Thứ sáu, 26/04/2024 00:33 (GMT+7)

Đà Nẵng: Công bố chương trình Lễ hội Quán Thế Âm và đón nhận Di sản Ma Nhai thắng cảnh Ngũ Hành Sơn

Đinh Nga -  Thứ sáu, 24/02/2023 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 24/2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về Lễ hội Quán Thế Âm và đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

tm-img-alt
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn phát biểu tại họp báo.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Tại động Hoa Nghiêm có 20 Ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 Ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Động Tàng Chơn có 20 Ma nhai. Động Vân Thông có 2 Ma nhai. Động Linh Nham có 3 Ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia Ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

tm-img-alt
Ma nhai Linh Nham động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ. Cụ thể là mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII. Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.

Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam. Hệ tưởng tư chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa và coi trọng đạo đức con người; về giai đoạn Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và mang tính quốc tế cao…

tm-img-alt
Ma nhai Bạch Thạch Hoàng Sa tại danh Thắng Ngũ Hành Sơn.

Ngày 2/2/2023, UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về Tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, thời gian tổ chức lễ đúng vào lúc 8 giờ ngày 1/3/2023, tại di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, số 81 đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn thông tin về chương trình Lễ hội Quán Thế Ấm sẽ diễn ra vào ngày 19/2 âm lịch hằng năm.

tm-img-alt
Đại diện lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì buổi họp báo.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật. Đây là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

tm-img-alt
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn diễn ra vào ngày 19/2 âm lịch hằng năm.

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2023 được UBND TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.

tm-img-alt
Lễ hội Quán Thế Âm tại quận Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dư kiến năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 8/3/2023 đến 10/3/2023 (nhằm ngày 17/02 đến ngày 19/02 Âm Lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo đồng bào phật tử, nhân dân và du khách tham gia như: Công bố - trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24k và cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm. Hội Thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước năm 2023 và 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước. Biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu, diễu hành xe hoa, khai trương Thư viện Vạn Hạnh – là thư viện với hơn 30.000 ấn phẩm liên quan đến phật giáo, văn hóa.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Công bố chương trình Lễ hội Quán Thế Âm và đón nhận Di sản Ma Nhai thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.