Thứ tư, 24/04/2024 01:47 (GMT+7)

Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển cây xanh đô thị

MTĐT -  Thứ sáu, 18/03/2022 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

​​​​​​​Lĩnh vực cây xanh đô thị hiện nay chủ yếu sử dụng nguồn vốn nhà nước, chưa nhận được sự quan tâm của nguồn vốn tư nhân tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các công viên cây xanh cho các đô thị.

Các đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh.

Diện tích đất cây xanh đô thị mới chiếm tỷ lệ hơn 1,2%

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 28/7/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2969/BXD-HTKT về việc triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” gửi các địa phương hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý cây xanh (theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị và triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định số 524/QĐ-TTg).

Theo đó, tính đến tháng 12/2021, cả nước đã có 869 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V.

Thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất xây dựng theo quy hoạch khoảng trên 6 triệu ha, diện tích đất cây xanh khoảng trên 70 nghìn ha (một số địa phương không báo cáo, hoặc không có số thống kê), chiếm tỷ lệ hơn 1,2% (thấp hơn so với quy chuẩn đặt ra).

Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển cây xanh đô thị
Diện tích đất cây xanh đô thị cả nước khoảng trên 70 nghìn ha. Ảnh: Internet

Có 55/63 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Một số địa phương, đô thị cũng đã ban hành danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn,… theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP và các quy định về đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Đến nay, chưa có thống kê cụ thể về số lượng cây xanh đô thị (thân gỗ lớn, cây bóng mát). Tuy nhiên, tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350 nghìn cây (năm 2015), TP Hồ Chí Minh khoảng 236 nghìn cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP. Vũng Tàu khoảng 38 nghìn cây, TP. Quy Nhơn khoảng 54 nghìn cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43 nghìn cây,…

Cây xanh trong các khu công nghiệp chủ yếu được trồng theo quy hoạch được duyệt trong quá trình xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tuân thủ quy hoạch chi tiết. Ngoài phần diện tích trồng cây xanh của khu công nghiệp, trong các nhà máy, chủ đầu tư cũng bố trí tỷ lệ đất cây xanh khoảng 20% khi triển khai dự án như tại tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Tại các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật các địa phương đều bố trí diện tích để trồng cây xanh cách ly. Cây xanh cách ly chủ yếu là các cây có khả năng thích nghi tốt, sinh trưởng nhanh, tán cây phù hợp với mục tiêu cách ly công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật với không gian xung quanh.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong công tác trồng, phát triển cây xanh đô thị còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Công tác quản lý và duy trì, phát triển quỹ đất cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, đặc biệt với các quỹ đất cây xanh còn xảy ra tại một số địa phương trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội.

Lĩnh vực cây xanh đô thị hiện nay chủ yếu sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư và trồng, chăm sóc, duy trì, chưa nhận được sự quan tâm của nguồn vốn tư nhân tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các công viên cây xanh cho các đô thị. Các đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh.

Việc phát triển các loại cây giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng của địa phương đòi hỏi khoa học và công nghệ hiện đại, tại địa phương chưa thể chủ động trong lĩnh vực này. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ về nguồn giống, quy trình chăm sóc, bảo vệ từ cây non đến khi trưởng thành.

Cây xanh đã trồng tại các địa phương chưa được đồng bộ về giống, quy cách và điều kiện phát triển khí hậu, thổ nhưỡng do việc trồng cây xanh trước đây còn mang tính tự phát, theo phong trào chưa được định hướng quy hoạch, xác định về kế hoạch, quy cách và chủng loại.

Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển cây xanh đô thị
Nhiều đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh. Ảnh: internet

Trước những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, các địa phương đã kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát một số nội dung cần được sửa đổi, cập nhật, bổ sung trong Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị; hoàn thiện chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị, trong đó đảm bảo không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh theo quy định phù hợp với thực tiễn triển khai quản lý tại các địa phương. Bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh; Bổ sung các chế tài xử lý khi chủ đầu tư các dự án không dành quỹ đất cho việc trồng cây xanh;

Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển cây xanh đô thị; Bố trí kinh phí tương ứng dành riêng cho nội dung phát triển, chăm sóc, quản lý cây xanh, phát triển hệ thống công viên, mảng xanh, vườn ươm; Phát triển việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý cây xanh (phần mềm quản lý, theo dõi); tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, phát triển quỹ đất vườn hoa, công viên (đất cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên) nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng công viên, vườn hoa, cây xanh trong quá trình phát triển đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển cây xanh đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới