Thứ sáu, 29/03/2024 03:18 (GMT+7)

DA Cát Linh–Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ vẫn phải trả nợ đúng hẹn

MTĐT -  Thứ hai, 22/01/2018 15:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù liên tục đội vốn, chậm tiến độ nhưng dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn phải trả tiền vay đúng hẹn cho ngân hàng Trung Quốc.

Thanh toán đúng hạn cả gốc lẫn lãi

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc trả nợ kỳ hạn ngày 21/1/2018 và phí cam kết cho khoản vay tín dụng người mua ưu đãi 250 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn cho China Eximbank gốc đến hạn, lãi và phí cam kết đến hạn phải trả ngày 21/1/2018 đối với khoản tín dụng ưu đãi giá trị 250 triệu USD cho dự án.

Cụ thể, dư nợ là 38,56 triệu USD, cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), trong đó lãi vay là hơn 580 nghìn USD (13,16 tỷ đồng).

Còn phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229,5 nghìn USD (5,2 tỷ đồng).

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Bộ Tài chính cũng cho hay, dự án đã hoàn thành rút vốn từ hiệp định trong tháng 12/2017. Tổng số vốn vay đã rút theo cơ chế cho vay lại theo đề nghị rút vốn chi tiết từng lần của Bộ GTVT (Ban quản lý dự án đường sắt) là hơn 43,3 triệu USD.

Phí cam kết đối với phần vốn vay lại của Hiệp định là 657,7 nghìn USD.

Bộ Tài chính đề nghị BIDV đối chiếu lại số tiền phải trả (gốc, lãi vay, phí cam kết) của phần cho vay lại, thu từ Ban quản lý dự án Đường sắt và chuyển trả vào tài khoản của Quỹ tích luỹ trả nợ.

Chậm tiến độ, nợ chồng nợ

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.

Từ tháng 10/2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II-2018, Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Thế nhưng đến cuối tháng 11/2018, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) lại gửi văn bản lên Bộ GTVT xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến gần cuối năm 2018 mới đưa vào vận hành.

Lý do chậm tiến độ được đưa ra là từ nguồn vốn giải ngân. Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án (QLDA) đường sắt, kể từ đầu tháng 12/2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công… rất chậm trễ, thiếu khoa học.

Nhiều hạng mục vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Theo đó, công tác xây dựng cơ bản nhà ga dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018; Phần trang trí kiến trúc Depot, hệ thống thiết bị, căn chỉnh hệ thống đơn dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018; Đến tháng 5/2018 sẽ nghiệm thu hệ thống, đào tạo thao tác thiết bị.

Đến 2/9/2018 sẽ vận hành chạy thử về kỹ thuật và đến tháng 11/2018 mới dự kiến là đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, Ban QLDA cho biết, dự án đang nợ nhà thầu phụ 600 tỷ đồng.

Ban QLDA cũng cho biết, nếu tiếp tục chậm tiến độ, dự án sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó có tình trạng đội vốn vì lãi suất tăng từng ngày.

Cụ thể, với số vốn 669,62 triệu USD đã vay từ Trung Quốc, theo tỉ giá hiện nay tương đương 14.718 tỉ đồng, chỉ tính lãi vay thấp nhất (3%/năm), mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỉ đồng. Số lãi này chưa tính vốn đối ứng 198,42 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án.

Đối với lần tăng vốn thêm 315,18 triệu USD (được đưa ra vào năm 2013, quyết định năm 2016) nêu trên, nguyên nhân chủ yếu cũng là do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và điều chỉnh thiết kế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết DA Cát Linh–Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ vẫn phải trả nợ đúng hẹn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.