì họ sẽ chọn vào các gia đình hành nghề đồ tể, sát sinh để đầu thai theo nguyên lý “đồng khí tương cầu” và như vậy là oan oan tương báo, nghiệp chướng chất chồng, họ sẽ thọ nhận cảnh giới khổ đau trong các kiếp tái sinh sau này. 

Nếu cúng chay, sẽ tạo duyên cho các linh hồn quen dần với những khẩu vị thanh tịnh, khiến cho thần thức của họ được minh triết, thì họ sẽ chọn những gia đình hiền lương, nhân ái để đầu thai trong kiếp sau .

Do vậy :

- Không cúng đồ sát sinh, không cúng các đồ tanh hôi...mà nên cúng đồ thật, tiền thật, cỗ chay cùng với Hỷ thực, Hiếu thực và Pháp thực.

- Thực hiện các khóa lễ tâm linh, tụng kinh sám hối, tụng kinh Vu lan báo hiếu cho linh hồn cha mẹ tổ tiên được cảm ứng mà xả bỏ được nghiệp chướng phiền não tham sân si, để trở về cảnh giới an lạc, đồng thời cho những người còn sống cũng được thấm nhuần đạo lực của Chánh Kinh.

- Làm các việc thiện, việc lành, khởi niệm từ bi với mọi chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ tổ tiên...

PV : Đốt vàng mã, “người âm” có nhận được không, và tại sao lại phải đốt mã trước ngày Rằm tháng 7?

TS Vũ Thế Khanh: Trong dân gian có truyền thuyết cho rằng đốt mã cho “người âm” thì phải trước ngày 15/7 âm lịch, bởi sau ngày đó người âm không nhận được. Truyền thuyết này mô tả trong "thế giới cõi âm có 1 dòng sông chở hàng mã của người trần gửi cho người âm, đó là dòng Sông Chở Mã. Sau 15/7 "thuyền chở mã" đã rời bến, nên đốt mã sau ngày đó sẽ không còn giá trị nữa”.  

Xin lưu ý, đấy là truyền thuyết, chứ hiện tượng "dòng sông chở mã" này có đúng hay sai thì hoàn toàn chẳng có gì làm bằng chứng. Việc bày đặt ra sự tích “dòng sông chở mã” là chỉ nhằm tăng cường sự huyền bí của tục lệ đốt vàng mã mà thôi.

PV: Vậy tục đốt vàng mã có từ bao giờ ?

TS Vũ Thế Khanh: Thời Trung Hoa cổ đại, tục mai táng người chết rất phức tạp, đa dạng. Khi có người chết, gia đình của họ sẽ chôn đồ vật theo người quá cố, nhất là những đồ vật mà khi còn sống trên dương gian, người đó đã luôn gắn bó.

Sau này, đến đời Nhà Đường (bắt đầu từ năm 618), Vương Dũ liền chế ra đồ giả bằng giấy (vàng bạc, quần áo, tiền nong, ngựa xe... ) để cúng rồi đốt đi để thay thế cho đồ dùng thật. Từ đó, nghề làm đồ mã trở nên thịnh hành.

Nhưng về sau, khi thấy việc cúng vàng mã dần bị mai một, không còn được thịnh hành nữa thì hậu duệ của Vương Dũ là Vương Luân đã làm một trò gian lận rất tinh vi :Vương Luân đã bố trí cho một người giả chết rồi đưa vào quan tài. Khi họ hàng thân quyến và dân làng đến phúng viếng thì cho đốt rất nhiều đồ vàng mã, rồi bỗng dưng "người giả chết " bật nắp quan tài sống lại, và kể rằng: Do biếu nhiều vật dụng, tiền vàng bằng hàng mã, lại có cả hình nhân thế mạng nên đã mua chuộc được ma quỷ, Diêm Vương di căn cải mệnh, nên đã được tha mạng cho về dương thế.

Ở nước ta, do bị đô hộ hàng nghìn năm Bắc thuộc, nên cũng bị ảnh hưởng tục lệ này của văn hoá Trung Hoa cổ đại. 

Trong các ca khảo nghiệm về tâm linh, trong số các gia đình có “người âm” nhập vào để  giao lưu thì có đến 70% nói rằng khi người thân cúng vàng mã thì họ cũng “nhận được”, thậm chí còn mô tả rõ những đồ vật mà con cháu dâng cúng. Tuy nhiên, họ nói rằng“nhận được mà không dùng được”, bởi 2 hệ quy chiếu khác nhau, hai môi trường khác nhau thì "không thể dùng chung một loại phương tiện" được!. Nói một cách hình tượng là "thống đốc ngân hàng" của thế giới tâm linh không thể chấp nhận những “đồng tiền” do các cõi khác phát hành một cách tùy tiện. Ở đây khái niệm “nhận được’ của thế giới siêu hình chỉ là cảm ứng về mặt tư tưởng mà thôi.

Đạo Phật tin vào Nhân - Quả, do vậy không tin vào chuyện đốt vàng mã. Mặc dù vậy, hiện nay một số chùa ở nước ta vẫn còn duy trì tục lệ đốt vàng mã. Đây là do các Phật tử căn cơ đạo lực còn non kém nên mới tin và đưa vàng mã vào đốt trong chùa, còn với các Tăng Ni thì đa phần không tin chuyện này. Nhưng vì muốn phương tiện "chiều lòng Phật tử" để giữ khách, sợ nếu không cho đốt mã thì họ bỏ đi chùa khác, nên các các vị trụ trì chùa vẫn tạo cơ hội cho các Phật tử đốt nhiều vàng mã tại Chùa.

Trên tinh thần khoa học, việc đốt vàng mã không có ích lợi gì cho thế giới tâm linh, lại vừa tốn kém về tiền bạc (dùng tiền thật mua đồ giả), vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa suy thoái về mặt tâm linh.

PV : Ở chùa cũng hay có lễ phóng sinh, thả chim, thả cá về với môi trường sống của chúng. Việc này có ý nghĩa như thế nào thưa Tiến sĩ?

TS Vũ Thế Khanh: Nghi thức phóng sinh là nhằm nuôi dưỡng và khuyến khích lòng từ bi đối với muôn loài. Những người mà ngay cả con vật cũng không nỡ sát hại thì không bao giờ dám sát hại con người . 

Phóng sinh là thấm nhuần  đạo lý “mọi chúng sinh đều có quyền được sống bình đẳng, được sống tự do, an lành”. Nếu tôn trọng quyền được sống, quyền tự do của chúng sinh khác, thì ta cũng được người khác tôn trọng cuộc sống và tự do của mình.

Theo tư tưởng Phật Giáo, ý nghĩa phóng sinh về mặt nhân quả còn giúp hành giả tiêu trừ được nghiệp sát mà họ đã gây ra trong quá khứ . Vì vậy, người ta còn nói: Phóng sinh là giải trừ nghiệp chướng. 

Tuy nhiên, nhiều nơi làm nghi thức phóng sinh chỉ mang tính hình thức, chưa đi sâu vào bản chất của từ bi. Khi cúng phóng sinh thì lại đi đặt hàng với người khác đánh bắt cá chim để về tiến hành nghi thức phóng sinh. Như thế, tính từ bi không còn nữa, không những không được tăng công đức, không tiêu trừ được nghiệp chướng mà còn khuyến khích hành vi tội lỗi, tòng phạm với nghiệp sát sinh. .

PV: Xin TS cho biết ý nghĩa bông hồng cài áo trong tết Vu lan?

TS Vũ Thế Khanh: Ở một số nơi trong ngày lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho cha mẹ. Những người có mẹ cha còn đang sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và sẽ dâng quà báo hiếu cha mẹ trong ngày này. Trong khi đó, những người không còn cha  mẹ nữa sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa đọc kinh cầu nguyện để linh hồn cha mẹ được an lành, siêu thoát. 

Màu sắc hoa hồng trắng hay đỏ chỉ là sự quy ước. Trong ngày Lễ Vu Lan, dù cài hoa màu gì thì cũng là hướng về cha mẹ , mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ còn trên cõi trần, thì chúng ta phụng dưỡng, vấn an, lo cho cha mẹ từng miếng cơm, chén thuốc, chia sẻ buồn vui. Khi bố mẹ lìa trần, chúng ta vẫn giữ lòng hiếu thảo ấy bằng cách hồi hướng những công đức mình đã tích góp đến hương linh cha mẹ.

Riêng bậc tu hành thì các chư Tăng, ni sẽ cài hoa màu vàng, vì dù họ không có điều kiện chăm sóc cha mẹ hàng ngày nhưng với trí tuệ của mình sẽ hướng dẫn cha mẹ đi theo chánh đạo để  sớm trở về cõi an vui vĩnh hằng. 

Nhưng dù là bất cứ ai, thì trong ngày Lễ Vu Lan cũng là ngày để chúng ta cùng nghĩ về những công đức, khó nhọc mà cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu, đã vì ta mà tạo nghiệp, từ đó, khơi dậy lòng hiếu thảo, nhắc nhở ta làm những điều tốt đẹp dâng hiến cho cha mẹ dù họ còn sống hay đã khuất.

Nói cách khác, cài hoa màu gì không quan trọng mà chúng ta cần ý thức rằng, bông hoa mà chúng ta sẽ cài vào tâm khảm sâu xa của trái tim hiếu thảo là những “bông hồng tâm linh”. Một khi cài vào cái tâm hiếu thảo hướng đến cha mẹ thì màu sắc của bông hồng tâm linh sẽ vô cùng rực rỡ , nhiệm màu. Nghi thức Lễ Vu Lan không chỉ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo, mà còn khuyến cáo chúng ta hãy thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu, tưới những giọt nước cam lồ ngọt ngào của lòng từ bi lên những tâm hồn đang khổ đau, phiền não. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Lễ, là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người là con đại hiếu , bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kì tôn giáo nào. Nó thuộc về điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người chúng ta.

PV: Nhiều người cho rằng phải là người con hiếu thảo thì cúng Vu lan mới mang lại công đức. Còn những người con đã từng hư đốn, bất hiếu thì bây giờ có cúng cũng chẳng linh thiêng gì. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

TS Vũ Thế Khanh: Tội lỗi không mang tính chất cố định, mà chỉ do hành vi tạo tác trong một hoàn cảnh nào đó, nó vốn không bản chất. Tâm hiếu thảo từ bi mới là tâm dài lâu bền vững. Tâm tội lỗi cũng như bụi bẩn, như rác nhơ trong căn nhà. Khi ta quét rác, quét bụi bẩn ấy đi thì căn phòng tự nhiên sạch sẽ, thanh tịnh, không cần phải tìm cái thanh tịnh, cái sạch sẽ từ bên ngoài. Cũng như căn phòng đang tối tăm mà ta thắp lên ngọn đèn, thì cái tối tăm tự nhiên biến mất. Vậy nếu cái tối tăm, cái tội lỗi ấy mất đi thì tâm ta lại trở về với thể tính đại trí, đại hiếu.

Nhà Phật có câu: “Khi tâm phàm phu diệt thì tội cũng diệt”. Vậy nếu người con thành tâm báo hiếu  cha mẹ thì cho dù trước đây anh ta hư đốn và bất hiếu bao nhiêu chăng nữa, nhưng một khi đã quay trở lại sám hối thì tội lỗi cũng biến mất như rác bẩn được quét ra khỏi căn phòng, và ngay lập tức anh ta đã trở thành đứa con hiếu thảo. Nhà Phật có câu  “Bể oán mênh mông, quay lại là thấy bờ”. Nhân Lễ Vu Lan, chúng ta nên dành thời gian nhìn nhận lại cuộc sống gia đình và nội tâm của mình, nếu đã từng làm cha mẹ buồn lòng, phạm vào điều bất hiếu thì hãy thành tâm sám hối.

Như Mục Kiền Liên được thế gian tôn thờ là một tấm gương của bậc đại hiếu, nhưng thực ra từ kiếp xã xưa Ngài đã từng là một đứa con đại bất hiếu với cha mẹ mình, thậm chí đẩy cha mẹ mình vào rừng sâu hoang vắng để chạy trốn trách nhiệm nuôi dưỡng khi cha mẹ già yếu, mù lòa. Nhưng nhờ sự giác ngộ, biết ăn năn sám hối, Mục Kiền Liên đã trở thành huyền thoại vĩ đại về một vị bồ tát đại hiếu thảo.

PV: Tại nhiều nước châu Á, tháng 7 âm lịch được coi là tháng dành cho người âm, còn được gọi là tháng cô hồn. Vì vậy, người ta thường tránh làm việc đại sự vào tháng này... Việc kiêng kỵ như vậy có đúng không thưa tiến sĩ?

TS Vũ Thế Khanh: Cũng trong tháng 7, người ta thường truyền tai nhau về 18 điều cấm kỵ như: không để chuông gió trước đầu giường, đi đêm không được gọi tên thật, không được chụp ảnh buổi tối... Cũng không ít người quan niệm rằng tháng này đen đủi, không nên dựng nhà, sửa cửa, đám cưới…

Đó chỉ là do tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân, vì nghĩ rằng tháng 7 là tháng hàng mã nhan nhản khắp nơi để phục vụ cho việc cúng lễ Rằm tháng 7. Mà đồ mã thì dễ khiến người ta liên tưởng đến những vật dụng mau hỏng, rẻ tiền, giả tạo, tạm bợ, kém chất lượng,... Đó chính là những ám thị tiêu cực xuất phát từ việc kiêng kỵ nói trên. Ngay cả việc vào tháng 7, khi ăn trái cây thường sẽ cảm nhận không ngon, cứ sống sượng, chua chát hơn bình thường. Đó là do thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng một phần do ám thị mà ra (người ta thường nghĩ là bị “ma vày”). Tương tự người ta hay kiêng: chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3, hoặc kiêng thứ 6 trùng với ngày 13. .. Tất cả những ám thị ấy khiến tiềm thức chúng ta không yên tâm trong các quyết định của mình, từ đó khi hành động, triển khai sự kiện gì thì lại thiếu tập trung, thiếu kiên quyết, vì thiếu sự tin tưởng.

Theo luật nhân quả, nếu làm điều tốt đẹp thì bất kể ngày nào cũng là ngày tốt. Nhưng nếu ta chọn ngày tốt mà gieo Nhân xấu ác thì hậu Quả cũng không thể tốt lành. Bởi vậy, không nên quá câu nệ ngày tốt ngày xấu, mà điều chủ yếu là ta làm việc tốt hay xấu mà thôi.

Ngày "tốt " làm điều xấu, ngày đó thành ngày xấu. Ngày "xấu" làm điều thiện, ngày đó thành ngày tốt.

Do vậy cũng không nên quá thành kiến về ngày Rằm tháng 7 và tháng cô hồn. Nếu đi chơi đêm thì có khi gặp "ma trần" làm hại chứ chưa chắc đã phải là "ma âm".

PV. Xin cảm ơn TS Vũ Thế Khanh vì cuộc trao đổi hết sức thú vị này!

Theo Petrotimes

Bạn đang đọc bài viết Cúng lễ Vu Lan và cô hồn Rằm tháng 7 như thế nào cho được lợi lạc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới