Thứ sáu, 29/03/2024 17:17 (GMT+7)

Cược 10 triệu dẹp 'bảo kê' gầm cầu: Công an huyện Gia Lâm nói gì?

Nhóm PV -  Chủ nhật, 07/04/2019 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Công an huyện tham mưu cho xã ra quyết định cưỡng chế và chúng tôi sẽ phối hợp để đảm bảo ANTT trong quá trình cưỡng chế, nhưng chính quyền xã chẳng làm gì cả?", Phó Công an huyện Gia Lâm nói.

"Chính quyền xã quá yếu kém, chẳng làm gì cả”!?

Liên quan đến bài viết “Gia Lâm, Hà Nội: Cá cược mất 10 triệu nếu dẹp được 'bảo kê' dưới gầm cầu” phản ánh về tình trạng lấn chiếm gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (thuộc địa bàn xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm nơi trông giữ xe ô tô, điểm rửa xe thay dầu, nơi thu mua tập kết phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn hạ tầng giao thông đường bộ, PV đã có trao đổi với Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm Hoàng Xuân Trường để làm rõ hơn về thông tin này.

Theo Thượng tá Hoàng Xuân Trường, sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm đã giao cho lực lượng CSGT công an huyện kiểm tra nội dung thông tin bài báo nêu. Vị Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm cũng xác nhận, có tình trạng một số hộ dân chiếm dụng gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) trước khi báo chí thông tin.

“Đây là kho bãi do những người dân địa phương tự lập ra. Đúng là theo quy định sẽ không cho các hộ dân sử dụng gầm cầm này làm bãi trông giữ xe, kho bãi thu mua phế liệu, nơi thay dầu rửa xe… Tôi đã yêu cầu xã, lực lượng CSGT huyện không cho hoạt động nữa, nhưng UBND xã Yên Thường chưa ra được kế hoạch cưỡng chế. Đồng thời, tôi cũng đã giao cho Đồn Công an Bắc Đuống, lực lượng CSGT công an huyện tham mưu cho xã Yên Thường để ra kế hoạch cưỡng chế”, Thượng tá Trường cho hay.

Cũng theo vị Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm, tại khu gầm cầu vượt cao đường cao tốc này có mấy hộ dân ở đây lấn chiếm. “Người dân ra bán nước, trông giữ xe vì thấy mình không quản lý thì họ ra đó lấn chiếm. Gầm cầu này là công trình giao thông, phía công ty quản lý, vận hành khu vực này cũng nhiều lần gửi văn bản, chúng tôi cũng có yêu cầu xã có kế hoạch cưỡng chế rồi. Chắc họ cũng lén nút ra đó hoạt động chứ không cho ai chiếm dụng, hoạt động ở đây đâu”, ông Trường nói.

“Theo PV tìm hiểu, hoạt động này tồn tại từ 2015 đến nay đã 4 năm qua nhưng không được xử lý dứt điểm?”, PV đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, ông Trường cho biết, dù ông cũng yêu cầu lực lượng CSGT công an huyện nhưng chính quyền xã không làm quyết liệt. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn Công an huyện Gia Lâm chỉ có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bãi tập kết thu mua phế liệu dưới gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

PV đặt câu hỏi tiếp: “Phía chính quyền địa phương bảo không quản lý khu vực gầm cầu này, Công an huyện Gia Lâm cũng không quản lý liệu có phải đổ trách nhiệm không?”.

Về vấn đề này, ông Trường cho rằng: “Công an huyện không đùn đẩy trách nhiệm cho ai cả. Đường của công ty đường bộ, địa phận, địa giới hành chính của xã Yên Thường. Trách nhiệm của xã người ta phải kiểm tra, quản lý. Trước kia, có một quy chế phối hợp giữa đơn vị quản lý đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với chính quyền địa phương và địa phương là người quản lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương yếu chứ không phải đổi trách nhiệm cho ai (!?)”.

Nói như vị Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm, trách nhiệm quản lý nhà nước ở đây thuộc về chính quyền xã Yên Thường, Công an huyện Gia Lâm chỉ đảm bảo ANTT. Còn theo ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT), để thực hiện việc cưỡng chế thì phải "từ cấp huyện trở lên".

“Khi có văn bản, Công an huyện Gia Lâm cũng đã tham mưu để giải tỏa, cam kết giữa các bên vì đất của xã, xã phải quản lý. Nhưng vì Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thường quá yếu khi đã để nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã để cho xây dựng trái phép và cũng đã bị xử lý kỷ luật hàng loạt vừa rồi. Tôi khẳng định, đây không phải tiếp tay mà tôi đã cho kiểm tra, nhưng công tác quản lý của chính quyền xã quá yếu. Vì thấy quản lý yếu, dân ở đó ra trông giữ xe thôi”, Thượng tá Trường thông tin thêm.

Sẽ cho kiểm tra, xác minh có hoạt động “bảo kê” không?

Ông Trường cũng cho hay, công an huyện đã có văn bản cho Đồn Công an Bắc Đuống xuống cam kết, Đội CSGT Gia Lâm rà soát và báo cáo cả thành phố và thành phố cũng có văn bản chỉ đạo việc này. Tuy nhiên, phía chính quyền xã chưa thực hiện được.

“Công an huyện tham mưu cho xã ra quyết định cưỡng chế và chúng tôi sẽ phối hợp để đảm bảo ANTT trong quá trình cưỡng chế nhưng chính quyền xã chẳng làm gì cả? Công tác quản lý ở xã quá yếu kém. Tôi cho rằng, nếu để tồn tại bãi trông giữ xe dưới gầm cầu sẽ không đảm bảo an toàn cho công trình”, ông Trường nói thêm.

Một góc nơi gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ở khu vực xã Yên Thường.

Trả lời về câu hỏi: “Có thông tin cho rằng, có hoạt động “bảo kê” chiếm dụng gầm cầu vượt cao tốc ở xã Yên Thường làm nơi kinh doanh?”, Thượng tá Hoàng Xuân Trường khẳng định: “Không ai bảo kê cho chỗ này đâu, thực ra chả có gì to tát. Thực tế, tôi cũng đã xuống kiểm tra rồi nhưng cũng chỉ để mấy cái ô tô, ban ngày có 1-2 quán nước. Khi có thông tin, tôi cũng trực tiếp xuống kiểm tra vì nếu để xảy ra cháy nổ cũng phức tạp, ảnh hưởng. Còn chúng tôi cũng chưa thể khẳng định có hay không việc “bảo kê” đó. Nhưng việc có người “bảo kê” hay không chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh cho rõ xem có việc đó hay không”.

Qua đây có thể thấy, một sự việc tồn tại xâm phạm, gây tiềm ẩn tổn hại đến một công trình đường bộ quan trọng trong suốt hơn 4 năm qua mà mọi người đều nhìn thấy rõ, nhưng cả chính quyền huyện, Công an huyện Gia Lâm và chính quyền xã không xử lý được thì quả là điều đáng suy ngẫm? Dư luận cho rằng, không thể vô cớ mà người dân hay ai đó ngang nhiên “chui” vào gầm cầu này để chiếm dụng làm nơi kinh doanh được.

Nếu không xử lý dứt điểm nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình quản lý trật tự đô thị nói chung ở địa phương và nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn làm hư hại công trình giao thông quan trọng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Cược 10 triệu dẹp 'bảo kê' gầm cầu: Công an huyện Gia Lâm nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.