Thứ tư, 24/04/2024 23:18 (GMT+7)

Đà Nẵng: Ẩn họa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ rác thải y tế

Đinh Nga -  Thứ bảy, 17/07/2021 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tính đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng ghi nhận ít nhất có 3 điểm phát dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế (Bệnh viện Đà Nẵng, Thẩm mỹ viện Quốc tế Amida (Q.Hải Châu) và Nha khoa Lê Hưng (Q.Thanh Khê).

*Bài 2:  Cần mạnh tay với cơ sở y tế phát tán rác thải ra môi trường

Hiện tại, Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng bùng phát các ổ dịch mới, xuất hiện một số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây. Việc rác y tế thẩm lậu ra ngoài môi trường theo đường rác sinh hoạt là hết sức nguy hại, ẩn hoạ nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Phong tỏa khu vực Nha khoa Lê Hưng có ca nhiễm Covid-19.
Nha khoa Lê Hưng là 1 trong 3 cơ sở y tế phát hiện có ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng.

Để góp phần hạn chế đại dịch Covid-19 lây lan, ngày 5/8/2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ban hành Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tại các cơ sở y tế, các cơ sở y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, cơ sở y tế xử lý chất thải tập trung, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế trong phòng chống dịch, nguồn rác thải y tế phải được xử lý hết sức chặt chẽ. Với lượng rác thải có nguy cơ lây nhiễm Covid -19 thì phải áp dụng biện pháp thu gom riêng và sử dụng phương pháp thiêu hủy.

Ngoài quyết định này, theo Thông tư Liên tịch 58/2015/TTLT/BYT-BTNMT quy định quản lý chất thải y tế và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế được quy định hết sức chặt chẽ.

Theo đó, việc thu gom chất thải y tế được phân làm 3 loại (chất thải nguy hại lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải y tế thông thường). Cả 3 loại này đều phải được ký hợp đồng thu gom và xử lý đúng theo quy định, không để phát tán ra môi trường. Chất thải thông thường được thu gom, vận chuyển riêng, đa phần là chôn lấp. Còn chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ, vậy nên không được trộn lẫn giữa 2 loại này trong quá trình thu gom.

Các chất thải này phải được thu gom, xử lý theo rác thải lây nhiễm nhưng lại  đổ lẫn vào rác sinh hoạt tại Nhà chứa rác Bệnh viện Đà Nẵng.

Ông Trần Hữu Giác, Đội trưởng Đội 2, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu cho biết, Luật đã quy định như vậy, song vì lợi ích kinh tế, một số cơ sở y tế trên địa bàn có biểu hiện “lách luật”, hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt thông thường, nhưng khi công nhân vệ sinh của đơn vị đến thu gom thì cho rác thải y tế lẫn vào trong. Lẽ ra, số rác này phải được thu gom riêng theo diện rác thải y tế, có đơn giá chi phí cao hơn rác sinh hoạt thông thường.

“Vì áp lực thời gian nên đa phần công nhân vệ sinh môi trường không thể kiểm tra hết được, mặc nhiên thu gom theo rác thải thông thường. Giả dụ, nếu cơ sở y tế này có ca lây nhiễm Covid đến khám thì sẽ nguy hiểm cho công nhân trực tiếp thu gom. Đó là chưa kể, số rác thải y tế này phát tán ra môi trường sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch”, anh Giác chia sẻ.

Thu gom rác thải y tế lây nhiễm lẫn chung rác sinh hoạt gây nguy hiểm cho công nhân môi trường.

Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Đà Nẵng, việc các cơ sở y tế phát sinh rác thải trong quá trình hoạt động mà không có hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý, tự ý thải ra môi trường là vi phạm pháp luật. Các hành vi này sẽ bị xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng, toàn thành phố hiện mới có 30 cơ sở y tế đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và trung bình mỗi ngày thải ra 1 tấn rác loại này. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có Công văn số 1826/STNMT-CCMT ngày 14/5/2021, yêu cầu các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, Cty CP MTĐT Đà Nẵng, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải đảm bảo theo các quy định.

Rác thải y tế nguy hại thẩm lậu ra môi trường sẽ gây nguy hiểm cho người dân nhặt phế thải  tại Bãi rác Khánh Sơn.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay, 2 lò đốt ST80 và ST200 của Cty CPMTĐT Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, gây rất nhiều khó khăn cho Đà Nẵng trong việc xử lý số rác thải y tế lây nhiễm Covid-19. Thời gian tới, phía Cty CPMTĐT Đà Nẵng đã có phương án đầu tư 43 tỷ đồng xây dựng 2 lò đốt công nghệ mới để xử lý chất thải nguy hại, trong đó có rác thải y tế.

Đà Nẵng đã và đang nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19. Việc các cơ sở y tế trong quá trình hoạt động vi phạm các quy định về xử lý rác thải, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh ra cộng đồng là điều hết sức đáng lên án, cần được cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay xử lý nghiêm.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Ẩn họa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ rác thải y tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.